16/04/2011 - 09:43

Lịch sử khó lặp lại ?

67 năm trước, các nhà lãnh đạo tài chính thế giới đã tập trung tại khu nghỉ mát Mount Washington ở Bretton Woods, bang New Hampshire của Mỹ, trong nỗ lực thiết lập trật tự mới cho nền kinh tế thế giới, thay thế hệ thống cũ bị đổ vỡ hoàn toàn sau cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 và Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ đã thành công với một thỏa thuận tạo nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng suốt 3 thập niên sau đó, mà cụ thể là sự ra đời của hai định chế tài chính lớn là Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Gần 3 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu lại tề tựu về Washington trong hai ngày hôm qua và hôm nay 16-4 để tham dự một loạt cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), IMF và WB, để tranh luận về một hệ thống vốn có thể bảo vệ kinh tế toàn cầu trước những nguy cơ phát sinh từ các nước riêng lẻ. Tuy nhiên, người ta cho rằng rất khó đạt được bất kỳ sự đột phá nào trong các cuộc họp trên.

Những tranh cãi cố hữu giữa các nước phát triển với các nước mới nổi dường như không có hồi kết. Chẳng hạn các cường quốc lớn, với Mỹ đi đầu, luôn cáo buộc Trung Quốc ghìm giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế cho xuất khẩu, gây thâm hụt mậu dịch cho các nước đối tác. Ngược lại, Bắc Kinh phàn nàn Washington “xuất khẩu lạm phát” thông qua việc USD đang là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Vì thế, các hội nghị đang diễn ra tại Washington xem ra chỉ có thể giống như những cuộc họp của các bộ trưởng tài chính ở Pháp cách đây 2 tháng và tại Hàn Quốc tháng 11 năm ngoái.

Một trong những lý do các nhà lãnh đạo tài chính có thể đạt được thỏa thuận rộng tại Bretton Woods năm 1944 là quy mô thảm họa diễn ra 15 năm trước đó lớn đến nỗi không có nghi ngờ nào về sự cần thiết phải cải tổ cơ bản hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó, sau khủng hoảng tài chính 2008, các nước mới nổi như Trung Quốc rõ ràng không bị tác động nặng về kinh tế, còn tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ mặc dù lên tới 10% nhưng còn thấp hơn nhiều so với mức 25% trong cuộc Đại suy thoái. Mặt khác, không có dấu hiệu xung đột toàn cầu có thể so sánh với Thế chiến thứ hai. Vì vậy, các nước chưa sẵn sàng nhượng bộ cho mục tiêu ổn định nền kinh tế thế giới. Thế nên khả năng lặp lại lịch sử kiểu thỏa thuận Bretton Woods rõ ràng khó xảy ra.

N. MINH (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết