31/03/2018 - 17:07

LHQ tiếp tục gây sức ép lên Triều Tiên 

 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) lại vừa thông qua danh sách trừng phạt được cho là lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào hàng chục công ty vận tải, tàu thuyền và cá nhân bị cáo buộc giúp CHDCND Triều Tiên vận chuyển lậu than và bán dầu trái phép, vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Chủ tịch IOC Thomas Bach (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp hôm 30-3. Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters, Ủy ban trừng phạt của LHQ hôm 30-3 đưa vào “danh sách đen” 21 công ty vận tải hàng hải có trụ sở tại Trung Quốc, Hồng Công, quần đảo Marshall, Panama, Samoa và Singapore. Ủy ban cũng nhất trí đóng băng tài sản 2 tàu thuyền của Triều Tiền và cấm 13 tàu khác của nước này tiếp cận cảng biển quốc tế. Lệnh tương tự được áp đặt đối với 12 tàu không phải của Triều Tiên kèm theo quyết định xóa hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, lệnh đóng băng tài sản và cấm du lịch còn được thực thi với cá nhân mang quốc tịch Đài Loan Tsang Yung Yuan. Người này bị tố hợp tác xuất khẩu than sang Triều Tiên thông qua trung gian của Bình Nhưỡng hoạt động ở nước thứ 3. Ông Tsang cũng bị cáo buộc từng dính líu tới nhiều hoạt động bị cấm vận của LHQ.

Danh sách trên là một phần trong kiến nghị của Mỹ trình lên Ủy ban trừng phạt hồi tháng rồi, trong đó yêu cầu cấm 33 tàu cập cảng trên toàn cầu và liệt vào danh sách trừng phạt 27 công ty vận tải biển, một cá nhân người Đài Loan bị cho hỗ trợ Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế vốn áp đặt nhằm đáp trả việc nước này phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. Đề nghị của Mỹ sau đó bị Trung Quốc trì hoãn nhưng không đưa ra lý do. Hôm 29-3, Washington tiếp tục đưa ra danh sách rút gọn và được ủy ban nhất trí thông qua. Trong một tuyên bố, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley gọi đây là lệnh trừng phạt “lịch sử” phản ánh sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động “bất hợp pháp” của Triều Tiên, duy trì áp lực lên chế độ Bình Nhưỡng.

Động thái gây sức ép của LHQ diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Sắp tới, ông Kim tiếp tục có cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4 và hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào tháng 5. Hôm 28-3, ông Trump trong thông điệp trên Twitter cho biết đang kỳ vọng vào cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên và cảm thấy đây là cơ hội tốt để ông Kim Jong-un “làm việc đúng đắn” cho người dân Triều Tiên nói riêng và quốc tế nói chung. Dẫu vậy, Tổng thống Trump khẳng định các biện pháp trừng phạt và gây áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng vẫn phải duy trì.

Chủ tịch IOC thăm Triều Tiên

Hôm 30-3, lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach khi ông này dẫn đoàn đoàn đại biểu IOC thăm Thủ đô Bình Nhưỡng theo lời mời của Triều Tiên. Theo AP, hai bên tham gia cuộc họp chính thức trong 30 phút và cùng trao đổi 45 phút khi dự khán trận bóng đá tại sân vận động May Day.

Thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 31-3 cho biết, ông Kim đã gởi lời cảm ơn đến IOC cũng như Chủ tịch Bach trong công tác hỗ trợ đoàn thể thao nước này tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang diễn ra tại Hàn Quốc tháng rồi, góp phần hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và mở ra chương mới cho quan hệ liên Triều. Theo đó, ông Kim cam kết Triều Tiên sẽ tiếp tục góp mặt tại Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. Đáp lại, ông Bach lần nữa ca ngợi tinh thần Olympic chân chính đã giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau và gởi đến cộng đồng quốc tế thông điệp mạnh mẽ về hòa bình.

Được biết, Chủ tịch Thomas Bach chính là người đã hỗ trợ sắp xếp đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhau tiến vào lễ đài tại Olympic mùa đông PyeongChang và góp phần hình thành đội tuyển Khúc côn cầu trên băng nữ liên Triều.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết