25/05/2022 - 08:34

LHQ kỳ vọng giới tỉ phú tham gia chống đói nghèo 

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Cuộc chiến Nga - Ukraine đang làm gia tăng mối đe dọa mất an ninh lương thực trên toàn cầu và đây là thời điểm cần sự đóng góp hơn nữa từ giới “siêu giàu”, theo Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc David Beasley (ảnh).

Dự báo ảm đạm

Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Ukraine cũng là nhà cung cấp chính các loại cây lương thực khác như bắp, lúa mạch cùng sản phẩm dầu hướng dương và hạt cải dầu; trong khi Nga và Belarus chiếm hơn 40% tổng lượng phân bón Kali xuất khẩu toàn cầu. Nhưng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2, tình hình sản xuất nông nghiệp và cung ứng bị gián đoạn ở nhiều khâu khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn an ninh lương thực ở các nước đang phát triển và đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Gần đây, LHQ tiếp tục được cảnh báo rằng dự trữ lúa mì toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 và nguồn cung loại lương thực này trong kho dự trữ chỉ còn duy trì trong 10 tuần nữa. Với tình trạng hiện nay, các nhà khoa học dự báo sẽ có gần 1,9 tỉ người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vào tháng 11.

Lời kêu gọi trách nhiệm của giới tỉ phú

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới DAVOS (Thụy Sĩ), Giám đốc WFP Beasley cảnh báo thế giới trong vòng 10 đến 12 tháng tới có nguy cơ hứng chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế nếu không có hành động giải quyết kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu. Trong đó, ông đặc biệt kêu gọi sự đóng góp của những người giàu nhất thế giới như Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk hay Chủ tịch Amazon Jeff Bezos.

Năm ngoái, ông Beasley từng chỉ đích danh hai tỉ phú nói trên với khẳng định chỉ cần họ chi 6 tỉ USD là có thể giúp 42 triệu người tránh được nạn đói toàn cầu. Ðáp lại, ông Musk tuyên bố sẵn sàng bán cổ phiếu Tesla và góp số tiền như đã nêu với điều kiện WFP chứng minh được họ giải quyết nạn đói toàn cầu bằng cách nào với 6 tỉ USD. Sau màn tranh luận gay gắt, có thông tin ông Musk tặng hơn 5 triệu cổ phiếu Tesla trị giá 5,7 tỉ USD trong giai đoạn 19/11-29/11.

Ðối với tin tức này, ông Beasley cho biết mọi người nghĩ WFP là bên nhận nhưng thực tế không phải. Nhưng dù sao, Giám đốc WFP coi đó là dấu hiệu đáng khích lệ từ người giàu nhất thế giới và ông hy vọng hành động này gửi thông điệp đến giới tinh hoa cùng những tỉ phú khác. “Thế giới đang thực sự gặp rắc rối nghiêm trọng. Ðây không phải lời nói khoa trương và nhóm siêu giàu cần hành động nhiều hơn nữa, bởi vì thế giới đang cần họ” - ông Beasley kêu gọi. Theo báo cáo của tổ chức từ thiện Oxfam, thế giới đã có thêm 573 tỉ phú trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, tức trung bình 30 tiếng có một tỉ phú mới. Khối tài sản tích lũy của các tỉ phú tăng gần 3.800 tỉ USD lên 12.700 tỉ USD. Tổ chức này cũng ước tính khoảng 263 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, đồng nghĩa trung bình 33 tiếng có thêm 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

Tuần rồi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cảnh báo “ngày tận thế” thiếu lượng thực thế giới khi Ukraine gặp khó trong việc xuất khẩu nông sản. Với khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc không được sử dụng trong các hầm chứa của Ukraine, đây là một nỗi lo lớn, không chỉ đối với nước này mà còn với cả thế giới.

Chia sẻ bài viết