18/07/2020 - 06:43

LHQ cần hơn 10 tỉ USD để chống dịch 

Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 16-7 lên tiếng kêu gọi các nước ủng hộ 10,3 tỉ USD để giúp chống đại dịch COVID-19, đánh dấu số tiền lớn nhất mà tổ chức này từng “thỉnh cầu”.

Công tác lấy dịch mũi họng xét nghiệm COVID-19 ở Ấn Độ hôm 17-7. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock thúc giục Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) cần hành động ngay nếu không sẽ phải trả giá. LHQ cảnh báo có tới 265 triệu người có thể sẽ đối mặt với nạn đói vào cuối năm nay do tác động của đại dịch nếu G-20 không hành động cấp bách. Số tiền này được dùng để tiếp sức cho những quốc gia có thu nhập thấp hoặc dễ bị ảnh hưởng nhất. Ông Lowcock cũng hy vọng Mỹ sẽ đóng góp khoảng 30% trong số 10,3 tỉ USD. Vài ngày trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo 10 quốc gia đang rơi vào khủng hoảng lương thực trầm trọng, bao gồm Yemen, CHDC Congo, Afghanistan…

Hồi tháng 3, LHQ đã phát động kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu, với lời kêu gọi ủng hộ 2 tỉ USD để đối phó COVID-19, nhưng đến nay chỉ quyên góp được 1,7 tỉ USD. Sáng kiến này nhằm hỗ trợ 63 quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo và những nước này cũng đã bắt đầu “thấm đòn” bởi COVID-19 cũng như các biện pháp phong tỏa nhằm dập dịch.

Tính đến chiều 17-7, thế giới ghi nhận hơn 14 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, với trên 590.000 trường hợp tử vong. Hôm qua, Ấn Độ cán cột mốc buồn khi có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19, nhiều thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ và Brazil. Như vậy, số ca nhiễm tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi chỉ trong 20 ngày, với tổng cộng hơn 25.600 người chết. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng đối phó với sự bùng phát tại đất nước 1,3 tỉ dân. Theo Hãng tin AP, hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Ấn Độ là một trong những hệ thống được đầu tư ít nhất trên thế giới và mức độ tiếp cận bệnh viện ở khu vực nông thôn cũng rất thấp.

Trong khi đó, Mỹ ghi nhận hơn 77.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại xứ cờ hoa. Mỹ ngày 16-7 báo cáo thêm 77.217 ca nhiễm mới COVID-19, vượt mức tăng kỷ lục 69.070 ca hồi tuần rồi, qua đó nâng tổng số người nhiễm trên cả nước lên trên 3,6 triệu. Hiện bang Florida đã trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Ngày 16-7, bang này ghi nhận 156 ca tử vong mới, con số cao nhất trong một ngày và gần 14.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Florida lên 315.000 ca và tổng số ca tử vong lên 4.782 ca. Florida cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao hơn bất kỳ bang nào ở Mỹ, tiếp theo là bang California và Texas với khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tại Brazil, số ca nhiễm SARS-CoV-2  đến ngày 16-7 đã vượt  ngưỡng hơn 2 triệu, trong đó hơn 76.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm mới và 1.300 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới tại nhiều địa phương ở Nhật Bản đang tăng ở mức đáng báo động. Điều đáng lo ngại là giới chức y tế nước này không tìm ra con đường lây nhiễm của nhiều trường hợp. Các số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng Nhật Bản cho thấy chỉ riêng ngày 16-7, nước này đã ghi nhận thêm 622 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 và là lần đầu tiên kể từ ngày 11-4, số ca nhiễm mới trong một ngày cao hơn 600 ca. Đáng chú ý, số lượng ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo đã tăng cao kỷ lục lên mức 286 ca, nâng tổng số ca ở thành phố này lên 8.640 ca.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết