12/12/2020 - 09:25

Let's Read - Văn hóa đọc hội nhập công nghệ 4.0 

Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ thông tin, số hóa trong phục vụ nhu cầu đọc sách của cộng đồng. Sáng kiến Thư viện số Let's Read là một trong những cách làm hay nhằm hiện thực hóa đề án này. Mới đây, Let's Read đã được giới thiệu tại TP Cần Thơ, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức từ sách cho người dân.

Cán bộ Thư viện TP Cần Thơ hướng dẫn học sinh sử dụng Thư viện số Let's Read.

Cán bộ Thư viện TP Cần Thơ hướng dẫn học sinh sử dụng Thư viện số Let's Read.

Không cần đi nhà sách hoặc đến thư viện, chỉ bằng máy tính hoặc điện thoại di động thông minh có kết nối internet, độc giả hoàn toàn có thể tiếp cận những trang sách hay khi truy cập vào trang web www.letsreadasia.org. Thử trải nghiệm khám phá kho sách thiếu nhi ngoại văn rất phong phú, nhóm học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, rất hào hứng. Em Ðoàn Hà Anh vui vẻ cho biết: "Em rất thích thư viện số này, vì có nhiều sách hay, dễ đọc và còn có thể chia sẻ với mọi người". Cùng suy nghĩ, em Lâm Tuyền nói: "Let's Read giúp em có thêm nhiều kiến thức mới và dễ dàng đọc được sách em cần. Thư viện số giúp em yêu sách hơn". Thật vậy, có rất nhiều truyện tranh, sách khoa học thường thức, phục vụ học tập... được giới thiệu sinh động, dễ theo dõi trên môi trường số hóa.

Thư viện số Let's Read nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Quỹ Châu Á về triển khai chương trình tài trợ sách tiếng Anh cho các thư viện tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2022. Trong đó, sáng kiến Thư viện số Let's Read được Quỹ Châu Á hướng đến phục vụ trẻ em nhằm tạo lập thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, gia tăng tri thức. Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, cho hay: Từ năm 2018 đến nay, dự án Thư viện số Let's Read đã được triển khai tại khoảng 20 nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, với nhiều hoạt động như sáng tạo sách, dịch sách, phát triển kỹ năng, tổ chức các hoạt động khuyến đọc. Hiện nay, vốn tài liệu của Thư viện số Let's Read đã có trên 2.000 đầu sách với khoảng 20 ngôn ngữ khác nhau.

Khoảng 3 năm qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á và NXB Kim Ðồng tổ chức 2 hội thảo dịch sách, góp vào vốn tài liệu chung hơn 20 đầu sách tiếng Việt và chuyển ngữ hàng trăm đầu sách ngoại văn sang tiếng Việt trên nền tảng Let's Read. "Tất cả những gì người đọc cần là điện thoại di động, hoặc máy tính bảng hay máy vi tính có kết nối internet, sách sẽ mở ra những chân trời tri thức. Cha mẹ, phụ huynh cũng có thể đồng hành cùng con khám phá Thư viện số Let's Read", lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam chia sẻ thêm.

Tại TP Cần Thơ, sự có mặt của Thư viện số Let's Read đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, bởi trước đó Thư viện TP Cần Thơ đã làm tốt công tác số hóa tài liệu, đẩy mạnh hoạt động thư viện số để tiếp cận bạn đọc. Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi tiếp nhận Thư viện số Let's Read, thư viện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến người dân thành phố, nhất là thiếu nhi. Việc khai thác tối đa tài nguyên sách số hóa ở Let's Read cũng được chú trọng.

Từ năm 2018, UBND TP Cần Thơ đã có kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng đến năm 2030, Cần Thơ tiếp tục phát triển vốn tài liệu trong hệ thống thư viện công cộng, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ðặc biệt, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử phục vụ nhu cầu truy cập thông tin miễn phí của nhân dân được nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cần Thơ xác định nâng cao hoạt động thư viện, xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, bao gồm xuất bản phẩm in và điện tử.

Rõ ràng thời đại công nghệ 4.0 ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh những tác động đến sách truyền thống đã được chỉ ra, thì việc tận dụng lợi thế của công nghệ để phát triển văn hóa đọc phù hợp với tình hình mới rất cần được tính đến. Thực tế từ Thư viện số Let's Read là một điển hình. Nói cách khác, phát triển nền tảng số hóa cho thư viện truyền thống được xem là vấn đề sống còn và cần được quan tâm.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết