22/07/2021 - 08:08

Lễ khai mạc Olympic sẽ không có khán giả 

Vào lúc 20 giờ tối 23-7-2021, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia mới của Nhật Bản ở Shinjuku, Tokyo. Sân có sức chứa 68.000 người, nhưng lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè năm nay sẽ không có khán giả, sau khi Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19. Lễ khai mạc dự kiến kéo dài 3 giờ 30 phút (dài hơn dự kiến ban đầu 30 phút) để các VÐV có thời gian giãn cách. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh toàn thế giới. Tại Việt Nam sẽ được phát trực tiếp trên kênh VTV6.

Hình ảnh tập luyện lễ khai mạc Olympic trên sân vận động Tokyo. Ảnh: Kyodo

Sau một năm trì hoãn, với sự nỗ lực kiên trì của chủ nhà Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới cũng sắp diễn ra. Lễ khai mạc Olympic thường được xem là “chương trình đặc biệt”, một cơ hội để nước chủ nhà chào đón thế giới và quảng bá văn hóa, khẳng định các thương hiệu quốc tế của họ. Nhưng lễ khai mạc năm nay có sự khác biệt. Vì COVID-19 tiếp tục hoành hành, Nhật Bản đã phải điều chỉnh cả thông điệp và cách thực hiện lễ khai mạc. Các nhà tổ chức cho biết vẫn giữ một số sự kiện chính theo truyền thống, trong đó có chương trình nghệ thuật, các đoàn VÐV diễu hành, rước đuốc Olympic và thả bồ câu biểu trưng cho hòa bình. Bí mật lớn nhất vẫn chưa được tiết lộ là VÐV hoặc những VÐV nào sẽ được thắp đuốc đài lửa Olympic. Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho biết Nhật hoàng Naruhito sẽ là người tuyên bố khai mạc Olympic, vốn được giới hạn trong khoảng 17 từ, theo hiến chương Olympic. Chi tiết của chương trình nghệ thuật vẫn được giữ kín cho đến phút chót, chỉ biết sẽ có hàng ngàn người biểu diễn, tạo hình, âm nhạc và vũ điệu đặc trưng của Nhật.

Chủ đề của lễ khai mạc là “Ðoàn kết bằng cảm xúc”, với ý nghĩa là đưa mọi người xích lại gần nhau về mặt tinh thần, khi phải thực hiện việc giãn cách để phòng ngừa dịch bệnh. Tuyên bố của Ủy ban Olympic Tokyo cho rằng: “Tại lễ khai mạc, chúng tôi khao khát khẳng định lại vai trò của thể thao và giá trị của Thế vận hội, để bày tỏ lòng biết ơn và sự khâm phục của chúng tôi trước những nỗ lực mà tất cả chúng ta đã làm trong hơn một năm qua và thắp lên niềm hy vọng cho tương lai”.

Không chỉ xáo trộn vì dịch COVID-19, sự thay đổi đạo diễn chương trình lễ khai mạc cũng khiến các nhà tổ chức “mất ngủ”. Sau khi thay thế ông Mansai Nomura chịu trách nhiệm về lễ khai mạc vào tháng 12-2020, ông Hiroshi Sasaki vừa từ chức sau chưa đầy 3 tháng đảm nhiệm cương vị. Nguyên nhân là vì ông có lời bình luận xúc phạm với nữ kịch sĩ - nhà thiết kế thời trang Naomi Watanabe. Giám đốc sáng tạo người Ý - Marco Balich là người được bổ nhiệm “tốc hành” đảm nhận vai trò sản xuất, điều hành lễ khai mạc, với sự liên kết cùng đối tác công ty quảng cáo Nhật - Dentsu. Ông Balich từng có kinh nghiệm đạo diễn các lễ khai mạc Olympic vào các năm 2006, 2014 và 2016.

Hơn 11.000 VÐV từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ dự kiến sẽ tham dự lễ khai mạc, dù không có khán giả trên khán đài. Cùng với khách mời, các nhà ngoại giao, quan chức, các nhà tài trợ Olympic và các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế làm nhiệm vụ tại Nhật, quan chức các đoàn tham dự, các nhà tổ chức cho biết khoảng 20.000 người sẽ được phép có mặt tại sự kiện. Ðoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic với 18 VÐV của 11 môn. Hai VÐV Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Quách Thị Lan (điền kinh) vinh dự được cử cầm cờ đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc.

Lễ khai mạc là một phần quan trọng kể từ kỳ Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức ở Athens (Hy Lạp) năm 1896. Sự kiện Olympic Tokyo dự kiến có khoảng 10 triệu người xem trên toàn thế giới.

THIÊN AN    

Chia sẻ bài viết