Quy định 205 của Bộ Chính trị được kỳ vọng như liều vắcxin đặc trị “căn bệnh ác tính” này, đồng thời góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tận tụy, thực sự là công bộc của nhân dân.
Ông Lê Phước Thanh (bìa trái ảnh) và con trai là Lê Phước Hoài Bảo (phải ảnh).
“Tư duy nhiệm kỳ” được nhắc khá nhiều trên các diễn đàn chính trị, kinh tế, xã hội và trong các nghị quyết, văn bản của Đảng thời gian gần đây.
Được xác định như một “căn bệnh ác tính” làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây bè phái, lợi ích nhóm, vị kỷ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, hệ lụy của “tư duy nhiệm kỳ” còn là tạo sức ì rất lớn, kìm hãm sự phát triển đất nước.
Trong bối cảnh đó, Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị được kỳ vọng như liều vắcxin đặc trị “căn bệnh ác tính” này, đồng thời góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tận tâm, tận tụy, thực sự là công bộc của nhân dân.
Kìm hãm sự phát triển
“Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là mặt trái mang tính tiêu cực trong tư duy của một người nào đó được bầu cử, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo trong một thời gian nhất định.
Lối suy nghĩ này thường mang tính ngắn hạn, thời vụ trong nhiệm kỳ cá nhân, nghĩa là chỉ lo cho cái trước mắt, vun vén lợi ích cá nhân, thấy lợi thì làm, thấy khó thì tránh, không có trách nhiệm, không hết lòng phụng sự đất nước, nhân dân.
Tư duy đó không khuyến khích người có tài phát huy năng lực, sở trường, kiềm hãm sự tích cực, năng động, sáng tạo của cấp dưới, thậm chí có thể còn gây ra những hệ lụy xấu cho tập thể, cộng đồng, đất nước.
Biểu hiện của lối tư duy này, nhất là vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, thường là hành vi “tăng tốc” thu vén lợi ích cá nhân; làm liều, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua quy trình, thủ tục thực hiện những “chuyến tàu vét” bổ nhiệm, đề bạt cán bộ trái quy định.
Có thể thấy rõ những vấn đề này qua dư luận ồn ào, nghi vấn quanh hàng loạt vụ bổ nhiệm trước ngày “hạ cánh” đã từng xảy ra tại không ít cơ quan từ Trung ương xuống địa phương, như tại Thanh tra Chính phủ; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hay việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh bổ nhiệm con trai 30 tuổi là Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này…
Tháng 8/2019, Kết luận về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ “căn bệnh ác tính” này.
Qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp ủy, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ," "cục bộ," "thân quen," "lợi ích nhóm," mất dân chủ, thiếu gương mẫu, "nể nang, dễ dãi," "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ...
Bên cạnh đó, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu," ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung.
Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền...
Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Đẩy lùi bệnh nan y
Tuy nhiên công bằng mà nói, không phải “tư duy nhiệm kỳ” nào cũng gây ra hệ lụy tiêu cực. Thực tiễn đã cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo đã dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân để cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp chung, góp phần làm chuyển biến nhiều mặt của địa phương, cơ quan công quyền, mang lại lợi ích cho số đông. Họ để lại một “dấu ấn nhiệm kỳ” tốt đẹp trong lòng dân.
Đặc biệt như ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người đã không ngại ngần phá rào cơ chế, chính sách lạc hậu để thực hiện Khoán 10, đưa nền sản xuất của đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Vì thế, việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 55-KL/TW về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Kết luận đã yêu cầu rõ: Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, chỉ định, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm...), quy trình, chế độ, chính sách theo đúng quy định hiện hành; kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, "cục bộ," "lợi ích nhóm;" thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, "dĩ hòa vi quý"...
Với việc ban hành Kết luận số 55-KL/TW, dư luận đánh giá Trung ương đã chẩn đoán và kê trúng đơn thuốc để đẩy lùi căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ.” Và tiếp sau đó, Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị được kỳ vọng như liều thuốc mạnh đặc trị tận gốc khối "ung nhọt" này khi nêu rõ biện pháp xử lý nghiêm 6 hành vi chạy chức, chạy quyền của cán bộ, công chức, cũng như việc tiếp tay, bao che cho chạy chức, chạy quyền.
Theo bộc bạch của Trung tá Nguyễn Văn Niêm (53 năm tuổi Đảng), trú tại phường Khương Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12: Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn.
Tuy nhiên, để Quy định được thực hiện có hiệu quả cao nhất trong thực tế, cần có thêm cơ chế kiểm tra, giám sát “đầu-cuối” cán bộ lãnh đạo. Phải xem họ khởi đầu nhiệm kỳ đăng ký thực hiện kế hoạch, mục tiêu gì, kết thúc nhiệm kỳ đã hoàn thành chưa, thực hiện đến đâu, qua đó kết luận về trách nhiệm của họ, rút ra bài học cho người kế nhiệm.
Khi triển khai thực hiện, Đảng và Nhà nước phải tin tưởng, dựa vào người dân trong vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và các hành vi liên quan. Chính quyền phải lắng nghe nhân dân, có biện pháp để người dân dám nói và bảo vệ nhân dân. Nếu làm được như thế, nhân dân hoàn toàn tin tưởng Đảng, Nhà nước sẽ loại bỏ hoàn toàn được căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong cán bộ hiện nay.
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)