06/09/2020 - 06:43

Lao động nhập cư giữa thời dịch 

Không có tiền lương trong khi không còn tiền mua vé máy bay về nước, nhiều lao động nhập cư đang trong tình trạng tuyệt vọng tại các trại lao động đông đúc ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Lao động nhập cư tại trại lao động mà Hassan đang ở. Ảnh: Guardian

Lao động nhập cư tại trại lao động mà Hassan đang ở. Ảnh: Guardian

Trong số đó có Hassan. Công nhân xây dựng người Pakistan 30 tuổi này sống và làm việc ở thành phố Dubai trong hơn một thập kỷ qua và khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh bị mất việc. Không có lương, Hassan không thể sống ở UAE trong khi không thể mua vé máy bay về nước. “Khổ thân chúng tôi quá. Chúng tôi hầu như không có thức ăn lại không được hỗ trợ. Do chúng tôi không có tiền nên chúng tôi buộc phải ở đây. Làm thế nào chúng tôi có thể mua được vé máy bay về nhà bây giờ?” - Hassan tự hỏi.

Lương của Hassan là 2.000 dirham (tương đương 540 USD)/tháng. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, anh phải phẫu thuật tim. Kể từ đó, chủ đã trừ dần 75% tiền lương của anh, bởi bảo hiểm y tế của Hassan không bao gồm toàn bộ chi phí phẫu thuật. Đáng lo ngại, sức khỏe Hassan hiện có nguy cơ bị suy kiệt. Chi phí y tế của Hassan ước tính là 950 dirham/tháng và anh không thể kham nổi cho việc chữa trị.

Hassan và 98 đồng nghiệp đã được đưa đến một trại lao động đầy bụi bặm ở ngoại ô thành phố Dubai. Bên trong tòa nhà 3 tầng hình chữ U với những bức tường bê tông màu vàng này là hàng chục ký túc xá tồi tàn, mỗi phòng đều được kê vài chiếc giường tầng. Khu bếp tập thể của tòa nhà từng rất náo nhiệt cách đây 6 năm nay nằm im lìm, bởi không có thực phẩm để nấu ăn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế kép gồm sự bùng phát của COVID-19 và giá dầu giảm đã khiến hàng trăm ngàn người mất việc làm ở UAE, nơi gần 90% lực lượng lao động là người nhập cư. Nhiều lao động nhập cư không có việc làm đã bị mắc kẹt ở vương quốc giàu dầu mỏ, vốn không có mạng lưới an sinh xã hội dành cho người nước ngoài. Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ UAE đã yêu cầu các công ty sử dụng lao động tay chân nhập cư tiếp tục cung cấp thức ăn và chỗ ở cho họ trong thời gian họ nán lại UAE, ngay cả khi họ không làm việc. Song, nhiều công ty đã không tuân thủ những gì chính phủ đặt ra, khiến nhiều lao động phụ thuộc vào nguồn thực phẩm viện trợ. “Khách đến thăm thường mang tặng một thứ gì đó nhưng khi không ai đến, chúng tôi phải chịu đói. Chúng tôi không có gì để ăn” - Hassan cho hay.

Hiện một số nhóm cộng đồng phát hàng trăm suất ăn cho người lao động nhập cư mỗi tuần. Claudia Pinto, thành viên của The House of Om - cộng đồng thiền và yoga ở Dubai, cho biết: “Chúng tôi cung cấp các bữa ăn đã nấu sẵn thay vì phát gạo và các nguyên liệu khác để đảm bảo họ ăn uống đúng cách và không cố bán đi các khoản viện trợ. Họ vẫn đang phải chịu rất nhiều áp lực gửi tiền về cho gia đình nhưng điều quan trọng là họ phải ăn một thứ gì đó”.

Theo tờ Guardian, phần lớn tiền lương hàng tháng của lao động phổ thông nhập cư thường được gửi về nước cho gia đình. Họ thường làm những công việc được trả lương cuối kỳ được quy định trong hợp đồng làm việc. Trong khi một số quốc gia tổ chức các chuyến bay hồi hương cho lao động bị mắc kẹt, những người được Guardian phỏng vấn đều nói rằng họ không thể về nước bởi chưa nhận được tiền lương, trong đó có Ansar Abbas, 39 tuổi, đến từ tỉnh Punjab (Pakistan). Abbas cho biết anh bị chủ nợ đến 10 tháng lương và hiện đang mất việc, nên anh không thể nào về nhà với vợ và 2 con bằng hai bàn tay trắng.

 

Một báo cáo được công bố mới đây ước tính, thế giới có khoảng 272 triệu người nhập cư vào năm 2019, 2/3 trong số này là lao động nhập cư. Theo báo cáo, COVID-19 đã khiến hàng chục triệu lao động nhập cư phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và thậm chí là bị trục xuất. Đơn cử như tại UAE, hãng hàng không lớn nhất Trung Đông Emirates tiết lộ có thể sẽ cắt giảm 30% trong số khoảng 100.000 nhân viên và hầu như những người mất việc đều là lao động nhập cư.

 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết