07/01/2018 - 16:06

Làng mai nổi tiếng nhất miền Tây 

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều địa phương trồng mai vàng đón Tết nổi tiếng, như: làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (Cần Thơ), Vĩnh Thành (Bến Tre), Cái Cui (Hậu Giang)… nhưng có lẽ quy mô lớn nhất là làng mai vàng Phước Định có tuổi đời trên 60 năm, nay thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Tiêu Hồng Minh bên mai làng Phước Định.

Làng mai vàng Phước Định được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận từ tháng 7- 2009, với tên gọi là “Làng nghề truyền thống hoa kiểng, cây giống, du lịch sinh thái”. Ông Tiêu Hồng Minh, Phó Ban Đại diện thường trực làng nghề cho biết, từ ngày làng mai vàng được công nhận, sản lượng mỗi năm đều tăng lên. Hiện làng mai có tới hàng trăm ngàn sản phẩm đủ loại, gồm 550 cây mai đại, giá từ 80 triệu đồng/cây trở lên; 15.500 cây mai nhì có giá từ 10- 20 triệu đồng/cây. Còn lại là loại ba và loại bốn. Tính đến năm 2017, tổng cộng có 158 hộ chuyên doanh mai vàng, thu nhập mỗi năm trên 7,5 tỉ, lãi 4 tỉ đồng. 

Điểm đặc biệt của làng mai vàng Phước Định là các nhà vườn trồng toàn mai y (mai nguyên thủy, không ghép), trong khi nhiều làng mai khác hầu hết là mai ghép. Ông Tiêu Hồng Minh, một nghệ nhân có trên 45 năm gắn bó với cây mai vàng, chia sẻ: “Ưu điểm của mai y là cây sống rất khỏe, phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh và khô nhánh như mai ghép. Vì là cây tự nhiên, không bị tác động bởi bàn tay của con người nên đa phần đều có hoa rực rỡ, bền và hương thơm dịu dàng”.

Hiện nay, nhiều nhà vườn ở làng mai Phước Định đã bắt đầu ứng dụng khoa học công nghệ trên cây mai vàng, sử dụng phân thuốc đúng liều lượng và dùng hệ thống phun tưới tự động nên cây mai phát triển rất mạnh và đỡ công chăm sóc. Mai vàng tuy dễ trồng nhưng làm thế nào cho mai ra hoa đúng Tết đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của cây, nhất là phải theo dõi sự biến đổi của thời tiết, trước khi lặt lá. Đặc biệt năm nay là năm nhuần, thời gian kéo dài thêm 1 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây. Do đó, nếu không chăm sóc kỹ,  mai có thể nở không đúng thời điểm trông đợi.

Theo kinh nghiệm của một số lão nông, hằng năm khi ngọn gió Đông (gió chướng) thổi về là thời điểm lặt lá mai tốt nhất. Riêng đối với cây mai có nụ kim (nụ nhọn), nên lặt trước vài ngày; những cây có nụ to- tròn, lặt sau. Cũng theo kinh nghiệm của các nghệ nhân mai vàng Phước Định, trước và sau khi lặt lá mai nên ngưng tưới nước một vài ngày để giúp cho cây tăng trưởng bình thường, không bung nụ sớm. Tại làng mai Phước Định, các nghệ nhân thường xuyên gặp gỡ, giao lưu học hỏi về kỹ thuật chăm sóc nên hầu như năm nào mai vàng Phước Định cũng nở đúng Tết, thu về lợi nhuận đáng kể.

Bà Lê Thị Kim Vân, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Định cho biết, đa số bà con ở làng mai đều ăn nên làm ra. Nhiều gia đình nhờ trồng mai mà cuộc sống trở nên khá giả, con cái học hành thành tài. Người trồng nhiều, hai ba trăm cây mỗi năm, có thể thu nhập vài trăm triệu, ít nhất cũng vài chục triệu. Trong số đó có không ít hộ vươn lên, trở thành tỉ phú. Người trồng mai đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất ở làng mai Phước Định có thể kể đến là ông Hồ Văn Sửng, một nghệ nhân lão thành trên 70 tuổi hiện sở hữu gần 30 cây mai đại, giá trị nghệ thuật rất cao, mỗi cây có giá từ 200- 300 triệu đồng. 

Xuất phát từ  hiệu quả kinh tế của làng mai, năm 2016 UBND xã Bình Hòa Phước- xã Nông thôn mới, đã đầu tư trên 1 tỉ đồng nâng cấp con đường vào làng mai để đón khách du lịch.

Theo dự đoán của ông Tiêu Hồng Minh, năm nay tuy các nhà vườn sản xuất hoa và cây kiểng có phần lo ngại về sự tác động của biến đổi khí hậu, nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật, đưa khoa học công nghệ vào cây trồng nên họ tự tin, nếu gặp tình huống bất thường, vẫn có thể xử lý cho mai ra hoa đúng tết. Các thương lái cũng đang theo dõi thời tiết từng ngày để chuẩn bị đặt hàng. Hầu hết nhà vườn đều phấn khởi, kỳ vọng vào một mùa mai thắng lợi- mai  Mậu Tuất. 

TẤN THÀNH

Chia sẻ bài viết