Chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, bắt đầu vào hôm qua 13-1, của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hứa hẹn mở ra trang mới trong bang giao giữa hai nước láng giềng đông dân nhất thế giới. Phát biểu trước chuyến đi, ông Singh lạc quan nói rằng quan hệ Ấn-Trung sắp bước vào một giai đoạn “năng động và sinh động”. Trong chuyến công du Bắc Kinh lần đầu tiên này, Thủ tướng Singh có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc...
 |
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (đội khăn) xuống Sân bay quốc tế Bắc Kinh.
Ảnh: Reuters |
Thông điệp quan trọng nhất mà Thủ tướng Singh mang đến Bắc Kinh là Ấn Độ không có ý định cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông khẳng định Ấn Độ không tham gia cái gọi là “nỗ lực kiềm chế Trung Quốc” (tên gọi khác là “Đối thoại chiến lược tay ba” gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia). Ông tuyên bố Trung Quốc là tâm điểm trong chính sách “hướng Đông”của New Delhi, với biểu hiện cụ thể là “Thỏa thuận đối tác chiến lược và hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng” mà hai bên ký kết nhân chuyến thăm Ấn Độ hồi năm 2005 của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Theo ông, sự phát triển của cả Trung Quốc và Ấn Độ góp phần tích cực vào hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như trên toàn thế giới. Thủ tướng Ấn Độ nói: “Trung Quốc là người láng giềng lớn nhất của chúng tôi. Hợp tác với Trung Quốc là một ưu tiên”. Trong chuyến thăm Malaysia mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Anthony cũng khẳng định việc nước này tăng cường quan hệ với ASEAN không nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực, đồng thời trấn an Bắc Kinh rằng Ấn Độ sẽ không liên minh quân sự với bất cứ ai. Cuối năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, hai bên đã tiến hành cuộc tập trận chung (tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Dĩ nhiên quan hệ giữa hai cường quốc đang lên này không phải không còn trục trặc. Đó là những tranh chấp triền miên trên khu vực biên giới chung dài hơn 4.000 km, là việc Trung Quốc không ủng hộ nỗ lực trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Ấn Độ và thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Bắc Kinh và New Delhi để có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn ở châu Á... Tuy nhiên, cả hai đều muốn tạo ra một môi trường ổn định để phát triển kinh tế nên những khác biệt đó tạm thời được gác sang một bên. Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng trở thành bạn hàng quan trọng hơn của nhau với kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt 37 tỉ USD, xấp xỉ mục tiêu 40 tỉ USD mà hai bên đề ra cho năm 2010.
Có câu “một rừng không thể hai cọp”, nhưng xem ra hai nước láng giềng gần Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức được rằng thế giới toàn cầu hóa ngày nay vẫn đủ chỗ cho họ cùng tồn tại, phát triển và theo đuổi những tham vọng của mình.
LÊ DÂN (Theo Bloomberg, Hindu, PTI)