12/02/2017 - 18:23

Làm theo gương sáng Bác Hồ

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đến tham quan mô hình Tổ hợp tác (THT) Trồng cam sành tại phường Phú Thứ (quận Cái Răng) và mô hình trồng xoài của gia đình ông Phan Văn Diệu ở xã Giai Xuân (huyện Phong Điền). Đây là 2 trong nhiều mô hình tiêu biểu, thiết thực về học tập và làm theo gương Bác tại các địa phương trong những năm qua.

Bền chí thoát nghèo

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Tư, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Phú Thứ thuộc diện hộ nghèo. Được sự vận động và hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh phường, ông tham gia THT trồng cam sành. Với 1,5 công đất vườn, ông cải tạo trồng 1.500 cây cam sành. Mỗi năm vườn của ông cho thu hoạch 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 70 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định. Không chỉ trồng cam sành, gia đình ông Tư còn trồng thêm 200 cây mãng cầu xiêm, 200 cây bưởi da xanh, 150 cây táo hồng… đang cho thu hoạch. Ông Tư phấn khởi nói: "Tham gia THT, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình hiệu quả, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nên hiệu quả sản xuất ngày càng cao. Tôi hy vọng, sắp tới THT sẽ tích cực liên hệ, liên kết các ngành tìm thị thường đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập".

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đến tham quan mô hình trồng cam sành của gia đình ông Trần Văn Tư ở khu vực Phú Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Ông Võ Văn Út, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Thứ cho biết: "Lúc mới thành lập, THT chỉ có 6 thành viên ở khu vực Phú Hưng với 1,8ha trồng cam sành. Thấy các thành viên THT sản xuất đạt hiệu quả cao, nhiều người xin gia nhập. Đến nay, THT có 31 thành viên ở cả 3 khu vực Phú Hưng, Phú Xuân, Phú Khánh với tổng diện tích khoảng 31ha". Theo ông Võ Văn Khả, Trưởng Ban Tuyên giáo phường Phú Thứ, tại địa phương còn nhiều mô hình làm theo gương Bác rất thiết thực, đã và đang được nhân rộng như: mô hình trồng mít, trồng hoa màu trên đất lúa; mô hình mượn đất dự án trồng màu…

Học Bác tinh thần cần kiệm, liêm chính

Ông Phan Văn Diệu nguyên là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giai Xuân. Năm 2013, ông về hưu và tham gia công tác ở địa phương với vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tân Bình. Ông Diệu bộc bạch: "Tôi tham gia cách mạng từ năm 1970. Dù ở bất cứ vai trò, nhiệm vụ công tác nào, tôi cũng luôn tâm đắc lời dạy cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của Bác".

Mô hình trồng xoài của gia đình ông Phan Văn Diệu, ở ấp Tân Bình, xã Giai Xuân cho hơn 3 tấn trái.

Trải qua hơn 40 năm công tác, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trở về cuộc sống đời thường, ông Diệu bắt đầu "khởi nghiệp" với 100 gốc xoài. Ông Diệu chia sẻ: "Lúc đầu, mấy anh em trong Chi bộ bàn nhau mỗi tháng mỗi người đóng góp 100 ngàn đồng, sau đó, cho một người nhận để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Lần đầu tiên được nhận số tiền tương trợ, tôi bàn với vợ mua ngay cái bình xịt thuốc phục vụ sản xuất". Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ những người đi trước, sau 3 năm cật lực chăm bón, trong vụ đầu tiên, vườn xoài của ông Diệu thu hoạch trên 3 tấn trái, bán được 75 triệu đồng. Sau nhiều năm dành dụm, gia đình ông Diệu vừa xây được căn nhà tường khang trang; các con ông cũng có công ăn việc làm ổn định. Ông Diệu bộc bạch: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác không phải là những lý thuyết trừu tượng, sâu xa, mà nó được áp dụng ngay trong thực tế, từ chính công việc hằng ngày của mình…".

Bài, ảnh: Quỳnh Lam

Chia sẻ bài viết