Bài, ảnh: ANH DŨNG
Suốt 4 năm qua, bà Phan Thị Chính, 64 tuổi, ở ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã trích lương hưu, vận động hỗ trợ người nghèo xây cất 68 căn nhà tình thương, giúp người nghèo chữa bệnh và hỗ trợ người nghèo khó khi qua đời. Bà là đóa hoa tươi thắm trong trong hàng ngàn cá nhân tiêu biểu ở TP Cần Thơ đã và đang tự giác làm nhiều việc tốt, có ích theo tấm gương sáng ngời của Bác Hồ.
Phát huy kết quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 05). Tại TP Cần Thơ, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chỉ thị 05 với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Số lượng tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác xuất hiện ngày càng nhiều, lan tỏa sâu rộng hơn. Những kinh nghiệm quý, cách làm hay được rút ra trong thực tiễn là nền tảng để thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 trong thời gian tới.
Chung tay xây đời no ấm
Trả lời các nhà báo nước ngoài trong cuộc phỏng vấn vào đầu năm 1946, Bác Hồ nói một cách giản dị: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Những điều ham muốn tột bậc và những lời di huấn trong Di chúc của Bác được nhiều cán bộ (CB), đảng viên (ĐV), nhân dân ghi nhớ, tiếp tục thực hiện. Tại TP Cần Thơ, nhiều mô hình làm theo Bác hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Người gặp khó khăn do dịch COVID-19 được nhận gạo tại ATM gạo phường An Thới, quận Bình Thủy. Ảnh: ANH DŨNG
Trong hàng trăm tập thể được các cấp ủy đảng TP Cần Thơ tuyên dương, khen thưởng, cấp ủy và Ban Nhân dân ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai là một điển hình. Đồng chí Hồ Văn Nam, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trường Khương, cho biết: “Chúng tôi chọn những việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Chẳng hạn, liên hệ ký kết với Công ty TNHH chế biến lương thực Trường Thắng bao tiêu 300ha lúa với mức giá cao hơn thị trường. Khi người dân thu hoạch, Công ty đưa ghe đến tận ấp để thu mua lúa, sau đó chúng tôi liên hệ với công ty để nhận tiền cho người dân…”.
Trong 4 năm qua, CB, ĐV và công chức (CC) phường Thới An, quận Ô Môn thực hiện nhiều giải pháp giúp nhân dân phát triển kinh tế, như: hỗ trợ nhân dân vay hàng trăm tỉ đồng từ các ngân hàng; đề nghị trợ giá giống cây trồng; tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp nhân dân cải tạo vườn, ruộng kém hiệu quả để trồng cây ăn trái… Theo đồng chí Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy phường, 4 năm qua, phường vận động nhân dân phát triển thêm 450ha vườn cây ăn trái, xây dựng mô hình chuyên canh rau an toàn gần 10ha. Nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng từ kinh tế vườn và trồng rau an toàn; tỷ lệ hộ nghèo của phường cuối năm 2019 chỉ còn 1,6%. Kể về quá trình thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của địa phương, bà Nguyễn Thúy Vân, ở khu vực Thới Thuận, khoe: “Gia đình tôi cải tạo vườn tạp trồng 3 công nhãn ido. Năm 2019, vườn nhãn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng...”.
Bên cạnh những tập thể tiêu biểu, ở TP Cần Thơ xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác. Anh Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Hiếu Bình, xã Thạnh An đã vận động thành lập Hợp tác xã Hiếu Bình (năm 2016) với 20 xã viên; vận động xã viên và nhân dân sản xuất 300ha lúa giống, 500ha lúa chất lượng xuất khẩu và đóng góp mua máy bơm nước để phục vụ tưới tiêu cho 1.200ha lúa. Anh Khải chủ động hợp đồng với chủ máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa và liên hệ với các doanh nghiệp bao tiêu hết 800ha lúa của xã viên và người dân trong ấp. Trong 4 năm qua, dịch vụ bơm nước tưới tiêu của hợp tác xã mang lại lợi nhuận cho mỗi xã viên từ 10-15 triệu đồng/năm.
Lo cái lo của dân
Trong không khí rộn ràng chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt tổ chức hỗ trợ nhiều gia đình gặp khó khăn xây nhà Đại đoàn kết. Anh Nguyễn Văn Bé Hai, hộ nghèo ở khu vực Tân Mỹ 2, xúc động nói: “Vợ chồng không có ruộng vườn, làm mướn kiếm sống. Nay được địa phương hỗ trợ 65 triệu đồng xây nhà Đại đoàn kết, gia đình mừng vô kể...”. Theo đồng chí Chung Khánh Nghị, Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, 4 năm qua, CB, ĐV và CC phường đã huy động gần 4 tỉ đồng hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo xây dựng 142 Nhà tình nghĩa và nhà Đại đoàn kết, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của phường xuống còn 0,45%.
Ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, CB, ĐV và CC cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo, như: hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, giúp người dân xây dựng hàng trăm mô hình nuôi bò, nuôi dê, nuôi heo; tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu hơn 100 lao động đi làm công nhân tại các nhà máy và khu công nghiệp Trà Nóc; vận động, huy động hơn 4 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo xây hơn 100 nhà Đại đoàn kết. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Liễu, Bí thư Đảng ủy xã, khẳng định: “Nhờ thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,92%, giảm 19% so với năm 2016”.

Anh Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (thứ 2 bên trái sang) và các xã viên thăm ruộng.
Với bà Phan Thị Chính, ở ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, những việc làm của bà chỉ là chút đóng góp nhỏ bé để thực hiện di huấn của Bác Hồ, bởi mỗi người làm việc tốt, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Trong 4 năm qua, bà Chính tích cực vận động mạnh thường quân, học trò cũ đóng góp để hỗ trợ nhiều người nghèo tại địa phương chữa bệnh và giúp lo hậu sự cho người nghèo khi qua đời. Mỗi người nghèo trong ấp khi đi điều trị bệnh, qua đời bà cùng các con bà đóng góp ủng hộ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đến nay, bà Chính đã trích lương hưu và vận động các tổ từ thiện, doanh nghiệp, các mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ xây nhà tình thương cho 68 hộ nghèo trong huyện. Chị Nguyễn Thị Huệ, người dân ấp Vĩnh Lân, xúc động kể: “Cả 3 người con của tôi đều bị bệnh tâm thần nên cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Năm rồi, nhờ bà Chính giúp đỡ, gia đình tôi có căn nhà tươm tất…”.
Còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu, với những hành động đẹp, nhân văn, góp phần đưa phong trào thi đua làm theo gương Bác lan tỏa sâu rộng. Điển hình như: ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thới, huyện Phong Điền, đã vận động mạnh thường quân đóng góp hơn 200 triệu đồng xây dựng 5 căn nhà tình đồng đội tặng hội viên nghèo; ông Nguyễn Trung Khiết, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch Tân Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt mỗi năm đóng góp 180 triệu đồng Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Vì người nghèo; hỗ trợ 36.000 viên gạch cho hộ nghèo xây nhà; đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường; bà Ngô Thị Mỹ Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Lê Bình, quận Cái Răng vận động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống cho các cụ già cô đơn, trẻ mồ côi, những hoàn cảnh bất hạnh mỗi năm trị giá 400-500 triệu đồng; xây dựng 9 điểm cấp phát cơm từ thiện cho người nghèo…
Hành động kịp thời, thiết thực…
Đầu năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều tập thể, cá nhân ở TP Cần Thơ đã vận dụng tư tưởng thương dân của Bác Hồ vào việc hỗ trợ người gặp khó khăn. Đồng chí Trần Quốc Vũ, Bí thư Quận ủy Bình Thủy, cho biết: CB, ĐV, CC, viên chức quận không chỉ đóng góp 150 triệu đồng, mà còn vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp 3.459 phần quà, 110 thùng mì và 400 trứng gà, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng để hỗ trợ người gặp khó khăn. Bên cạnh đó, CB, ĐV, CC, viên chức quận đã vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp 31,5 tấn gạo lập 2 điểm “ATM gạo” tại phường Trà Nóc và phường An Thới để các gia đình gặp khó khăn đến nhận.
Tại quận Ô Môn, CB, ĐV, CC, viên chức đã vận động được 5 tấn gạo mở “ATM gạo” và vận động các nhu yếu phẩm, khẩu trang, tiền, với tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng, cấp phát cho những người gặp khó khăn. Tại huyện Thới Lai, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động, cấp phát gạo, quà, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và tiền, tổng trị giá hơn 956 triệu đồng cho các trường hợp khó khăn.
Nhiều tập thể, cá nhân khác cũng đã nhiệt tình đóng góp tương trợ trong dịch COVID-19. Đó là tập thể Nhà máy sữa Vinamilk Cần Thơ (Khu Công nghiệp Trà Nóc) ủng hộ 2 tấn gạo; tập thể Nhà máy bột mì Đại Phong (Khu Công nghiệp Trà Nóc) ủng hộ 2 tấn gạo; tập thể Nhà máy chế biến gạo Ngọc Lợi (xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai) ủng hộ 2 tấn gạo và 200 phần quà; tập thể Công ty cổ phần thủy sản Trường Phát (Khu Công nghiệp Trà Nóc) ủng hộ 800kg chả cá; tập thể Công ty xăng dầu Tây Nam Bộ hỗ trợ 69 triệu đồng; Thiếu tướng Vũ Cao Quân, cựu chiến binh phường An Thới, quận Bình Thủy ủng hộ 1 tấn gạo… Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể và CB, ĐV thành phố, đến nay hơn 65.000 người dân thành phố gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã và đang được hỗ trợ kịp thời.
Ngàn đóa hoa, ngàn việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang lan tỏa, góp phần giúp thành phố thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp nhiều người nghèo khó vươn lên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…
Bài 2: Lan tỏa sâu rộng