03/12/2010 - 08:36

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố

Làm rõ nhiều vấn đề bức xúc cử tri đặt ra

Hôm qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc. Theo nhận xét của nhiều đại biểu và cử tri, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có đổi mới, đa số các đại biểu được mời trả lời chất vấn đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cử tri đặt ra. Việc Chủ tọa kỳ họp mời thêm thủ trưởng các sở, ngành trả lời, làm rõ các vấn đề có liên quan tới nội dung đang chất vấn làm cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thêm sinh động, giải quyết đến nơi, đến chốn vấn đề được nêu ra...

ĐẦU TƯ CHO THỦY LỢI, NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN CÒN THẤP DO THIẾU VỐN

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Trước câu hỏi về việc hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu bơm tưới, vận chuyển hàng hóa của bà con nông dân, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: Phát triển hệ thống thủy lợi là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Chỉ riêng giai đoạn 2004-2010, thành phố đã đầu tư gần 275 tỉ đồng để nạo vét nhiều tuyến kênh mương, tạo nguồn tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa, làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hệ thống kênh tạo nguồn, trục tiêu thoát (kênh cấp I) có tổng chiều dài khoảng 779 km, hệ thống kênh phân phối tưới, tiêu (cấp II) khoảng 2.000 km, hệ thống kênh nội đồng (cấp III) khoảng 10.000 km. Để hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thời gian tới, ngành nông nghiệp có kế hoạch thực hiện nhiều dự án thủy lợi với kinh phí đầu tư lên 1.497 tỉ đồng. Theo ông Quỳnh, ngành nông nghiệp nhận thức rõ vai trò của công tác thủy lợi trong sản xuất và đời sống của nông dân, nhưng do nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí đầu tư có hạn nên phải thực hiện từng bước, theo thứ tự ưu tiên công trình bức xúc.

Về việc nhiều cử tri ở khu vực nông thôn phản ánh tình trạng thiếu nước sạch sử dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong những năm gần đây, các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng nhiều, do đó, nhiều nơi môi trường nước bị ô nhiễm; nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cũng ngày càng nhiều hơn, nhưng do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, nên việc đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Sở NN&PTNT sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, nâng dần tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có nước sạch sử dụng.

Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP Cần Thơ và bà con cử tri tại kỳ họp lần thứ 20, HĐND thành phố khóa VII (nhiệm kỳ 2004-2011). Ảnh: XUÂN ĐÀO 

Về vấn đề đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp ở dọc hai bên Quốc lộ 91B và một số tuyến lộ khác bị san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp và hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, còn quy hoạch xây dựng thành phố do ngành Xây dựng quản lý. Để làm rõ hơn vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp đã yêu cầu lãnh đạo các Sở có liên quan giải trình thêm. Theo ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, giải trình: Một phần diện tích đất dọc theo hai bên đường của một số tuyến đường như: 91B, Võ Văn Kiệt,... đã được quy hoạch xây dựng đô thị. Do đó, đất xung quanh đây cũng sẽ được chuyển đổi thành đất đô thị, nhưng việc xây dựng phải phù hợp với quy hoạch của thành phố. Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, cho biết thêm: Diện tích đất nông nghiệp ở các tuyến đường này, nếu xét thấy phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng.

GIẢI PHÁP NÀO CHO TÌNH TRẠNG NGẬP NGHẸT, NHÀ “SIÊU MỎNG”?

Về tình trạng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: Một trong những nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa những năm gần đây diễn ra nhanh chóng nhưng hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường ở một số khu vực được đầu tư nhiều năm đã xuống cấp. Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong một thời gian dài đã dẫn đến tình trạng xâm phạm hệ thống kênh rạch, thu hẹp dòng chảy thoát nước... Để khắc phục tình trạng trên, ông Mai Như Toàn cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, nhất là các dự án xử lý nước thải, nâng cấp đô thị TP Cần Thơ..., gắn với thực hiện đề án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, quan tâm bố trí nơi ở cho các hộ dân ở ven kênh rạch, nhằm trả lại sự thông thoáng cho các kênh rạch, giải quyết tốt việc tiêu thoát nước mặt, tình trạng ô nhiễm môi trường...

Được chủ tọa yêu cầu làm rõ thêm vấn đề ngập nghẹt trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị (DANCĐT) TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý DANCĐT đang thí điểm xây dựng hệ thống thoát nước tại một số hẻm ở khu vực trung tâm thành phố. Nhiều công trình đã hoàn tất phần quan trọng nhất, đấu nối với hệ thống thoát nước khu dân cư nên sẽ sớm được hoàn thành việc xây dựng trong thời gian tới...

Để hạn chế tình trạng xây dựng nhà không phép, sai phép, ông Mai Như Toàn đưa ra giải pháp: Xây dựng quy định về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ để các tổ chức và công dân có cơ sở thực hiện đảm bảo tính thống nhất và nhanh chóng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố... Để giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng đang diễn ra ngày càng nhiều, ông Mai Như Toàn cho rằng cần khuyến khích các hộ dân tự thương lượng để hợp khối công trình, nhằm đáp ứng yêu cầu về diện tích đủ chuẩn xây dựng. Nếu các hộ dân không thương lượng được, nhà nước phải đứng ra thu hồi. Đối với các dự án đang triển khai, phải tiến hành khảo sát và thống kê số lượng diện tích đất còn lại sau khi thực hiện không đủ chuẩn xây dựng. Trên cơ sở đó, thiết lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị 2 bên tuyến đường, trong đó thu hồi toàn bộ diện tích đất không đủ chuẩn xây dựng. Đối với các dự án đầu tư chuẩn bị triển khai, chủ đầu tư dự án khi khảo sát hiện trường và thiết lập phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, bắt buộc phải thống kê được phần diện tích không đủ chuẩn xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thu hồi...

LĨNH VỰC GIÁO DỤC: CÒN NHIỀU BỨC XÚC

Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, cho biết: 5 năm qua, thành phố đã đầu tư gần 1.000 tỉ đồng sửa chữa, xây mới trường học, nhưng vẫn còn 13 xã, phường chưa có trường mầm non, 1 phường chưa có trường tiểu học và 25 xã, phường chưa có trường cấp 2. Về tình trạng dạy thêm, học thêm gây bức xúc cho phụ huynh học sinh, theo ông Trần Trọng Khiếm, qua kiểm tra của Sở cho thấy, vẫn còn tình trạng dạy thêm không đăng ký, bàn ghế học sinh không đúng quy cách, phòng học chật chội, dạy trước bài học ở lớp... Ông Trần Trọng Khiếm cũng thừa nhận: Một số trường thực hiện cùng lúc một số khoản thu vào đầu năm học, gồm các khoản thu học phí, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn bắt buộc, khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh, khoản thu mua sắm đồng phục học sinh... Để thực hiện các khoản thu này, nhiều trường học đã tổ chức thu thay cho các công ty bảo hiểm và Ban đại diện cha mẹ học sinh với hình thức thu gộp một lần cùng với khoản thu học phí, không tách bạch riêng từng khoản thu nên đã gây thắc mắc đối với không ít cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT đã nhiều lần uốn nắn, chấn chỉnh tình trạng này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Văn Nam về tình trạng nhiều học sinh bỏ học, ông Trần Trọng Khiếm thông tin: Chỉ tính riêng bậc THCS và THPT, mỗi năm thành phố có 4.500 học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do kinh tế gia đình khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần sự chung tay góp sức của các cấp, các sở, ngành, đoàn thể trong thành phố. Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được chủ tọa kỳ họp mời để giải trình thêm vấn đề học sinh bỏ học. Theo bà Nguyễn Ngọc Sương có nhiều học sinh bỏ học không phải do hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo đi học như: Miễn giảm học phí đối với học sinh nghèo, hỗ trợ học phí đối với học sinh cận nghèo... Ngành chức năng cần khảo sát, tìm ra nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Cẩm Hồng bày tỏ lo ngại, khi đặt vấn đề tình trạng bạo lực học đường và xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận học sinh diễn ra ngày càng tăng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: tình trạng học sinh hình thành băng nhóm, đánh nhau có hung khí xảy ra ở nhiều nơi. Mặc dù, ở TP Cần Thơ chưa xảy ra tình trạng này, nhưng để ngăn ngừa, Sở chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, thành lập các tổ an ninh trật tự trong trường học để kịp thời ngăn chặn. Ông Trần Trọng Khiếm cũng đề nghị phụ huynh học sinh cần quan tâm giáo dục con em, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý đối với dịch vụ game online, hạn chế học sinh bỏ học. Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lê Huy Linh về việc 2 trường mẫu giáo Hoa Cúc và Anh Đào ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều chỉ thu nhận con của cán bộ, công chức, ông Trần Trọng Khiếm giải thích: Do nhu cầu gởi trẻ rất lớn, trong lúc cơ sở vật chất các trường chưa đáp ứng nên các trường thực hiện chính sách ưu tiên. Sắp tới, Sở sẽ làm việc với UBND quận Ninh Kiều và các sở, ngành liên quan để ưu tiên bố trí vốn xây dựng hệ thống trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn này.

NGĂN CHẶN SỰ SUY THOÁI VỀ Y ĐỨC

Trả lời cử tri và các đại biểu HĐND thành phố về các vấn đề khá bức xúc, như: chất lượng khám điều trị bệnh, vấn đề suy thoái y đức của người thầy thuốc, tình trạng quá tải trong các bệnh viện và nhiều bất cập trong việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), bà Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian qua, do tác động tiêu cực của xã hội, nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải gây áp lực cho thầy thuốc, bên cạnh đó, một số thầy thuốc không giữ được y đức của mình. Từ thực trạng trên, thời gian qua, ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sự suy thoái y đức, nhưng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát từng lúc chưa chặt chẽ, nên vẫn còn một số ít cán bộ y tế có tinh thần thái độ phục vụ người bệnh chưa tốt. Để tiếp tục khắc phục tình trạng này, hiện nay, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc chuyên môn; phát động phong trào thi đua rèn luyện y đức, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong đội ngũ thầy thuốc. Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức y tế.

Trả lời việc khám và điều trị bệnh ở các cơ sở y tế công lập, bà Bùi Thị Lệ Phi thừa nhận: Chất lượng khám và điều trị bệnh của các cơ sở y tế công lập chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất nhiều bệnh viện đã xuống cấp, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, chất lượng cán bộ y tế ở tuyến huyện, xã chưa ngang tầm,... Để khắc phục tình trạng này, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố đầu tư xây dựng mới một số bệnh viện, nhiều trạm y tế, mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện máy móc để phục vụ chẩn đoán và điều trị; đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế, nhất là đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ y bác sĩ ở các Bệnh viện thành phố, trạm y tế tuyến cơ sở. Đối với việc phân tuyến khám chữa bệnh ban đầu BHYT chưa hợp lý, bà Bùi Thị Lệ Phi cho biết: Bảo hiểm Xã hội thành phố đã hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội quận, huyện phân bổ thẻ BHYT hợp lý cho các trạm y tế các xã, phường, không để xảy ra tình trạng quá tải hay không có thẻ BHYT tại cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Trả lời chất vấn của chủ tọa kỳ họp về vấn đề hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua BHYT, bà Bùi Thị Lệ Phi cho biết đến nay thành phố đã hỗ trợ và phát hành được 47.000 thẻ nên đã giảm được một phần khó khăn cho người nghèo khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh.

Nhóm PV KT-CT

Chia sẻ bài viết