19/09/2015 - 16:26

Biên kịch, đạo diễn Lê Văn Duy:

Làm phim, hãy hướng đến giới trẻ

Đầu tháng 9 này, theo đề nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam, biên kịch, đạo diễn Lê Văn Duy (nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) đã về Cần Thơ tìm hiểu thông tin cho kịch bản phim truyền hình đề tài cách mạng, bối cảnh tại Cần Thơ. Đạo diễn Lê Văn Duy đã dành cho báo Cần Thơ cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này cũng như những tâm tình của ông sau gần 50 năm theo nghiệp điện ảnh:

Sau gần nửa tháng đi nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ thu thập thông tin, tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tôi đã định hình đường dây, cấu trúc và cảm xúc cho kịch bản phim. Công việc còn lại là ngồi viết lại những câu chuyện lịch sử và cảm xúc ấy. Đó là câu chuyện xung quanh sự kiện Mậu Thân 1968 trên tuyến lửa Vòng Cung, mà điểm nhấn là Căn cứ Vườn Mận.

Tìm hiểu về lộ Vòng Cung, tôi luôn có cảm xúc mãnh liệt về vùng ven đô mưa bom bão đạn, mà ở đó lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tính anh hùng và sự hèn yếu biểu hiện từng ngày, từng giờ. Thuận lợi của tôi là có mặt xuyên suốt trong sự kiện Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn và hiểu nhiều về vùng đất Củ Chi (đạo diễn Lê Văn Duy là tác giả kịch bản phim "Tình đất Củ Chi" - PV)- nơi có nhiều nét tương đồng với lộ Vòng Cung Cần Thơ. Tôi tin, kịch bản phim của mình sẽ thành công.

 Xin ông chia sẻ một vài nhận xét đối với phim về miền Tây Nam bộ hiện nay?

- Lâu nay có rất nhiều phim có chất liệu và bối cảnh ĐBSCL. Bản thân tôi, hơn 20 năm trước đã đạo diễn nhiều phim, tiêu biểu như "Thời thơ ấu" (kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng), "Nàng Hương" (kịch bản Võ Phi Hùng - Lê Văn Duy), "Người không nhận chức" (kịch bản Hoàng Giang)…

 Đạo diễn Lê Văn Duy (thứ ba, từ phải sang) và gia đình trong đêm giao lưu “72 mùa xuân - Một đời Phim và Văn”
nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 72 của ông, tháng 9-2014. Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo quan sát của tôi, dường như các nhà biên kịch, đạo diễn phim hiện nay chưa đủ vốn sống về văn hóa, lịch sử, kinh tế, con người vùng đất này. Từ cốt truyện đến nhân vật, tình huống, cách nghĩ, cách dàn dựng… đều không giống thật. Đành rằng phim ảnh thì phải có hư cấu nhưng sự hư cấu đó phải cho khán giả có cảm giác giống thật, xúc động giống như người trong cuộc. Người làm phim cũng chưa tạo được cho mình xúc cảm như người trong cuộc, có thể họ còn quá trẻ hoặc có thể họ từ nơi khác đến. Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhận ra điều đó, nghe dư luận phản ánh nhiều những bộ phim tốn rất nhiều công sức về vùng đất này nhưng chưa thành công nên họ đã đề nghị tôi về Cần Thơ thực hiện kịch bản phim lần này.

 Gần nửa thế kỷ theo nghiệp điện ảnh và được mệnh danh "người làm phim tài liệu nhiều nhất Sài Gòn", theo ông, phim tài liệu cần điều gì để thu hút khán giả?

- Theo tôi, làm phim tài liệu, dù cho có làm về đề tài chiến tranh, cũng không nên hướng đến những người đã qua chiến tranh như thế hệ chúng tôi mà nên "nhắm" vào giới trẻ. Phải làm sao để khi giới trẻ xem phim sẽ cảm thông cho những điều mà thế hệ chúng tôi đã viết, đã thấy; để hình dung những điều họ chưa thấy và tôn trọng sự thật, hình thành lý tưởng sống. Chúng ta cứ mải mê đưa ra những câu chuyện, những bằng chứng cũ trên bối cảnh mới thì làm sao tạo xúc cảm và tạo lòng tin cho người xem. Nhiều bộ phim lạm dụng phỏng vấn, nhân vật hô khẩu hiệu… khiến người trẻ không tin, phản tác dụng.

Đạo diễn Lê Văn Duy sinh năm 1942, tại Long An, thuở nhỏ sống ở quê ngoại An Giang; sau đó, học tập và sinh sống tại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Ông là đạo diễn, biên kịch của nhiều phim truyện Việt Nam nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ thập niên 1980-1990 như: “Nàng Hương”, “Tình đất Củ Chi”, “Phượng”, “Ngoại Ô”, “Bông lục bình”, “Đời có tên tụi mình”, “Trái đắng”…

Ngoài đạo diễn, biên kịch, đạo diễn Lê Văn Duy còn viết tiểu thuyết, làm thơ, nhiếp ảnh. Ông là em trai của nhà văn Lê Văn Thảo và anh trai của nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy.

Tôi đã từng làm nhiều phim tài liệu chân dung, từ chính trị gia đến văn nghệ sĩ. Kinh nghiệm của tôi là phải chọn điển hình thực sự tiêu biểu. Đó là nhân vật được lòng dân khi còn sống và vẫn có sức ảnh hưởng kể cả khi họ qua đời bởi sức sống của nhân vật cũng là sức sống của phim. Trong thời chiến tranh tôi ngại nhất là các nhân vật trong phim của mình "chiêu hồi". Thời bình thì các nhân vật đã lên phim bị sa sút phẩm chất, tham nhũng... Để chọn được nhân vật hay, ngoài sự phán đoán cá nhân, người làm phim còn phải làm tư liệu thật kỹ, tìm hiểu nhân vật từ làng xóm, cơ quan, đơn vị họ công tác.

 Phim tài liệu thường không dễ xem, cũng không có đầu ra, vì sao ông lại dấn thân vào con đường này?

- Khác với vài đồng nghiệp thích "xông pha" vào các mặt trái xã hội đương thời, tôi thích làm phim ca ngợi quê hương, đất nước, ngợi ca những con người nhân hậu và chính trực. Những sự việc tôi đưa lên phim không mang tính thời sự nóng hổi nhưng đọng lại trong lòng người về những điều tốt đẹp. Những người tốt vẫn còn nhiều trong xã hội. Nếu người làm phim có tâm huyết, có nghề, nghiêm túc, yêu nghệ thuật điện ảnh thì phim của họ chắc chắn có người xem.

 Xin cảm ơn ông!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết