19/06/2011 - 08:54

Lạm phát hoành hành khắp thế giới

Những ngày gần đây, các nền kinh tế lớn lần lượt tăng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc để “kìm cương con ngựa” lạm phát. Một số nước buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trước tình hình giá cả leo thang.

Ngày 16-6, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã điều chỉnh lãi suất từ 7,25% lên 7,5% và đây là lần tăng lãi suất thứ mười kể từ giữa tháng 3-2010. Bộ Thương mại nước này cho biết chỉ số giá bán buôn hồi tháng 5 đã tăng 9,06% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo trước đây. Trong khi đó, do phải tập trung chống lạm phát nên tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong quý 1 chỉ là 7,8%, thấp nhất trong 5 quý vừa qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá cả lương thực ở quốc gia Nam Á này sẽ còn leo thang sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh điều chỉnh giá mua nông phẩm từ nông dân để đảm bảo thu nhập của họ (Ngân hàng Thế giới ước tính hiện 3/4 trong số 1,2 tỉ người Ấn Độ sống dưới 2 USD/ngày). Ngoài ra, lạm phát có thể sẽ dữ dội hơn nếu New Delhi cho phép các tập đoàn dầu khí quốc doanh tăng giá bán nhiên liệu. Theo Bộ trưởng Dầu lửa Jaipal Reddy, các công ty này đã thất thu hơn 10 tỉ USD trong quý 1 do bán hàng dưới giá thành.

 Giá thực phẩm ở Trung Quốc đang tăng mạnh. Ảnh: China Daily

Còn Trung Quốc hồi đầu tuần đã lần thứ sáu liên tiếp tăng dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, từ 21% lên 21,5%. Lạm phát ở nước này hồi tháng 5 là 5,5%, cao nhất trong 34 tháng qua. Đặc biệt đối với thực phẩm, giá cả đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng thịt heo tăng tới 40% và điều đó ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của dân nghèo thành thị. Shen Jianguang, một chuyên gia kinh tế ở ngân hàng đầu tư Mizuho Securities, nhận định lạm phát là vấn đề dài hạn đối với nền kinh tế số một châu Á; giá thực phẩm và nhà ở tăng cao đã góp phần tạo ra những bất ổn xã hội tại miền Nam nước này thời gian gần đây.

Trước đó, Brazil và Hàn Quốc cũng đã lần lượt tăng lãi suất để kìm chế lạm phát. Trong lần tăng thứ tư kể từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Brazil hôm 8-6 đã đưa lãi suất từ 12% lên 12,25%. Người ta dự báo nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ sẽ còn tiếp tục thắt chặt tiền tệ để đối phó với tình trạng chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, lên tới 6,55% hồi tháng 5. Hàn Quốc thì nâng lãi suất lần thứ năm trong vòng chưa đầy một năm, từ 3% lên 3,25%. Chỉ số giá sản xuất (giá cả hàng hóa và dịch vụ buôn bán giữa các doanh nghiệp) ở xứ Hàn hồi tháng rồi tăng tới 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong quý 1 của Hàn Quốc đã được điều chỉnh từ 1,4% xuống 1,3%.

Trong cuộc họp hồi tuần rồi, tuy giữ nguyên lãi suất ở mức 1,25% nhưng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean- Claude Trichet bóng gió rằng con số này có thể sẽ phải tăng vào tháng 7 trước khả năng giá dầu và giá hàng hóa lên cao.

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (không kể thực phẩm và năng lượng) của tháng 5 đã tăng 0,3% so với tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ năm 2006. Theo dự báo của bộ phận phân tích thông tin EIU thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) ngày 15-6, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 2,7% trước đó.

LÊ DÂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết