18/03/2021 - 09:07

Làm nông nghiệp từ xa 

SAFACO là sản phẩm điều khiển, thu thập các yếu tố môi trường, quản trị hoạt động sản xuất nông nghiệp qua sóng điện thoại bằng tin nhắn SMS, hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đây là sản phẩm của nhóm học sinh: Liêu Vinh Khôi, Lê Thị Mỹ Duyên, Phạm Văn Hữu Tài (Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền) và Trần Thị Cẩm Ngọc (Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều), vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhóm tác giả, từ trái qua: Hữu Tài, Vinh Khôi, Mỹ Duyên, Cẩm Ngọc giới thiệu dự án SAFACO tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhóm tác giả, từ trái qua: Hữu Tài, Vinh Khôi, Mỹ Duyên, Cẩm Ngọc giới thiệu dự án SAFACO tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Em Liêu Vinh Khôi cho biết, các em vốn con nhà nông, chứng kiến cha mẹ làm ruộng vườn vất vả nên luôn tâm nguyện thực hiện một sản phẩm khoa học để san sẻ nỗi cực nhọc. Vậy là với sự hướng dẫn của giáo viên, nhóm đã lên ý tưởng và bắt tay thực hiện dự án SAFACO.

Có thể hiểu, SAFACO là tủ điện điều khiển thiết bị nông nghiệp công suất lớn bằng sóng điện thoại mọi lúc, mọi nơi với các tính năng nổi bật: bật/tắt, hẹn giờ tự động. Hệ thống này đạt độ bảo mật và tính năng phân quyền cao (chia sẻ quyền điều khiển SAFACO cho các thành viên khác), thiết kế nhỏ gọn, an toàn và rất dễ sử dụng. Đặc biệt hơn, SAFACO còn hiển thị công suất tiêu thụ, tính giá tiền điện tiêu thụ hằng tháng, thu thập các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng... giúp nông dân theo dõi sức khỏe cây trồng, vật nuôi dễ dàng ngay tại nhà, mang lại hiệu quả làm nông tốt hơn.

Em Phạm Văn Hữu Tài cho biết: Điểm mạnh và thú vị của SAFACO là có thể điều khiển từ xa qua nhiều phương thức khác nhau, cho nhiều người sử dụng như qua ứng dụng trên điện thoại mang tên “SAFACO” (do nhóm tác giả tự viết bằng ngôn ngữ lập trình), tin nhắn SMS, hoặc hẹn giờ, giọng nói, công tắc cơ... SAFACO cũng có thể điều khiển được thiết bị điện 1 pha, 3 pha, công suất nhỏ và lớn, một hoặc cùng lúc nhiều thiết bị. Ngoài điều khiển từ xa, thiết bị này còn phục vụ được cho hoạt động của máy bơm nước, máy sưởi, máy tạo oxy cho ao nuôi tôm, hệ thống đèn chiếu sáng…

Với việc ứng dụng tính năng tự động hóa, nông dân làm ruộng, làm vườn chỉ việc ngồi ở nhà và ra các quyết định về thời gian, số lượng nước tưới, phun thuốc, theo dõi ẩm độ... phù hợp; việc quản trị canh tác vẫn hiệu quả. Chú Nguyễn Văn Long, nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Mới được các cháu giới thiệu nhưng tôi thấy đây là sản phẩm thú vị và tiện ích, giúp nông dân nhẹ nhân công rất nhiều”. Em Trần Thị Cẩm Ngọc, thành viên nhóm, cho biết thêm: Nhóm đã ra mắt hơn 10 phiên bản, mỗi phiên bản có tính năng riêng để người sử dụng thuận tiện lựa chọn phù hợp với nhu cầu, giá thành thiết bị. Nhóm cũng chuẩn bị ra mắt phiên bản 3.0 với nhiều tính năng nâng cấp ưu việt hơn.

Giáo viên hướng dẫn cho nhóm thực hiện dự án SAFACO là thầy Nguyễn Phúc Thịnh (Trường THPT Phan Văn Trị) và cô Phạm Thị Thùy Linh (Trường THPT An Khánh). Thầy và cô cho biết, ngay khi các em đề xuất ý tưởng với sự quan sát cuộc sống tinh tế và nhân văn, tính thực tiễn cao nên lãnh đạo nhà trường đã rất ủng hộ các em thực hiện. Thầy Thịnh, cô Linh đã sát cánh cùng các em trong suốt quá trình thực hiện dự án và các giai đoạn tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, như: tiếp thị, quảng bá sản phẩm, ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống... “Sự say mê nghiên cứu khoa học của các em cũng như tác động xã hội hữu ích mà SAFACO mang lại là điều tôi ấn tượng nhất” - thầy Nguyễn Phúc Thịnh chia sẻ. Đặc biệt, các thành viên nhóm đã làm tốt công tác truyền thông sản phẩm, đi nhiều nơi, hoạt động thử nghiệm và ghi nhận những phản hồi từ các hộ nông dân sử dụng để có sản phẩm hoàn hảo bán ra thị trường, với giá khoảng hơn 2 triệu đồng/sản phẩm. Đến nay, 153 sản phẩm của nhóm được sử dụng tại Cần Thơ, Hậu Giang và được bà con nông dân rất ưa chuộng.

Với khẩu hiệu “SAFACO - đồng hành cùng nhà nông”, đó cũng là điểm nổi bật của học sinh Cần Thơ hiện nay: dùng kiến thức đã học và tư duy sáng tạo để phục vụ cộng đồng, quê hương.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết