26/03/2022 - 12:18

Làm mẹ đơn thân 

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trở thành mẹ đơn thân, như: hôn nhân dang dở, bạn đời mất sớm... Cho dù hoàn cảnh nào thì làm mẹ đơn thân cũng là điều không dễ dàng. Vừa làm cha vừa làm mẹ, cộng thêm những áp lực về cơm, áo, gạo, tiền... đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của họ.

Bà Trần Thị Liền cùng con trai lớn trồng hoa kiểng, đây là nguồn thu nhập chính hiện tại của gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Gian truân, vất vả

Chị N.T.N quê ở Tiền Giang, chia tay chồng cũ sau 18 năm sống cảnh “đồng sàng, dị mộng”. Gia đình chồng chị N làm lò bún, bánh lọt, hủ tiếu. Khi về làm dâu, chị N quán xuyến hết công việc, thức khuya dậy sớm, trực tiếp thực hiện các công đoạn làm ra sản phẩm. Vất vả lo toan, chị không mảy may chú ý chăm sóc bản thân nên sắc vóc ngày càng tiều tụy, nhất là sau khi sinh đứa con thứ hai, bé bị đau yếu liên miên. Ðã không cảm thông, chia sẻ cùng vợ, chồng chị còn có nhân tình mới và yêu cầu ly hôn. Ðiều đáng buồn là trong suốt 18 năm làm dâu, chị N chỉ lo làm lụng, vun vén tình cảm cho trong ấm ngoài êm chứ không quản lý tiền bạc. Khi ly hôn, chị bị đẩy ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. Khi ấy, con trai lớn đã 16 tuổi, hiểu nỗi lòng của mẹ nên chọn theo mẹ để đỡ đần. Chồng chị nhận nuôi con trai út.

Hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Thơm ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cũng khá éo le. Chồng mất, chị một mình nuôi con. Năm nay, con trai chị 11 tuổi, đang học lớp 5. Theo chia sẻ của chị Thơm, làm mẹ đơn thân lắm nỗi nhọc nhằn. Chị làm công nhân may, mỗi ngày, công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng kéo dài đến 7 giờ tối mới về đến nhà. Bình thường, để tiết kiệm chi phí, chị thức sớm chuẩn bị thức ăn cho hai mẹ con, rồi đưa con đi học. Với thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, gói ghém lắm, mẹ con chị Thơm mới đủ sống, chứ không có tích lũy. 

Bà Trần Thị Liền ở phường Thới Long, quận Ô Môn, một mình nuôi nấng, dạy dỗ 3 người con suốt 20 năm qua. Bà kể, khi chồng mất, con lớn mới 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi. Lo các con thiếu vắng tình thương của cha sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, nên bà làm đủ mọi việc để lo cho con cái ăn, cái mặc; đồng thời dành thời gian gần gũi, chăm lo, động viên các con học hành, chí thú lao động, trở thành người hữu ích cho xã hội. Một mình tần tảo, nhưng khi có người ngỏ ý muốn tiến tới hôn nhân thì bà nhất quyết chối từ vì ngại cảnh con riêng và cũng muốn dành trọn vẹn tình cảm để “bù đắp” thiệt thòi khi các con sớm mất cha.

Vượt qua nghịch cảnh 

Sau khi chia tay chồng, chị N quyết định trở lại công việc thời còn độc thân là nấu sâm bí đao, nước nha đam đường phèn, làm sữa chua để đi giao tại các điểm trường học, tiệm tạp hóa. Chị còn làm thêm tại các vựa trái cây ở các xã lân cận. Qua thời gian gom góp vốn liếng, mới đây chị đến xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ thuê đất trồng rẫy, dành dụm tiền tích lũy để lo cho con vào đại học.

Cuộc sống một mẹ, một con của chị Thơm khiến chị không ít lần buồn tủi, khóc thầm. “Buồn nhất là mỗi khi bị bệnh, chỉ có mẹ và con chia sẻ, chăm sóc nhau. Mấy tháng trước tôi bị mắc COVID-19, lo nghĩ lỡ mình có chuyện gì, thương con phải chịu cảnh cút côi. Mới đây, con trai cũng bị nhiễm, tôi càng xót xa. Tôi chỉ mong mẹ con khỏe mạnh, công việc thuận lợi để dành dụm tiền cho con học hành". May mắn là sinh sống tại địa phương, mẹ con chị Thơm được cán bộ phường quan tâm hỗ trợ rất nhiều. Hiện con trai chị cũng đang được đề nghị xét hỗ trợ học bổng để có điều kiện đến trường…

Người con trai lớn của bà Liền từ nhỏ đã hiểu chuyện, thương yêu và biết san sẻ công việc với mẹ. Bà Liền kể: “Có nhiều hôm, hai mẹ con đi bộ cả chục cây số vào xóm rẫy thu mua dưa leo về bán lại kiếm lời. Nhiều đêm, hai mẹ con dậy từ 2 giờ sáng để đi cấy lúa mướn. Thỉnh thoảng, các con còn bị bạn bè cùng trang lứa chọc ghẹo là đứa không cha. Nhưng tôi đều dạy các con “một câu nhịn chín câu lành”. Khoảng 10 năm nay, gia đình chuyển sang nghề trồng hoa, thu nhập ổn định hơn. May mắn là các con đều hiểu chuyện và nên người, đó là niềm hạnh phúc của người làm mẹ”. Anh Ðạo, con trai lớn bà Liền chia sẻ, những hy sinh vất vả của mẹ để lại trong lòng anh sự cảm phục. Tuổi thơ của anh, dù lắm nhọc nhằn nhưng rất đẹp bởi luôn có mẹ dìu dắt, dạy dỗ nên người và anh luôn trân trọng, ghi nhớ. Hiện tại, các anh em đều khôn lớn trưởng thành, mong muốn lớn nhất là được chăm sóc, phụng dưỡng để báo hiếu cho mẹ trong quãng đời còn lại.

Dù cuộc sống của người phụ nữ đơn thân ít nhiều sẽ có những khó khăn, song các chị đều chung suy nghĩ, chỉ cần có niềm tin, nghị lực và hơn tất cả chính tình yêu thương con cái sẽ là động lực giúp các chị vượt qua, thích ứng với hoàn cảnh. Bên cạnh đó, nhiều chị cũng cho biết, sự quan tâm, sẻ chia từ gia đình, xã hội cũng là một phần động viên rất lớn, giúp các chị vững tin vào cuộc sống…

HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết