12/05/2009 - 20:55

Làm khoa học để phục vụ cộng đồng

Chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH), Phạm Lâm Hào và 5 người bạn thân cùng học lớp Phát triển Nông thôn, K.32, Viện Nghiên cứu & Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện ý tưởng “Lập danh mục nhà trọ quận Ninh Kiều hỗ trợ sinh viên ngoại trú tìm nơi ở và hỗ trợ công tác quản lý”. Ý tưởng này đã đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” năm 2008 do Trung tâm học liệu phối hợp với Đoàn Trường
Đại học Cần Thơ tổ chức.

Ngay từ đầu năm thứ nhất, Phạm Lâm Hào và Võ Hoàng Khải, Lê Trung Việt, Trần Thanh Phương, Lê Hoàng Thao, Võ Thị Ngọc Thùy là những người bạn rất thân với nhau vì có nhiều điểm chung: con nhà nghèo, xuất thân từ nông dân, ham học, ai cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm nhà trọ. Hào cho biết: “Đối với sinh viên (SV), chỗ ở là vấn đề quan trọng nhất. Nhưng để tìm được một nơi vừa túi tiền, đảm bảo vệ sinh, an ninh, rất vất vả. Nhiều bạn vì không có chỗ ở tốt nên kết quả học tập không như mong muốn. Nhóm chúng em có bạn từng bị kẻ gian đột nhập lấy cắp dàn máy vi tính, xe đạp, quần áo... Thấm thía cảnh này, tụi em làm đề tài trên để giúp đỡ không chỉ tân SV mà cả những thành phần dân nhập cư khác đỡ vất vả hơn trong quá trình tìm nhà trọ”.

 Lâm Hào (hàng đầu, bên trái) và các bạn trong nhóm làm đề tài.

Theo đề tài của các bạn, quận Ninh Kiều hiện là nơi ở của hơn 208.000 người, trong đó SV từ các tỉnh khác lên học chiếm khoảng 44%, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Không chỉ SV năm đầu mới lao đao vì tìm chỗ trọ mà SV năm hai, năm ba cũng phải rùng mình vì sự gian nan khi muốn thay đổi chỗ ở. Và giải pháp cả nhóm đưa ra là lập danh mục nhà trọ trong quận Ninh Kiều, hỗ trợ thông tin cho SV ngoại trú, giúp SV tìm được nơi ở phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện học tập của mình, tạo được sự an tâm cho các bậc phụ huynh ở xa, tạo cơ sở dữ liệu cho ban quản lý ký túc xá, phòng công tác SV trường và lực lượng quản lý an ninh xã hội quản lý SV ngoại trú chặt chẽ, nhanh và hỗ trợ công tác tiếp sức mùa thi có hiệu quả.

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” năm 2008 diễn ra đúng lúc thi học kỳ nên Hào và các bạn phải chạy nước rút, thay nhau thức trắng nhiều đêm để viết, chỉnh sửa đề cương. Chỉ một tháng để thể hiện ý tưởng cho hoàn chỉnh là điều không dễ. Các bạn gặp rất nhiều khó khăn ban đầu như: không biết cách thể hiện đề cương, nhiều người góp ý, thậm chí không đồng tình, nhưng nhóm không nản lòng, nhờ thầy cô hướng dẫn và ứng dụng các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao từ 57 đề tài của SV các trường ĐH, Cao đẳng tại Đồng bằng sông Cửu Long, ý tưởng của các bạn đã đạt giải nhất với sự đánh giá rất cao từ ban giám khảo. Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương, trợ lý Giám đốc Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần Thơ nhận xét: “Ý tưởng thành lập danh mục nhà trọ mang tính thời sự, sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực, mang tính ứng dụng cao, giúp SV dễ dàng tìm kiếm nơi ở để trọ học. Đây còn là công cụ hữu ích để nhà trường, gia đình quản lý SV chặt chẽ hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối sản phẩm với nguồn đầu tư để đề tài các bạn sớm hoàn thiện, phục vụ xã hội”.

Trung Việt cho biết, nhóm đang tìm kinh phí để làm những cuộc khảo sát số liệu thực tế để có thêm thông tin; xử lý, viết phần mềm sản phẩm để ứng dụng. Nhóm đã làm đề xuất xin kinh phí từ phía nhà trường (dự kiến trên 40 triệu đồng) nhưng chưa có kết quả. Thanh Phương tâm sự: “Với những lợi ích của ý tưởng, chúng em muốn xây dựng thành một sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng rộng rãi, phục vụ xã hội, đó mới là thành công lớn nhất”. Riêng Lâm Hào, trưởng nhóm, cũng là người đã nghĩ ra ý tưởng đầu tiên thành lập danh mục nhà trọ, quả quyết: “Nếu như không tìm được tài trợ, sau khi tốt nghiệp, em sẽ về quê xin 2 công đất của người thân canh tác, tìm kinh phí để triển khai đề tài”.

Lâm Hào và các bạn rất quan tâm đến những bức xúc, nhu cầu của SV, đặc biệt chuyện ăn ở. Chính vì lẽ đó, hiện nhóm đang ấp ủ ý tưởng mở quán ăn SV để tham dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” năm 2009. Hào tâm sự: “Mỗi khi bắt tay vào một đề tài, điều chúng em nghĩ trước tiên là hiệu quả mang lại cho xã hội là gì, làm cái nào phải chắc cái đó. Em mong nhà trường quan tâm, đầu tư hơn nữa đến phong trào NCKH trong SV để chúng em có điều kiện thể hiện mình”.

Điều đáng quý là cả 6 thành viên trong nhóm đều là SV nghèo, vượt khó. Trong đó, Hào là người có nhiều thành tích nhất. Năm rồi, Hào từng tham gia làm đề tài “Đánh giá tình trạng tác động của người thân trong vụ sập cầu Cần Thơ để phân tích sinh kế” đoạt giải khuyến khích, do Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Quê Hào ở Sóc Trăng, cha mẹ ly thân đã lâu, em trai còn đi học. Mẹ Hào không có nghề nghiệp ổn định, kiếm sống bằng công việc bán nước mía, còn phải phụng dưỡng ông ngoại già yếu. Nếu không có cậu ruột giúp đỡ, chắc Hào đã không được đi học cho đến ngày hôm nay. Anh em Hào học rất giỏi, riêng Hào đã đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi về môn máy tính bỏ túi của tỉnh Sóc Trăng. Hào đã từng được Viện Nghiên cứu & Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu lãnh học bổng (HB) của Trường Đại học Texas của Mỹ.

Còn Thanh Phương, con đường học hành cũng lắm gian nan. Quê Phương ở một vùng sâu của tỉnh Kiên Giang. Khi Phương đang học lớp 10 thì em trai bệnh, nhà nghèo, Phương phải nghỉ học đi làm kiếm tiền cho em mổ tim. 3 năm sau Phương mới tiếp tục con đường học vấn. Những suất HB của Trường Đại học Cần Thơ và của Thụy Sĩ trong mấy năm qua đã tiếp thêm động lực cho Phương trong hành trình xây đắp tương lai. Hay như Thao mồ côi cha, phải đi làm thêm mới đủ trang trải chi phí học hành. Thùy dù sống chật vật cũng cố gắng học thêm một ngành học khác... Hào trầm tính, Thùy lanh lợi, Phương thẳng thắn, tính cách các bạn bổ sung cho nhau. Sau những cuộc tranh luận, các bạn học được từ nhau rất nhiều điều, tình bạn bè thêm khắng khít.

Hiện tại, cả 6 bạn đều đang từng ngày vượt qua bao khó khăn, nỗ lực để học tập và tham gia NCKH. 6 thành viên đều có chung ước nguyện học thành tài để phục vụ quê hương. Mấy năm qua, các bạn cũng đã đem những kiến thức đã học về hướng dẫn lại gia đình và bà con trong việc chăm sóc cây trồng vật nuôi, được rất nhiều người yêu mến.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết