Theo đánh giá của Chính phủ, sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Nhưng trong giai đoạn đầu “mở cửa” trở lại nền kinh tế, số ca nhiễm mới có thể tăng lên, nhất là một số địa phương có độ bao phủ vaccine còn thấp. Do đó, cần phải kiên định, giữ vững lập trường, quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Tại TP Cần Thơ, tình hình dịch bệnh những ngày gần đây diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng nhanh. Mặc dù các ngành, các cấp rất quyết liệt, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng, chống dịch của mỗi người dân.
|
Tuần cuối tháng 10-2021, TP Cần Thơ được đánh giá dịch ở cấp độ 1. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, từ đầu tháng 11, dịch tại Cần Thơ lại tăng lên cấp độ 2. Đến đầu tháng 12, Cần Thơ xác định ở cấp độ 3 với số ca nhiễm tăng mỗi ngày và có những ngày liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới. Có nhiều nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao và ý thức của người dân trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch vẫn là yếu tố hàng đầu.
Chững lại một nhịp, F0 gia tăng
Đến hẻm 88, khu vực 4, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, không khí rất yên ắng, ít người đi lại, dù nơi đây đã gỡ phong tỏa từ nhiều ngày qua. Theo chị Đinh Thị K.P, người dân ở đây, thời gian đầu mới xóa bỏ giãn cách, một số người rất thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh, hễ rảnh là tụm lại nói chuyện, vui chơi. “Mãi đến khi trong hẻm và khu vực xung quanh phát hiện đến mấy chục ca F0, bà con mới giật mình, biết sợ và tuân thủ 5K” - chị K.P kể.
Còn chị Nguyễn Thị H.O ở đường B26, khu vực 7 tái định cư Hưng Phú, quận Cái Răng, không khỏi lo lắng khi cạnh nhà chị có F0 điều trị tại nhà nhưng vẫn chui lòn qua dây để “đi tới, đi lui”. Đáng lo ngại là có hàng xóm vẫn lui tới nhà đó, dù có bảng cảnh báo treo ngay cửa nhà.
Phường Phước Thới, quận Ô Môn, hiện nằm trong nhóm nguy cơ rất cao (cấp độ 4), nhưng tình trạng mua bán hàng rong, bán vé số dạo, hoạt động tại các chợ vẫn diễn ra bình thường, chưa đảm bảo an toàn. Một bộ phận người dân vẫn tụ tập cà phê, ăn uống hoặc tán gẫu nhưng không mang khẩu trang. Anh Nguyễn Hồng Đ ở phường Phước Thới, cho biết: “Ban đầu, trong xóm tôi có một vài hộ phát bệnh. Do tôi chủ quan, không đeo khẩu trang khi nói chuyện với hàng xóm. Sau đó, cả 4 người trong gia đình tôi đều mắc bệnh, phải nhập viện điều trị hơn 14 ngày...”.
Từ giữa tháng 7 đến hết tháng 9-2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian này, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã phát huy vai trò tuyên truyền của tổ COVID cộng đồng, lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine… nên công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo anh Trần Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, từ khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại xã và các địa phương khác có phần lúng túng, khó kiểm soát, nhất là đối với người dân làm ăn, mua bán, người về từ vùng dịch. Công tác tuyên truyền, kiểm soát của các tổ COVID cộng đồng cũng có phần chựng lại. Mặt khác, một bộ phận người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, không nghiêm túc thực hiện 5K nên từ đầu tháng 10 đến nay, xã có thêm 46 người nhiễm COVID-19, lũy kế đến nay có 103 người nhiễm.
Thực tế, những ngày qua, dọc các tuyến đường bờ hồ Búng Xáng, đường Trần Nam Phú, đường Võ Văn Kiệt... một số quán ăn vẫn đông đúc như chưa có dịch. Một số quán kinh doanh rượu, bia tại chỗ vẫn còn tụ tập đông người. Một số chợ, nơi buôn bán tạp hóa, quán ăn trên các tuyến đường: Hòa Bình, Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Việt Châu... người dân vẫn tập trung đông, không giữ khoảng cách…
Quận Bình Thủy có 3 phường ở cấp độ 4 (Trà Nóc, Thới An Đông, Trà An), theo quy định đối với cấp độ này là không được tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng; nhà hàng quán ăn, cà phê chỉ được phép bán hàng mang đi hoặc bán hàng tại chỗ không quá không quá 30% công suất và người phục vụ phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID trong 6 tháng. Tuy nhiên, vào những buổi sáng, trên địa bàn các phường này, nhiều người vẫn vô tư đến các quán cà phê, quán ăn, chưa đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Ông Lê Tấn Đạt ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Mặc dù phường đang ở cấp độ 4 nhưng hằng ngày tại các quán cà phê, ăn sáng hay tại các điểm chợ, người dân tụ tập khá đông, nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

Dịch bệnh nhưng người dân vẫn đến các hàng quán dọc theo Bờ Hồ Búng Xáng rất đông. Ảnh: S.H
Phòng dịch, mỗi người hiểu mỗi cách
Hiện tại, thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 để cùng cả nước hướng đến miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ về tác dụng của vaccine, nên vẫn còn những người chần chừ, chưa đi tiêm ngừa. Bà L.T.M.T ở khu vực 3, phường An Thới, quận Bình Thủy, được tổ, khu vực vận động nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý tiêm ngừa vì cho rằng bà có nhiều bệnh nền, có tiền sử dị ứng. Bà M.T cũng lần lựa chưa cho con trai đi tiêm ngừa với nhiều lý do: con đang ho, sổ mũi, không khỏe. Một thực trạng đáng lo ngại không kém là nhiều trường hợp đã được tiêm ngừa lại chủ quan cho rằng mình sẽ không bị nhiễm hoặc có mắc thì cũng chỉ như “cảm thông thường”.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cho biết: “Tôi tiêm mũi 1 hồi tháng 8. Có vaccine tiêm là mừng rồi nên không suy nghĩ, chọn lựa. Giờ tiêm đủ 2 mũi, tôi an tâm là mình có thể được bảo vệ 80-90%”. Anh Huỳnh Cảnh Hiếu, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng cũng chia sẻ rằng khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine, anh rất an tâm, nhưng gần đây nghe nói số người tiêm đủ 2 mũi bị nhiễm bệnh tăng, đã có trường hợp chuyển nặng, anh rất lo lắng.

Người dân mua bán tập trung đông người trên đường Trần Quang Diệu (Chợ Cầu Ván). Ảnh: T.N
Vaccine hiệu quả nhất là ý thức phòng bệnh của mỗi người
Trước những cách hiểu khác nhau như trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cũng đã nhiều lần lưu ý: Vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tiêm vaccine ngừa COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Người đã được tiêm vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch khác. Nhất thiết phải đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách. Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chưa cao. Sau khi tiêm mũi 2, ít nhất 2 tuần thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ ở mức khoảng 70%-95% tùy loại. Vaccine hiệu quả nhất vẫn là ý thức phòng bệnh của mỗi người.
Trên thực tế, việc sử dụng khẩu trang đã trở thành thói quen của đa số người dân TP Cần Thơ khi đến nơi công cộng, làm việc, học tập... Tuy nhiên, nhiều người chưa sử dụng khẩu trang đúng cách. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trước khi đeo khẩu trang, phải rửa tay sạch, cầm vào dây đeo lên, giữa nẹp bẻ gập, sau đó căng hai dây đeo vào. Khẩu trang đeo phải kín, không đeo dưới mũi. Cầm dây đeo tháo ra, không được sờ bên ngoài khẩu trang, vì virus bám vào mặt ngoài khẩu trang. Cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc chất sát khuẩn, nhằm ngăn virus từ bàn tay đưa lên mũi, miệng lây nhiễm bệnh. Chú ý vệ sinh lau chùi bề mặt, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang..., giúp phòng cả COVID-19 và bệnh tay chân miệng. Nhà, phòng, nơi làm việc nên thoáng khí, sạch sẽ, hạn chế sử dụng máy điều hòa (máy lạnh)…
Nhóm PV Thời sự
Còn tiếp
Bài 2: Linh hoạt thích ứng, không hoang mang