19/10/2009 - 21:15

Làm gì để sản phẩm cá tra, ba sa được ưa chuộng trên sân nhà?

Chủ trương của Chính phủ đang khuyến nghị người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thế nhưng, ở ĐBSCL sản phẩm cá tra và ba sa nức tiếng thơm ngon ở nhiều nước, song vẫn chưa được người tiêu dùng nội địa sử dụng nhiều. Vì sao…?

* BỎ NGỎ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), nói: Đã qua 15 năm, con cá tra, cá ba sa được đưa vào nhà máy chế biến và ngần ấy thời gian hầu hết các doanh nghiệp (DN) chỉ lo xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường nội địa. Cứ đổ lỗi cho người tiêu dùng quen tập quán ăn cá tươi là hoàn toàn không đúng, vì trong thực tế chỉ có khoảng 3 DN chế biến đưa sản phẩm tiêu thụ nội địa. Trong khi đó con cá tra, ba sa là loài thủy sản chủ lực của vùng nước ngọt, giàu dinh dưỡng được người tiêu dùng nước ngoài biết đến. Trong 2 năm trở lại đây, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN vẫn cứ hướng ngoại, thì tại An Giang đã có một DN lại rất thành công khi đưa sản phẩm cá tra, ba sa hướng nội...

 Sản phẩm cá tra giàu dinh dưỡng và giá rẻ nhưng chưa được tiêu thụ mạnh trong thị trường nội địa. (Trong ảnh: Chế biến cá tra ở TP Cần Thơ). Ảnh: TP. 

Ông Châu Minh Chinh, Giám Đốc Công ty cổ phần Nông Ngư Quốc tế (IFACO), cho biết: Với sự trợ giúp của Trung tâm Xúc tiến thương mại An Giang, AFA... đã hỗ trợ cho công ty đưa sản phẩm cá tra, ba sa ra thị trường như: Bình Thuận, Đồng Nai, Đắc Lắc, Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc... Sau 6 tháng đưa sản phẩm cá tra ra thị trường nội, hiện tại bình quân công ty cung ứng cho hệ thống đại lý bán lẻ khoảng 300 tấn/tháng với hơn 10 mặt hàng: chả lụa ba sa, xúc xích ba sa, chạo sả ba sa, chả viên ba sa, ba sa cắt khúc, ba sa kho tộ... Dòng sản phẩm trên không chỉ được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng mà du khách nước ngoài cũng rất thích. Ngoài việc đưa sản phẩm chế biến từ cá tra vào siêu thị, công ty còn mở rộng kênh phân phối vào nhà hàng, quán ăn, khu ẩm thực, khu dân cư, khu công nghiệp... Nếu thị trường nội địa phát triển càng mạnh sẽ góp phần giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Ông Châu Minh Chinh kiến nghị: Để tiêu thụ mặt hàng cá tra, ba sa chế biến nói riêng, hàng nông sản của Việt Nam tiêu thụ nội địa thật sự bền vững theo từng phân khúc thì cần phải có nhiều tổ chức, DN mạnh dạn đưa hàng hướng nội. Nhà nước cần xem lại chính sách thuế cho các DN đối với mặt hàng cá tra chế biến. Cụ thể là thuế thu nhập DN và thuế tiêu thụ hàng nội địa đối với con cá tra, ba sa; tăng cường vốn hỗ trợ cho DN chuyên cung ứng hàng ra thị trường trong nước cũng rất cần thiết. Thực tế, DN chế biến hàng nông, thủy sản chưa quan tâm đến thị trường nội địa có một phần là do ngại thuế. Hàng chế biến mang đi xuất khẩu chịu thuế xuất khẩu thấp hơn thuế tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, để sản xuất hàng hóa bán nội địa thì phải đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối, vốn gối đầu cho hệ thống phân phối, hệ thống kho lạnh cho các đại lý phân phối, xe lạnh chuyên dụng, tuyên truyền quảng bá... vốn đầu tư rất lớn nhưng lợi nhuận thấp. Trong khi đó, sản xuất hàng xuất khẩu xuất bán nguyên lô lấy tiền liền mà không phải tốn nhiều vốn và công sức đầu tư, nên các DN chưa quan tâm đến thị trường nội địa.

* HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP “HƯỚNG NỘI”

Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, hiện tại đã có vài DN chế biến sản xuất mặt hàng cá tra, ba sa hướng nội. Qua khảo sát của Công ty IFACO cho thấy thị phần nội địa nếu được các DN tập trung đẩy mạnh và làm tốt khâu quảng bá, tiếp thị thì sản lượng tiêu thụ trong nước ít nhất cũng chiếm khoảng 30% sản lượng chế biến của các nhà máy hằng năm. Nếu tiêu thụ tốt được thị trường nội địa sẽ giảm đi áp lực thị trường xuất khẩu, khi đó con cá tra ĐBSCL sẽ phát triển mạnh theo hướng bền vững...

Ông Lê Chí Bình phân tích: Cái yếu tồn tại là do các DN quá ham muốn và quá lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Đến khi một số nhà nhập khẩu tài chính yếu hoặc gặp phải vấn đề rào cản kỹ thuật thì các DN lại lúng túng, trong khi đó thị trường nội địa – sân nhà thì còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân DN chưa quan tâm thị trường nội địa không chỉ do ngại thuế mà còn khâu quảng bá, tiếp thị mặt hàng chế biến từ con cá tra, ba sa quá yếu nên chưa được đại đa số người tiêu dùng biết đến. Trong khi đó, nhiều mặt hàng cá tra chế biến rất ngon.

Điểm yếu lớn nhất của DN, kể cả ngành hữu quan, còn bỏ quên là khâu “tuyên truyền, quảng bá”. Người tiêu dùng vốn có thói quen dùng cá tươi mà chưa mạnh mua hàng chế biến sử dụng. Hơn nữa, bao bì chưa thể hiện được tính năng ưu việt của sản phẩm cá tra. Trong khi đó, đối với DN nước ngoài 1 sản phẩm làm ra để tạo sức hút người tiêu dùng thì trên bao bì đều thể hiện đầy đủ tính năng, thành phần dinh dưỡng... Những vấn đề này không phải là chuyện khó nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm thực hiện. Hiện tại, con cá tra, ba sa ngoài người tiêu dùng ĐBSCL biết rất rõ nhưng các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và miền Bắc còn rất ít người biết. Các DN thiếu sự kết nối với các cơ quan liên quan trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cá tra, ba sa nội địa. Trong khi đó người nước ngoài biết rất nhiều và thích cá tra, cá ba sa Việt Nam là vì thành phần dinh dưỡng và thông tin quảng bá tốt. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu loài thủy sản này càng nhiều và cứ thế DN Việt Nam chỉ lo xuất khẩu mà không thiết tha với khách hàng và thị trường nội địa (!).

Tỉnh An Giang hiện có khoảng 17 DN chế biến cá tra, ba sa nhưng mới chỉ có một số công ty sản xuất mặt hàng cá tra hướng nội là Công ty TNHH An Xuyên, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGIFISH). Sản lượng tuy chưa nhiều nhưng đó là tín hiệu tốt khi DN hướng đến thị trường nội địa. Đối với người tiêu dùng thì khu vực TP Hồ Chí Minh nhu cầu sử dụng cá tra, ba sa tươi cũng đã tăng. Hiện nay, tại chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 tấn cá tra, ba sa...

Ông Lê Chí Bình đề xuất: Để hàng nông, thủy hải sản hướng nội mạnh hơn nữa nên chăng cần tăng cường khâu xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá để người dân các vùng miền trên cả nước biết đến con cá tra, ba sa thì nhanh chóng mặt hàng thủy sản nước ngọt chủ lực của ĐBSCL sẽ càng được nhiều người tiêu dùng nội địa sử dụng...

TRẦN PHONG

Chia sẻ bài viết