11/02/2009 - 08:43

Đồng bằng Sông Cửu Long

Làm gì để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm?

BÀI 1:  PHÒNG CHỐNG DỊCH CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến ngày 9-2-2009, trên cả nước có 5 địa phương là Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Nghệ An và Quảng Ninh phát hiện dịch cúm gia cầm (CGC) chưa qua 21 ngày... Hiện nay, công tác phòng chống dịch đang được các ngành chức năng của cả nước, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khẩn trương thực hiện. Theo Chi cục Thú y các tỉnh ĐBSCL, với thời tiết lạnh như hiện nay và tình trạng nuôi gia cầm nhỏ lẻ, rải rác trong dân vẫn còn nhiều là điều kiện dễ xảy ra dịch bệnh CGC. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập...

CÚM GIA CẦM TRỞ LẠI!

Theo Cục Thú y, ngày 18-9-2008, dịch CGC được phát hiện trên đàn vịt 500 con, khoảng 45 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng vắc-xin CGC, của 1 hộ chăn nuôi ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Dịch đã làm chết 57 con vịt, cán bộ thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy 443 vịt còn lại. Đây là ổ dịch CCG cuối cùng được phát hiện ở ĐBSCL trong năm 2008.

Đến ngày 27-1-2009, cũng theo thông báo từ Cục Thú y, không còn xảy ra dịch CGC trên toàn quốc.

Tiêu hủy gia cầm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Tuy nhiên, đến ngày 1-2-2009, theo báo cáo từ Cục Thú y, ngày 29-1-2009, dịch CGC đã xảy ra ở ấp Rạch Báo, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trên đàn vịt 30-45 ngày tuổi, 192 con gia cầm đã chết trong tổng đàn 580 con. Cơ quan Thú y vùng VII - Cục Thú y xét nghiệm số gia cầm này dương tính với H5N1. Đến ngày 2-2-2009, tại tỉnh Cà Mau, dịch CGC tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 6 ấp thuộc 2 xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, làm 189 con vịt chết trong tổng số 549 con mắc bệnh. Đến thời điểm này, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tiêu hủy gần 1.560 con gia cầm.

Ngày 3-2-2009, dịch CGC được phát hiện trên đàn vịt (682 con) khoảng 67 ngày tuổi của 1 hộ chăn nuôi ở xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ngành thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm vừa nêu.

Cũng trong ngày 3-2-2009, tỉnh Cà Mau phát hiện thêm 1 ổ dịch mới trên đàn vịt khoảng 60 ngày tuổi chưa tiêm phòng vắc- xin CGC của một hộ chăn nuôi ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình. Tổng số con bị bệnh là 300 con, chết 25 con trong tổng đàn 950 con.

Đến ngày 5-2-2009, ngành chức năng tỉnh Cà Mau tiếp tục cho tiêu hủy gần 3.000 con gia cầm của nhiều hộ dân ấp 9, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình vì có triệu chứng của CGC. Cùng ngày, Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu tiến hành hủy gần 300 vịt chạy đồng của ông Trần Văn Hận, ấp 18, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, đồng thời lấy mẫu gởi ngành chức năng xét nghiệm. Trước đó, đàn vịt của ông Hận chết 29 con với triệu chứng giống như mắc bệnh CGC.

Ngày 7-2-2009, dịch CGC được phát hiện trên đàn vịt chưa được tiêm phòng vắc- xin, khoảng 45 ngày tuổi của một hộ chăn nuôi ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tổng số con bệnh là 400 con, toàn bộ đàn gia cầm đã được tiêu hủy. Chi cục Thú y tỉnh đang tiến hành các biện pháp chống dịch theo quy định.

NGUY CƠ BÙNG PHÁT DỊCH CAO

Về việc tái bùng phát dịch CGC, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Dịch CGC ở Việt Nam đã trở thành dịch địa phương, nên xảy ra rải rác ở một vài địa phương với những ổ dịch nhỏ lẻ là có thể hiểu được. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn virus lây bệnh vẫn chưa được loại trừ. Những loài chim hoang dã mang virus độc lực thấp hay virus có độc lực cao tồn tại trong thủy cầm (kể cả những con đã được tiêm phòng) đều có thể lây lan mầm bệnh sang gia cầm khỏe mạnh. Kết quả xét nghiệm virus CGC trên đàn thủy cầm cho thấy, tỷ lệ lưu hành virus CGC hiện từ 5,9-7,95%. Lượng virus này thường xuyên được gia cầm thải ra môi trường bên ngoài, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi và gia cầm có sức đề kháng yếu sẽ phát sinh thành những ổ dịch. Do xuất hiện qui mô nuôi gia cầm nhỏ lẻ trong dân, đặc biệt, tình trạng gia cầm chết rải rác người dân sẽ rất chủ quan, điều này khiến các ngành chức năng khó phát hiện và không được xử lý kịp thời nếu có dịch CGC xảy ra”.

Theo ông Minh, sau mỗi đợt tiêm phòng, ngành thú y đều tiến hành lấy mẫu để đánh giá hiệu quả của công tác tiêm phòng. Kết quả cho thấy việc tiêm phòng là có hiệu quả, tỷ lệ đàn gia cầm được bảo hộ sau tiêm phòng rất cao. Tuy nhiên, có một thực tế khi ngành thú y thu mẫu tại lò, điểm giết mổ, chợ mua bán, điểm trung chuyển gia cầm... thì virus mang mầm bệnh CGC vẫn còn đang lưu hành. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương ở ĐBSCL.

Ngành thú y các tỉnh ĐBSCL cho rằng, với những vấn đề vừa nêu cộng với thời tiết lạnh như hiện nay là điều kiện để CGC xuất hiện và nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.

NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y Sóc Trăng, cho rằng: “Việc kiểm soát chặt chẽ quá trình mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm hiện vẫn còn rất khó khăn. Ngoài các địa phương như: TP Sóc Trăng, huyện Long Phú, Ngã Năm... có điểm giết mổ gia cầm tập trung tạm thời có sự kiểm soát của cán bộ thú y, việc giết mổ tại gia đình hộ kinh doanh vẫn còn. Về cơ bản, việc mua bán gia cầm sống tại trung tâm thành phố và các thị trấn, thị tứ đã không còn, nhưng vẫn còn tình trạng “gà xách tay” tại các chợ thị trấn. Đây là hình thức mua bán theo kiểu đối phó với lực lượng kiểm tra khi bị phát hiện. Tình trạng mua bán gia cầm sống hiện chủ yếu diễn ra tại các chợ nông thôn, rất khó kiểm soát”.

Theo Chi cục Thú y các tỉnh ĐBSCL, thời gian qua, các trạm kiểm dịch của Chi cục, cũng như các đội kiểm tra phối hợp hoạt động khá tốt trong kiểm tra việc vận chuyển gia cầm ra vào địa phương. Không ít trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hình thức vận chuyển gia cầm mang tính đối phó với lực lượng kiểm tra, trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng, không kiểm tra hết các địa bàn cùng một lúc, nên khả năng gia cầm chưa qua kiểm dịch “lọt lưới” vẫn có thể còn xảy ra.

Ngoài khó khăn trên, công tác phòng chống dịch CGC ở các địa phương vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập. Như ở tỉnh Sóc Trăng, theo Chi cục Thú y tỉnh, đàn vịt của ông Lý Sà Rinh phát bệnh vào ngày 18-1. Tuy nhiên, đến ngày 28-1, Ban thú y xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên mới báo cho Trạm thú y huyện. Khi nhận được tin báo, Trạm thú y đã cử cán bộ xuống xem xét và hướng dẫn hộ dân khoanh nhốt, phòng trị. Ngày 2-2, Ban thú y xã tiếp tục báo lên Trạm vì lúc này đàn vịt mắc bệnh đã chết 527 con và đến ngày 3-2 Trạm mới báo lên Chi cục Thú y tỉnh.

Ở tỉnh Bạc Liêu, ngay trong thời điểm dịch CGC đã tái phát ở Cà Mau và lây lan trên diện rộng, giáp ranh với Bạc Liêu, ngành thú y Bạc Liêu thiết lập trạm kiểm dịch ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai (Quốc lộ 1), trạm kiểm dịch ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, giáp với tỉnh Sóc Trăng. Nhưng do lực lượng thú y không túc trực thường xuyên và không có sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông nên nhiều xe chở gia cầm vẫn vượt trạm. Trạm thú y các huyện cũng không thể kiểm soát gia cầm nhập tỉnh bằng đường thủy vì Bạc Liêu có nhiều sông rạch tiếp giáp với 2 tỉnh trên. Ngoài ra, tại các chợ ở thị xã Bạc Liêu và các huyện Giá Rai, Hòa Bình, Hồng Dân... còn phổ biến tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch một cách công khai.

TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Để phòng chống dịch CGC tái xuất hiện, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng luôn được các địa phương ở ĐBSCL thực hiện một cách thường xuyên. Như TP Cần Thơ đã thực hiện phun thuốc tiêu độc lên đến hơn 3,7 triệu m2 và thực hiện tiêm phòng cho hơn 124.000 con gia cầm nuôi mới phát sinh sau tiêm phòng đợt hai 2008. Tổng đàn gia cầm ở tỉnh Sóc Trăng có hơn 3,5 triệu con, trong đó chủ yếu là đàn vịt với hơn 1,7 triệu con. Từ cuối năm 2008, công tác tiêm phòng mũi hai ở Sóc Trăng đã đạt và vượt kế hoạch đối với đàn vịt, riêng đàn gà cũng đã tiêm được gần 1,5 triệu con. Còn tỉnh Bạc Liêu đã tiêm phòng vắc-xin CGC mũi 1, đợt 3 cho trên 1,2 triệu con gia cầm trên toàn tỉnh, trong đó, có khoảng 500.000 gia cầm mới tái đàn...

Trước tình hình CGC diễn biến khá phức tạp như hiện nay, ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Chi cục chỉ đạo cho trạm thú y các quận, huyện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch CGC”. Theo đó, ngành thú y thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện và dập tắt dịch bệnh nếu có xảy ra; kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm của người dân; thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới phát sinh... UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương tiêu hủy ngay gia cầm có triệu chứng bệnh CGC không chờ kết quả xét nghiệm của ngành thú y.

Còn ở tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian qua cho thấy, công tác thông tin tuyên truyền đóng một vai trò quan trọng, nhằm giúp người dân thay đổi hành vi trong chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm, từ đó hiệu quả phòng chống dịch sẽ cao hơn”. Chính vì thế, ngành thú y cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để mọi đối tượng có liên quan hiểu, chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán... cũng cần được tăng cường để hạn chế khả năng phát tán mầm bệnh.

NHÓM PV - CTV (Còn tiếp 1 kỳ)

Chia sẻ bài viết