27/05/2011 - 09:24

Làm gì để nâng cao giá trị trái cây Đồng bằng sông Cửu Long?

Bài cuối: PHÁT TRIỂN MỐI LIÊN KẾT “4 NHÀ”, THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Đa dạng về chủng loại nhưng trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chất lượng vẫn chưa đồng đều và ổn định. Vì thế, khả năng cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và ngay cả trên “sân nhà” so với nhiều loại trái cây với các vùng miền khác với trái cây ngoại nhập còn nhiều hạn chế. Nâng cao chất lượng, giá trị trái cây ở vùng trù phú Cửu Long đã và đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp cấp bách và đồng bộ ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

KHẮC PHỤC YẾU KÉM

Về thực trạng sản xuất rau màu, cây ăn trái của ĐBSCL và cả nước, Tiến sĩ Lý Nguyễn Bình, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, từng nhận xét: Việc sản xuất còn có quá nhiều bất cập cần phải sửa đổi mới có thể nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm. Đó là những bất cập về sử dụng cây giống chưa đảm bảo chất lượng; bón phân, xịt thuốc chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sản phẩm; thu hoạch chưa quan tâm độ chín, sống và thời điểm phù hợp; nơi chứa và sơ chế sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh... Từ đó, dẫn đến sản phẩm không bán được vào siêu thị và các đầu mối tốt nên chưa được giá cao.

Một thực tế khác, thời gian qua, nhiều loại trái cây tại ĐBSCL do chưa đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chất lượng nên chưa thể xâm nhập vào các siêu thị trong vùng. Để có nguồn trái cây đáp ứng nhu cầu khách hàng, hệ thống Siêu thị Co.opMart, Metro... đặt tại các tỉnh, thành ĐBSCL đã phải lấy nguồn trái cây từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Trong khi đó, nhiều loại trái cây được bày bán tại các siêu thị này như: cam, bưởi, chuối, dưa hấu... nguồn cung rất dồi dào tại ĐBSCL...

 Đóng gói nhãn tiêu da bò xuất khẩu ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: VĂN CÔNG

Thực trạng kể trên chưa đề cập đến tình trạng trái cây ngoại mang nhãn hiệu Trung Quốc, Thái Lan,... xuất hiện ngày càng nhiều, khiến thị trường trái cây cạnh tranh khá gay gắt. Thua ở việc cung ứng cho hệ thống bán hàng hiện đại, cạnh tranh khá khốc liệt và chiếm “thế yếu” ở thị trường bán lẻ, thậm chí cả xuất khẩu nên nâng cao chất lượng, giá trị trái cây ĐBSCL đã và đang là vấn đề đặt ra cần nhanh chóng tìm giải pháp.

BẮT ĐẦU TỪ KHÂU GIỐNG, ĐẾN BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, thời gian qua, Viện đã tập trung hỗ trợ nhân giống sạch bệnh trên cây có múi và cây chuối. Vào năm 1996, Viện đã tiến hành sản xuất cây có múi, cung cấp cây mẹ sạch bệnh và chuyển giao cho trung tâm giống các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... Nhưng giá các loại cây giống sạch bệnh khá cao, nông dân chọn cây giống của thương lái, phần lớn không đảm bảo chất lượng trồng chung khiến các vườn cây sạch bệnh bị nhiễm bệnh nên việc phát triển gặp khó. Vì vậy, nhà nước cần có các biện pháp quản lý đồng bộ hơn trong việc quản lý sản xuất, cung ứng cây giống... Ngoài việc cung cấp cây giống sạch bệnh, hằng năm, thông qua các hội thi trái ngon và ATVSTP, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam giúp nhiều nhà vườn ĐBSCL tiếp cận nhiều các giống cây ngon, tạo điều kiện và định hướng phát triển cho nông dân. Đặc biệt, qua các hội thi, nhiều giống cây như: sầu riêng chín Hóa, Ri-6, xoài Cát Hòa Lộc đã trở nên nổi tiếng và phát triển ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL...

Nâng cao chất lượng, giá trị các loại cây trái, nhất thiết phải làm tốt khâu bảo quản, chế biến. Tại Bến Tre, nhờ đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu, khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng dừa trong tỉnh ngày càng phát triển, do dừa có đầu ra ổn định và giá không còn bị tình trạng sụt giảm mạnh. Không chỉ có dừa, nhiều doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cũng đã mạnh dạn đầu tư khâu bảo quản, chế biến các loại trái cây khác như: ca cao, bưởi da xanh... Điển hình như: Cơ sở Hương Miền Tây ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, chuyên thu mua, sơ chế, đóng gói và vận chuyển 1.500-2.000 tấn bưởi da xanh/năm, tiêu thụ tại Hà Nội. Từ năm 2007, cơ sở xuất khẩu được bưởi da xanh sang Đức, Nga, Canada... và hiện duy trì sản lượng xuất khẩu khoảng 20 tấn bưởi/tháng. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cơ sở đã xây dựng nhà máy xử lý, đóng gói trái cây công suất 16 tấn/ngày, kho tạm trữ khoảng 100 tấn và kho đông lạnh chứa thường xuyên 40 tấn có thể bảo quản bưởi tốt trong 60 ngày. Tổng mức đầu tư xây dựng này hơn 6 tỉ đồng (tỉnh Bến Tre hỗ trợ 300 triệu đồng)...

Ngoài ra, thời gian qua, các viện, trường trong vùng và cả nước cũng có nhiều nghiên cứu, hỗ trợ nông dân trong khâu thu hoạch, bảo quản... Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã xác định thời gian thu hoạch thanh long, nâng thời gian tồn trữ loại trái này từ khoảng 4 tuần lên 6-8 tuần, thời gian đủ để vận chuyển sang châu Âu và Mỹ bằng đường biển, giảm nhiều chi phí so với vận chuyển bằng máy bay. Đồng thời, Viện còn hỗ trợ các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... dựng nhà máy, cơ sở đóng gói trái cây theo các tiêu chuẩn ATVSTP... Trường Đại học Cần Thơ xây dựng bảng màu trái cây, giúp nông dân thu hoạch đúng thời điểm, gia tăng chất lượng, bán được giá...

CẦN THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, người có nhiều kinh nghiệm trong việc thu mua vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, tiêu thụ tại các tỉnh, thành miền Bắc và xuất khẩu, cho biết: Chỉ ngay việc thu hoạch và bảo quản trái cây không đúng cách đã làm cho chất lượng trở nên khác hẳn và giá bán rất thấp. Cụ thể, đối với trái vú sữa Lò Rèn loại 1, HTX thu mua 39.000 đồng/kg, loại 2: 34.000 đồng/kg và loại 3: 29.000 đồng/kg. Nhưng nếu nhà vườn khi thu hoạch không cắt tỉa cuống lá, đóng bao gói ngay tại vườn thì chỉ bán được từ 19.000-20.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Hoa ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây ăn trái, nhất là bưởi da xanh, cho rằng: Trước đây, việc sản xuất trái cây chủ yếu phục vục tự cung, tự cấp. Còn nay, sản xuất theo kiểu hàng hóa, phục vụ xuất khẩu, nông dân cần phải tiên phong trong việc nắm bắt khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất để gia tăng năng suất, mẫu mã, chất lượng...

Theo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, nhà vườn cần biết rằng, để cạnh tranh được trong thời buổi hội nhập hiện nay, trái cây phải ngon, an toàn, chất lượng đồng đều, bán có giá, nhất là phải có đủ sản lượng cung cấp xuyên suốt trong năm. Muốn vậy, ngoài việc phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm, nhà vườn phải chủ động xây dựng các mô hình hợp tác, HTX, liên kết với doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trái cây đặc sản. Trái cây phải được sản xuất theo các qui trình sản xuất an toàn như: GlobalGap, VietGap...; phải được đóng gói theo tiêu chuẩn ATVSTP. Về phía doanh nghiệp, ngoài chủ động liên kết với nhà vườn, xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây đặc sản, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà đóng gói, xử lý, bảo quản sau thu hoạch và tồn trữ, vận chuyển sản phẩm đến thị trường tiêu thụ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, cho biết: “Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các viện, trường ở ĐBSCL đang trình Chính phủ một chương trình liên kết vùng ĐBSCL, nhằm xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến trên lúa, cá, tôm và trái cây... Chương trình này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái chủ lực của vùng ĐBSCL trong thời gian tới...”.

Các địa phương nên có dự án phát triển vùng chuyên canh trái cây đặc sản, dự án này phải có những hỗ trợ về giá cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn. Để hỗ trợ HTX phát triển, các địa phương nên hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở, nhà đóng gói (có kho mát), thông tin thị trường... Trung ương cần có dự án quy hoạch tổng thể việc sản xuất trái cây cấp quốc gia, từ đó từng tỉnh tùy theo điều kiện đặc thù có quy hoạch cho hợp lý và khả thi. Đồng thời, nhanh chóng ký Hiệp định kiểm dịch thực vật với Mỹ, Nhật, Úc... để có trái cây (như xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi)có visa xuất đi các nước này; đầu tư xây dựng Trạm Kiểm tra MRLs (mức dư lượng tối đa cho phép) trên cây ăn quả ở các vùng sinh thái để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Các nhà khoa học phải giúp nông dân bằng cách nghiên cứu các giống cây ăn trái mới, có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng của vùng, miền; xây dựng qui trình, kỹ thuật canh tác có hiệu quả hơn, đạt tiêu chuẩn ATVSTP...

VĂN CÔNG-ANH KHOA

Chia sẻ bài viết