24/12/2012 - 21:18

Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ?

Ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội thảo "Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp".

Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đào tạo nghề được coi là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm tạo ra đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, theo các đơn vị sử dụng lao động, đào tạo nghề ở các trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. "Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo nghề?"- là vấn đề được tập trung bàn luận tại Hội thảo "Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp", do Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ vừa tổ chức.

Thừa thầy, thiếu thợ

Ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ, cho biết: ""Bệnh" khoa cử vẫn còn phổ biến trong xã hội, với tâm lý thích làm "thầy" hơn "thợ". Nhiều người chọn đại học là ưu tiên số một, kế đó là cao đẳng và cuối cùng mới đến trường nghề. 1/3 số học sinh rớt đại học không vào cao đẳng mà đợi năm sau để dự thi đại học". Ông Sơn cũng cho rằng, học sinh, sinh viên (HSSV) đang học tại trường có 3 đối tượng: thích học nghề; thi rớt đại học rồi vào trường nghề và trường hợp không còn con đường nào để học buộc phải vào trường nghề. Chính vì thế, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề ở các trường nghề nói chung, CĐ Nghề Cần Thơ nói riêng hết sức khó khăn. Kỳ tuyển sinh năm 2012, dù trường CĐ nghề Cần Thơ tuyển sinh bậc cao đẳng đạt trên 93% chỉ tiêu nhưng ở bậc trung cấp nghề đạt chưa đến 30% chỉ tiêu. Nhiều ngành CĐ đành phải đóng cửa vì không tuyển đủ số lượng sinh viên như: Bảo trì thiết bị cơ điện, Hàn, May thời trang, Điện công nghiệp. Trong khi đó, HSSV tốt nghiệp những ngành này, tìm việc làm khá dễ dàng.

Chuyện thừa thầy, thiếu thợ vốn không có gì mới và đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông Võ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đức, nói: "Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đã có nhiều năm nay, nhất là nghề Cơ khí cắt gọt kim loại. Công ty chuyên sản xuất bao bì, nhựa... nên rất cần thợ làm khuôn. Song, chúng tôi tìm khắp Cần Thơ vẫn không có người nên phải tốn cả tỉ đồng để đi TP Hồ Chí Minh thực hiện công đoạn này. Để làm được khuôn, cần người lao động biết điều khiển máy CNC, đọc bản vẽ 3D trên máy CNC". Theo ông Bảo, so với TP Hồ Chí Minh, ngành cơ khí tại TP Cần Thơ không thua kém về máy móc hiện đại nhưng lại thiếu người sử dụng máy móc hiện đại. Ông Bảo khẳng định: "Tôi sẵn sàng hỗ trợ mọi chi phí đưa người lao động học cách vận hành máy CNC, kể cả trả lương hằng tháng nhưng vẫn chưa tìm được người".

Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty hoạt động ở TP Cần Thơ tham dự Hội thảo cũng có cùng ý kiến. Nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành cơ khí đã đến tận trường để "đặt hàng" HSSV, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu. Qua thống kê của Trường CĐ Nghề Cần Thơ, hằng năm, trường có trên 80% HSSV ra trường tìm được việc làm; trong đó một số ngành 100% HSSV tốt nghiệp có việc làm như: cơ khí cắt gọt kim loại, hàn, tiện...

Thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng "mềm"

Ông Trần Văn Tương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp TP Cần Thơ, nói: "Nhiều năm qua, công ty nhận HSSV ở các trường nghề, trong đó có Trường CĐ nghề Cần Thơ. Nhìn chung trình độ chuyên môn, văn hóa của HSSV đáp ứng nhu cầu của đơn vị nhưng kỹ năng thực hành còn hạn chế". Ông Tô Văn An, Giám đốc Công ty Cổ phần May MêKô, cũng cho rằng: "Công ty hiện có khoảng 2.000 công nhân. Trong đó, có 30 HSSV Trường CĐ Nghề Cần thơ. So với trước đây, trình độ và tay nghề của HSSV trường nghề nâng lên rõ nét, nhiều em sử dụng vi tính thành thạo. Thế nhưng, các em còn hạn chế về kỹ năng thực hành, nhất là khả năng ứng phó trước những sản phẩm mới của công ty".

Trong chương trình đào tạo ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề có khoảng 30% là phần "mềm", 70% chương trình "cứng" do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội qui định. Tùy theo đặc thù, từng trường phân bổ chương trình đào tạo phù hợp. Đối với các chương trình đào tạo nghề, tỷ lệ lý thuyết và thực hành là 30:70. Điều đó có nghĩa HSSV ở các trường nghề sẽ thực hành nhiều hơn so với học lý thuyết. Tuy vậy, theo đánh giá của các doanh nghiệp, HSSV trường nghề vẫn chưa thực sự giỏi nghề, lại thiếu kỹ năng "mềm" (tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp…). Do đó, khi tuyển dụng HSSV, doanh nghiệp phải đào tạo lại, hiệu quả công việc chưa cao. Theo ông Võ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đức, nhà trường cần phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng thời lượng thực hành, thực tập cho HSSV. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, đề xuất: "Trong chương trình đào tạo, các trường ít quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho HSSV nên các em ra trường gặp nhiều hạn chế, khó thích ứng với công việc. Vì thế, ngoài việc tăng cường đầu tư trang thiết bị thực hành, thực tập, trường cần lồng ghép học phần kỹ năng "mềm" vào chương trình đào tạo".

Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, những vấn đề đặt ra là hạn chế mà trường cần khắc phục. Để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã đầu tư các dự án trọng điểm cho một số trường nghề; trong đó có Trường CĐ Nghề Cần Thơ. Theo đó, trường sẽ nhận nhiệm vụ đào tạo 6 nghề ở 3 cấp độ (tiêu chuẩn quốc tế, Asean và toàn quốc). Tùy theo mỗi cấp độ, kinh phí đầu tư cho mỗi nghề hàng chục tỉ đồng, từ quỹ chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian thực hiện từ năm 2011-2015. Đây là tín hiệu vui để trường hiện đại hóa trang thiết bị thực hành, thực tập. Ông Sơn nhấn mạnh: "Sắp tới, trường sẽ tiếp tục bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, theo định hướng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực phát triển thành phố".

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết