02/01/2012 - 10:55

Làm gì để giữ vững diện tích lúa ở ĐBSCL?

* THANH HUY

Bài cuối:  CHÚ TRỌNG NÂNG CAO LỢI ÍCH NGƯỜI TRỒNG LÚA!

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết rất quan trọng là phải giữ 3,8 triệu héc ta đất lúa. Các chuyên gia, nhà quản lý nhận định, mối quan tâm hàng đầu là phải sớm có giải pháp nâng cao thu nhập, lợi ích, đời sống cho người trồng lúa, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn...

Mô hình nông hộ nhỏ-cánh đồng lớn

“Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL  - mô hình mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV 

Một báo cáo gần đây cho thấy, Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp ngày càng ít. Ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP hơn 20% nhưng theo kiểm tra của Quốc hội, việc đầu tư lại chưa tới 7%, không tương xứng với sự đóng góp và tiềm năng. Do vậy, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn yếu kém. Đời sống nông thôn chậm phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao.

Cái khó hiện nay là nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với nhiều loại giống lúa khác nhau chủ yếu theo kiểu “đủ ăn dư thì bán” nên không ai đặt hàng. Cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra... Ngành nông nghiệp đã thấy được những bất cập này và đang triển khai, nhân rộng đưa ra giải pháp là: “nông hộ nhỏ cánh đồng lớn” hay còn gọi là mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Mô hình này trên cơ sở huy động sự liên kết hợp tác của các nông hộ với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, trên 1 cánh đồng hàng trăm, hàng ngàn héc ta cùng canh tác 1 loại giống hoặc 1 nhóm giống cùng đặc tính, áp dụng các quy trình kỹ thuật: 3 giảm 3 tăng, 1 phải - 5 giảm... hoặc tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. Tham gia mô hình này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm giá thành, giảm các chi phí trung gian; được bao tiêu sản phẩm (hoặc gởi lưu kho chờ giá). Ngược lại, doanh nghiệp có được sản lượng lúa lớn, chất lượng cao, đồng bộ, thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, chủ động nguồn hàng xuất khẩu, bán giá cao.

Chỉ mới phát động trong vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua, ĐBSCL có hơn 6.400 hộ tham gia với diện tích 8.200ha (riêng vụ hè thu là 7.800ha), kết quả hết sức khả quan. Tại Đồng Tháp, nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn thu hoạch đạt năng suất 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 16-18 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng thêm cho nông dân so với diện tích ngoài mô hình gần 2,5 triệu đồng/ha. Giá thành sản xuất lúa giảm so với ngoài mô hình từ 120-300 đồng/kg và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 1,7-2,5 lần/vụ. Hàng ngàn nông dân Trà Vinh, Long An, An Giang tham gia cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả rất cao, nhiều diện tích năng suất hơn 7 tấn/ha; lợi nhuận từ 25-28 triệu đồng/ha... Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phấn khởi: “Kết quả bước đầu như thế là rất tốt. Quan trọng nhất là mô hình được sự đồng thuận của bà con nông dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS), Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)... mạnh dạn đầu tư, lãi suất 0% hướng đến lợi nhuận cho người trồng lúa.

Năm 2012, ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL mở rộng mô hình nông hộ nhỏ-cánh đồng lớn lên 20.000-30.000 ha và mục tiêu đến năm 2015 là 1 triệu ha, gắn với việc xây dựng nông thôn mới... Theo tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nông dân cần phải liên kết lại, góp đất với những hộ kế bên để hình thành những cánh đồng lớn hàng ngàn héc ta. Khi đó, máy cày, máy gặt đập liên hợp... mới hoạt động hiệu quả. Để nông dân yên tâm sản xuất trên những cánh đồng lớn thì rất cần sự hỗ trợ có hiệu quả của Nhà nước. Sự hỗ trợ ấy thể hiện qua việc lựa chọn và liên tục rà soát những doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín để làm đối tác với nông dân. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, nhấn mạnh: Vấn đề cần phải giải quyết tốt hơn là khâu phơi sấy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Đây là mối liên kết quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất và chế biến lúa gạo. Chính quyền cần hỗ trợ nông dân liên kết, tập huấn kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng gắn kết chặt với chương trình nông thôn mới.

Chính sách cho người trồng lúa

Các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học nhận định: Ở các nước trên thế giới, nơi nào không thể trồng lúa được, họ mới làm khu công nghiệp, sân golf... Còn nhiều nơi ở nước ta thì ngược lại, nơi nào thuận lợi đường thủy, đường bộ; thậm chí nhiều diện tích đất biền (đất gần sông, đang trồng lúa tốt) thì dành làm công nghiệp, gây lãng rất phí lớn. Đất lúa bị mất ngày càng nhiều là một thực tế đáng báo động. Trước đây, diện tích đất sản xuất lúa cả nước hơn 4 triệu ha, giờ còn 3,8 triệu ha. Khi bị đô thị hóa, người nông dân sẽ rất khó chuyển đổi nghề nghiệp vì họ đã quen tác phong nông nghiệp, nên việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa là rất đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Quan trọng là việc liên kết vùng trong quy hoạch, kiểm tra, giám sát, bảo vệ diện tích trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và đời sống nông dân càng trở nên vô cùng quan trọng. Không nhất thiết địa phương nào cũng phải có sân golf, các KCN cũng không nên na ná nhau... dẫn đến tốn hao và lãng phí lớn nguồn đất nông nghiệp... Việc giữ gìn tốt đất lúa cũng là cách cho các ngành khác như công nghiệp phải biết tiết kiệm nguồn đất, tránh lãng phí.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Bao năm qua, người nông dân làm ra hạt lúa cho hàng chục triệu người có bát cơm ngon, đảm bảo an ninh lương thực; giúp Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo. Nhưng nhìn lại chính họ là những thành phần nghèo nhất. Tại miền Bắc đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng. Còn ở miền Nam, nếu làm ruộng thu nhập thấp, không sống nổi hoặc không thể chuyển sang trồng cây khác, hay mục đích khác trong tương lai, thanh niên sẽ kéo nhau lên thành thị làm công. Do vậy, cần phải sớm có chính sách cho người trồng lúa để người trồng lúa an tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sống từ mảnh ruộng của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững...”.

Chia sẻ bài viết