16/04/2022 - 11:12

Làm chủ đời mình 

Vì nhiều lý do, sau khi lập gia đình, một số phụ nữ chấp nhận gián đoạn công việc, sự nghiệp của mình để lui về "tề gia nội trợ". Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp ỷ lại, sống dựa dẫm vào chồng. Thực tế cho thấy, khi người phụ nữ không tự chủ được kinh tế, sẽ dần thiếu tự tin, tụt hậu và nếu gia đình xảy ra biến cố, chỗ dựa lung lay, thì càng chật vật hơn…

Chuyên tâm nội trợ

Chị Thanh Cảnh (bên trái) phát triển nghề làm bánh tráng khá thành công, giúp chị tự tin, có cuộc sống ổn định.

Chị Thanh Cảnh (bên trái) phát triển nghề làm bánh tráng khá thành công, giúp chị tự tin, có cuộc sống ổn định.

Thời con gái, chị H.Đ (quê ở Hậu Giang) rất năng động. Chị vừa quản lý một quán cà phê điểm tâm khá hút khách, vừa làm đại lý bảo hiểm nhân thọ. Sau khi kết hôn, chồng chị kinh doanh cơ sở sản xuất bánh kẹo nên chị dừng lại mọi việc, ở nhà nội trợ, toàn tâm toàn ý lo gia đình để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp. Ban đầu, chị H.Đ dự tính lo chuyện nhà vài năm, khi con lớn thì sẽ quay lại công việc, nhưng rồi mỗi ngày bận bịu với guồng quay gia đình khiến chị khó thực hiện dự định ban đầu.

Chị Ng.Th.S (ở Cái Răng) trước kia là giáo viên tiếng Anh. Chị lập gia đình với một chủ doanh nghiệp ngành xây dựng đang ăn nên làm ra. Chị S bộc bạch: “Công việc của chồng thường xuyên theo những công trình, gặp gỡ đối tác, ít thời gian ở nhà. Thu nhập của anh khá cao, còn lương tôi thì ít ỏi. Vì vậy, khi anh khuyên nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ, tôi đã đồng ý ngay”.

Chị Ng.H hiện sinh sống và làm việc tại TP Cần Thơ chia sẻ, trước kia chị làm công chức nhà nước. Lập gia đình, chồng chị vốn là một nhân viên ngân hàng rất xuất sắc, đang được đề bạt làm trưởng phòng một chi nhánh, phải chuyển công tác về tỉnh. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, chị đành chọn phương án nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con nhỏ và mẹ chồng để anh yên tâm nhận công tác xa. 

Biến cố và thay đổi

Cách đây 3 năm, chồng chị S làm ăn thất bại, phải bán căn nhà ở Cái Răng, gia đình dọn về Bình Thủy thuê trọ. Điều đáng buồn là sau khi bán căn nhà từng chất chứa biết bao kỷ niệm nhưng vẫn không giải quyết hết nợ nần, khiến chồng chị thay đổi, tính tình trở nên nóng nảy, thường xuyên la mắng vợ con vô cớ. Biến cố thật sự đến với gia đình khi chồng chị S lâm bệnh nặng và mất cách nay 1 năm. Lúc này, chị S một nách hai con, vừa ôm số nợ lớn, vừa chưa biết xoay xở ra sao để lo cho tương lai các con. Chị tìm tới những nơi đã từng cộng tác để xin việc nhưng do trước kia chị nghỉ việc “ngang hông”, để lại ấn tượng không tốt nên tất cả đều khéo léo từ chối với lý do đã đủ người. Hiện chị S vẫn đang tiếp tục tìm việc nhiều nơi để bắt đầu lại cuộc sống mới, dù phía trước còn nhiều khó khăn thử thách…

“Mặc dù chồng đối xử với tôi rất tốt, hằng tháng tiền lương anh đều giao cho tôi tích lũy nhưng nhìn chồng thăng tiến từ vị trí trưởng phòng lên giám đốc chi nhánh trong 5 năm, con gái cũng vào lớp 1 mà tôi vẫn ở nhà chăm con, nội trợ, đôi lúc tôi có cảm giác bất an. Qua người quen, tôi biết được chồng có mối quan hệ khá thân thiết với một nữ đối tác trẻ trung và rất giỏi giang, tôi càng lo lắng. Nhất định tôi phải thay đổi” - chị H chia sẻ. Không muốn để bản thân tụt hậu, chị H chủ động trang bị kiến thức ngoại ngữ, tài chính ngân hàng, các kỹ năng cần thiết thông qua các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn. Chị tìm hiểu, nộp đơn xin làm chuyên viên pháp lý cho một ngân hàng và trúng tuyển. Trở lại công việc sau gần 6 năm chuyên tâm nội trợ, chị H đối mặt với không ít khó khăn vì môi trường làm việc năng động, chị phải học hỏi và thích nghi. Tuy vậy, chị cảm thấy rất vui, vợ chồng cũng khắn khít hơn và quan trọng là chị thấy tự tin khi sánh bước cùng chồng.

Gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc kinh doanh của chồng chị H.Đ không thuận lợi. Số tiền mà anh “chu cấp” để chị H.Đ lo sinh hoạt phí gia đình bị cắt giảm nhiều, khiến chị  tủi thân nhưng một mặt chị nhận ra đến lúc mình phải thay đổi. Chị sắp xếp thời gian làm công việc nhà, chăm con thật khoa học để đi xin việc. "Dù biết rằng vừa đi làm, vừa chăm lo gia đình, sẽ gặp nhiều áp lực nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để có thêm thu nhập, góp cùng chồng trang trải chi phí sinh hoạt; đồng thời tôi cũng có thể tự tin khi có việc làm phù hợp, không phải sống dựa dẫm vào người khác" - chị H.Đ tâm sự.

Trước kia, chị Nguyễn Thị Thanh Cảnh, ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cũng chỉ ở nhà nội trợ, kinh tế phụ thuộc vào chồng. Sau này, khi biến cố gia đình xảy ra, chồng chị bị bệnh, không thể lao động, chị được cán bộ Hội phụ nữ phường Thuận Hưng động viên, hỗ trợ vay vốn để làm lại nghề làm bánh tráng thời con gái. Sau này, chồng chị mất, nhờ có nghề bánh mà chị có thể lo cho hai con ăn học. Theo chia sẻ của chị Thanh Cảnh, người phụ nữ dù trong hoàn cảnh nào, cũng cần có công việc ổn định. Suy nghĩ của chị Cảnh cũng là suy nghĩ chung của nhiều phụ nữ hiện đại ngày nay. Đó không hẳn phải là sự nghiệp lớn lao, chỉ cần là công việc mà bản thân người phụ nữ cảm thấy yêu thích, phù hợp, có thu nhập để tự tin hòa nhập vào môi trường cuộc sống hiện đại, không còn suy nghĩ sống an phận, dựa dẫm, phó thác hạnh phúc, cuộc đời của mình vào hôn nhân, vào chồng.

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết