24/04/2013 - 21:51

TP CẦN THƠ

Kỳ vọng xuất khẩu gạo

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt. Ảnh: MINH HUYỀN

Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo được đánh giá ít thuận lợi trong những tháng đầu năm 2013, song kết thúc quý I, sản lượng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp (DN)  ở TP Cần Thơ đạt 160.000 tấn với kim ngạch thu về 80 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2012 và chiếm tỷ trọng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Hiện nay, các DN xuất khẩu gạo đang nỗ lực ký kết hợp đồng tiêu thụ cho vụ đông xuân và cho cả năm 2013.

* Thị trường xuất khẩu trầm lắng

Thực hiện Quyết định số 311/QĐ-TTg (ngày 7-2-2013) của Thủ tướng Chính phủ về mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2012-2013, TP Cần Thơ có 19 DN được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu tạm trữ với 135.000 tấn quy gạo. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Nằm trong kế hoạch thu mua tạm trữ gạo của Chính phủ, công ty được giao chỉ tiêu mua tạm trữ 8.000 tấn gạo. Tính đến ngày 15-3, công ty đã hoàn thành xong chỉ tiêu được giao, đồng thời thu mua trực tiếp cho nông dân thêm 27.000 tấn lúa. Nhờ chính sách này, giá thu mua lúa đã có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng có lợi cho người nông dân. Giá mua vào thời điểm ban đầu thực hiện chính sách tạm trữ là 5.300 đồng/kg (lúa thường), 5.950 đồng/kg (lúa thơm) sau đó tăng lên 5.500-5.600 đồng/kg (lúa thường), 6.100-6.300 đồng/kg (lúa thơm)”.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, cuối tháng 3, các DN trên địa bàn được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ đã hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân đã đưa giá lúa gạo tăng nhẹ, bình quân từ 50-200 đồng/kg. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ đông xuân 2012-2013, các DN xuất khẩu gạo tham gia tạm trữ được Chính phủ hỗ trợ vốn vay ngân hàng với lãi suất bằng 0% trong 3 tháng thực hiện thu mua tạm trữ lúa, gạo. Điều này giúp các DN chủ động nguồn vốn để tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Hiện nay, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Khu vực Cần Thơ đã thực hiện tốt chức năng được Bộ Công thương giao, giúp các DN xuất khẩu thuận lợi trong việc lập và xác nhận hồ sơ để hưởng ưu đãi thuế quan, góp phần tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thế giới”.

Trong quý I, sản lượng xuất khẩu gạo của các DN tại TP Cần Thơ gần 160.000 tấn, đạt 18,6% kế hoạch năm và tăng 25% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu đạt 80 triệu USD, đạt 20,7% kế hoạch năm, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2012, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Theo các DN, tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2013 ít thuận lợi do giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan cạnh tranh hơn gạo của Việt Nam. Ngoài ra, ở quý I, các khách hàng nước ngoài còn thăm dò và theo dõi diễn biến giá cả nên chưa quyết định ký hợp đồng với lượng lớn. Giá sàn xuất khẩu gạo của Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng giảm theo giá của thế giới. Giá gạo xuất khẩu hiện ở mức 410USD/tấn (gạo 5% tấm) và 365USD/tấn (gạo 35% tấm), giảm bình quân 30-50USD so với cùng kỳ 2012. Vì vậy, các DN xuất khẩu gạo đang tích cực tìm kiếm hợp đồng thương mại mới. Theo tính toán của các DN, sang quý II, nhu cầu gạo tại các thị trường tập trung, truyền thống (Philippines, Indonesia, Malaysia) sẽ tăng trở lại. Bởi các nước này vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo nhưng do biết được thời vụ thu hoạch tập trung của Việt Nam nên chưa ký kết hợp đồng mà còn “đắn đo”.

* Khởi sắc…

Đầu tháng 4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin vừa trúng thầu hợp đồng xuất khẩu tập trung 187.000 tấn gạo 25% tấm sang thị trường Philippines, với giá 459,75USD/tấn, thời gian giao hàng từ tháng 4 đến tháng 6-2013. Mức giá này khá cao trong khi giá gạo cùng loại trên thị trường thế giới chỉ 365USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến trong quý II, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2,2 triệu tấn gạo, riêng tháng 4 sẽ xuất khẩu khoảng 800.000 tấn. Hiện, Hiệp hội đang khuyến khích các doanh nghiệp đàm phán với các thương nhân để ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo theo mức giá sàn Hiệp hội đưa ra, tránh tình trạng “phá giá” đưa giá lúa xuống thấp. Ngoài ra, Hiệp hội và Chính phủ cũng đang cố gắng ký kết hợp đồng tập trung nhất là đối với các thị trường truyền thống.

Thời gian qua, để giảm thiểu những thiệt hại trong quá trình canh tác và giúp nông dân tăng thu nhập, ngành nông nghiệp thành phố tập trung nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL). Đây cũng là hướng đi mới cho xuất khẩu gạo ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt, cho biết: “Mô hình CĐL đem lại lợi ích rất lớn cho nông dân lẫn doanh nghiệp. Điển hình như mô hình CĐL ở Vĩnh Thạnh, do ký hợp đồng từ trước nên đối với giống Jasmine 85 công ty mua 5.200 đồng/kg, trong khi ngoài mô hình công ty chỉ mua với giá 4.800 đồng/kg. Về phía doanh nghiệp, khi tham gia vào CĐL, nhờ đầu tư khá khép kín, công ty nắm rõ nguồn gốc sản phẩm từ hạt lúa đến khi thành phẩm. Với sản phẩm gạo đảm bảo chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc, doanh nghiệp có thể “mặc cả” với các đối tác nước ngoài”.

Theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, dự đoán sang quý II, tình hình xuất khẩu sẽ có nhiều triển vọng hơn. Lúa đông xuân đã thu hoạch dứt điểm, nguồn lúa ngoài đồng cạn kiệt, nguồn cung giảm sẽ làm giá lúa cũng như giá gạo xuất khẩu tăng. Song song đó, thị trường xuất khẩu đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam ký kết được những hợp đồng mới. Các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay nên DN sẽ tiếp cận vốn dễ dàng hơn để triển khai tiếp tục mua lúa cho nông dân. Vấn đề còn lại là địa phương cần có những hỗ trợ quyết liệt cho người nông dân trồng lúa trong bối cảnh thị trường biến động liên tục.    

MINH HUYỀN - MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết