18/03/2012 - 20:00

Doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo

Kỳ vọng giá lúa sẽ còn tăng !

Nhiều nông dân đang hy vọng giá lúa sẽ còn tăng. Trong ảnh: Gia đình bà Phạm Thị Chín (ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đang cho lúa đã phơi khô vào bao.

Từ ngày 15-3-2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai cho các doanh nghiệp thành viên thực hiện việc mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân năm 2011 - 2012 (thực hiện từ 15-3 đến 30-4-2012). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ, thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15-3 đến 15-6-2012. Những ngày qua, thị trường đã chuyển biến tích cực khi giá lúa gạo tăng nhẹ sau một thời gian dài sụt giảm mạnh...

Giá lúa gạo tăng

Sau một thời gian liên tục bị giảm, hiện giá nhiều loại lúa gạo tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại từ 200-300 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần. Giá lúa tươi IR50404 tại nhiều địa phương từ ở mức chỉ khoảng 4.000-4.200 đồng/kg, nay thương lái đến tận ruộng mua mức 4.300-4.400 đồng/kg; giá lúa IR50404 đã phơi sấy khô cũng tăng từ 4.900-5.000 đồng/kg lên 5.200-5.300 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa hạt dài (đã phơi sấy khô) đang ở mức 5.600-5.800 đồng/kg, lúa thơm 7.200-7.300 đồng/kg. Giá gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu loại gạo làm thành gạo 25% tấm được nhiều doanh nghiệp mua mức 6.750 -6.800 đồng/kg, loại gạo lứt làm thành gạo 5% tấm có giá 7.300-7.400 đồng/kg.

Nhiều nông dân ở TP Cần Thơ cho biết, đến thời điểm này việc tiêu thụ lúa gạo có phần dễ hơn trước, nhiều hàng xáo hỏi mua lúa hơn và nông dân bớt lo lúa tồn đọng khó tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng giá lúa vẫn còn thấp và mức lợi nhuận mà họ đạt được chưa cao, nhất là những nông dân làm giống lúa IR50404. Ông Đặng Hữu Tâm, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Bữa hỗm giá lúa IR50404 khô chỉ 4.900-5.000 đồng/kg, nay đã có thương lái hỏi mua với giá 5.200 đồng/kg, nhưng với giá này còn lời meo lắm, chỉ lời khoảng hơn 1,6 triệu đồng/công. Vụ này, gia đình tôi làm 10 công lúa sạ giống IR50404, tổng sản lượng lúa đạt khoảng 7 tấn. Tôi đã phơi lúa khô rồi nhưng chưa bán vì thấy giá còn thấp, tính để lại chờ giá tăng thêm chút ít mới bán”. Bà Phạm Thị Chín, ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà nước cho mua tạm trữ lúa gạo, tôi thấy giá lúa không còn giảm nữa mà đã tăng nhẹ, cũng bớt lo lúa gạo khó tiêu thụ. Tôi có 2,5 công ruộng, vụ này sạ giống OM 2514, năng suất đạt khoảng 40 giạ/công. Vụ này chi phí sản xuất đầu vào tăng, tổng chi phí khoảng 2,8 triệu đồng/công, nếu bán với giá 5.600 đồng/kg, mỗi công lúa tôi lời chưa tới 2 triệu đồng. Tôi sẽ neo lúa thêm vài ngày nữa coi giá có tăng thêm không, nếu không chắc tôi cũng phải bán vì thiếu nợ tiền phân bón đã tới hạn phải trả”.

Theo ông Lê Văn Bảy (ở khu vực Tân Phước, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), vụ này 10 công lúa thơm Jasmine của ông cho năng suất hơn 35 giạ/công, lúa đang phơi đã có thương lái hỏi mua giá 7.200 đồng/kg, cao hơn 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tính ra ông có lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công. Ông Bảy đã quyết định bán lúa để tập trung lo sản xuất vụ hè thu 2012.

Giá lúa sẽ còn tăng?

Không ít nông dân tin tưởng rằng giá lúa sẽ còn tăng trong thời gian tới nên có tâm lý chưa vội bán, chờ giá tăng thêm. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo đã tỏ ra thận trọng hơn và cho biết, thời điểm này họ mua lúa tới đâu xay gạo bán tới đó chứ không dám trữ chờ giá.

Theo Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, hiện công ty không chỉ thu mua gạo theo chỉ tiêu tạm trữ do Hiệp hội lương thực Việt Nam giao, mà còn mua thêm một lượng gạo lớn nhằm đảm bảo cho các đơn hàng và kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Năm 2012, Công ty dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 260.000 tấn gạo các loại. Công ty hiện đã có đầu ra cho khoảng 70.000 tấn gạo...

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo, tình hình giá lúa gạo trong thời gian tới vẫn đang là điều rất khó đoán bởi còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra xuất khẩu và tình hình giá gạo trên thế giới. Xét về ngắn hạn, trong thời gian các doanh nghiệp thực hiện việc mua tạm trữ, giá lúa gạo được dự đoán sẽ khó có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giá lúa chỉ có thể tăng mạnh khi thị trường xuất khẩu gạo sớm được khai thông. Hiện tại, VFA và nhiều doanh nghiệp chỉ cam kết không để giá lúa rớt xuống mức giá thấp hơn 5.000 đồng/kg, chứ chưa có cam kết mua với mức giá cao hơn mức giá này. Hơn nữa, mức giá cam kết trên là giá áp dụng mua lúa tại kho của doanh nghiệp, trong khi đó hiện phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu thu mua gạo thông qua các thương nhân và hàng xáo, chứ chưa thực hiện được việc mua lúa trực tiếp từ nông dân. Ngoài ra, hiện lượng lúa gạo được dự kiến mua tạm trữ vẫn còn khá nhỏ so với sản lượng lúa gạo chung của vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Thành Nam, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Hàng xáo luôn căn cứ vào giá thu mua gạo của doanh nghiệp để mua lúa của nông dân, doanh nghiệp có tăng giá mua gạo lên, hàng xáo mới dám tăng giá mua lúa. Hiện nay, nguồn cung lúa gạo hàng hóa trong dân còn rất nhiều, đặc biệt vụ đông xuân này các loại lúa cấp thấp (như giống lúa IR50404) được gieo sạ rất nhiều, do vậy nông dân nên cân nhắc, không nên “hét” đòi giá quá cao, nếu thấy giá lúa đảm bảo có lời nên tranh thủ cơ hội để tiêu thụ, nhất là khi các điều kiện trữ lúa chưa đảm bảo”.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở TP Cần Thơ, gần đây thị trường xuất khẩu gạo tuy có thuận lợi hơn trước khi một số thị trường tiêu thụ lúa gạo ở châu Á được mở rộng. Tuy nhiên, đầu ra lúa gạo xuất khẩu chủ yếu đang tập trung nhiều vào các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Thị trường gạo cấp thấp vẫn chưa có nhu cầu nhiều và gạo cấp thấp của Việt Nam vẫn đang chịu sự cạnh tranh mạnh bởi các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn ngán ngại thu mua các loại gạo cấp thấp vì còn lo đầu ra trong tương lai, trong khi vào thời điểm này nhiều doanh nghiệp cho rằng với giá mua và giá xuất khẩu gạo như hiện nay, doanh nghiệp hầu như không có lời. Chính vì vậy, việc Nhà nước quyết định hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 3 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thu mua lúa gạo trong nước. Dù việc tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế, nhưng hy vọng rằng nó sẽ là “đòn bẩy” giúp vực dậy giá lúa gạo trong nước, để doanh nghiệp có thời gian và điều kiện thuận lợi hơn khi thị trường xuất khẩu gạo khai thông.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết