31/01/2009 - 08:00

Hà Nội - Bình Định

Kỷ niệm trọng thể 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2009)

“Tự hào vì Tổ quốc anh hùng, tự hào vì Thăng Long - Hà Nội thiêng liêng với bề dày hàng nghìn năm văn hiến và truyền thống yêu nước mà chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây 220 năm là một trong những trang sử oai hùng nhất”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã mở đầu bài diễn văn quan trọng, khai mạc Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2009) tổ chức, sáng 30-1 (tức mùng 5 Tết Kỷ Sửu), tại Công viên văn hóa Đống Đa-Hà Nội.

Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân Thủ đô và khách thập phương. Cùng dự còn có đoàn đại biểu tỉnh Nam Định, thành phố Quy Nhơn, quận Lê Chân (Hải Phòng), thành phố Đà Nẵng. Lễ hội mở đầu bằng lễ dâng hương tại Chùa Bộc và Chùa Đồng Quang, 2 di tích quan trọng trong quần thể di tích Gò Đống Đa (phường Quang Trung-quận Đống Đa) được ghi vào sử sách cùng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Lễ hội chính thức diễn ra tại khu vực tượng đài Vua Quang Trung, với lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống và Chúc văn ca ngợi chiến công hiển hách của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, làm rạng danh truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến và Anh hùng cùng sự tiếp nối truyền thống của thế hệ hôm nay.

* Ngày 30-1 (tức 5 tết Kỷ Sửu), tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã long trọng tổ chức kỷ niệm 220 năm (1789 - 2009) chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử, với sự tham dự đông đảo của hàng ngàn cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh Bình Định.

Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đọc diễn văn kỷ niệm nêu rõ: Cách đây 220 năm vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, cuộc hành binh thần tốc của Vua Quang Trung, mà kết quả cuối cùng với chiến thắng lẫy lừng trận Ngọc Hồi - Đống Đa đã đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng đất nước. Đây là một dấu mốc lịch sử trọng đại không chỉ thể hiện thiên tài quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ, mà còn thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nó là kết tinh rực rỡ của phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, đã quét sạch bất công, thối nát của triều đại phong kiến suy tàn, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau lễ kỷ niệm là phần lễ hội sôi nổi và hoành tráng với các chương trình biểu diễn trống trận Tây Sơn; múa cờ Nghĩa khí Tây Sơn; múa võ Tây Sơn và nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp khác do các đoàn nghệ thuật của tỉnh trình diễn. Trước đó, lãnh đạo tỉnh và nhân dân trong và ngoài tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Quang Trung và Đền thờ Tam Kiệt - Bảo tàng Quang Trung.

HỒNG HẠNH - VIẾT Ý (TTXVN)

Chia sẻ bài viết