Đại dịch COVID-19 đã gây ra những đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng và kết nối giao thương trên phạm vi toàn cầu, nhưng điều không may này lại cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số nói chung và thương mại kỹ thuật số nói riêng.
Phát triển mạnh nền kinh tế số

Thế giới trong không gian giao dịch kỹ thuật số. Ảnh: Bernama
Nền kinh tế số của thế giới thật ra đã hình thành từ lâu. Năm 2017, Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) cùng Hãng Mastercard đã công bố nghiên cứu về Chỉ số phát triển kỹ thuật số nhằm theo dõi sự phát triển kinh tế kỹ thuật số và khả năng kết nối công nghệ số vào cuộc sống của hàng tỉ người dùng trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Hong Kong và Mỹ nằm trong top 10 nền kinh tế số phát triển hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Singapore, Anh, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Estonia, Hong Kong, Nhật Bản và Israel được công nhận là những nền kinh tế số tiên tiến nhờ vào sự phát triển kỹ thuật số ở cấp độ cao và tốc độ phát triển số rất nhanh. Trung Quốc, Kenya, Nga, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brazil, Colombia, Chile và Mexico là các quốc gia tuy có mức độ phát triển số tương đối thấp nhưng đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đến tháng 11-2020, nhật báo Business Times (Singapore) nhận định các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số đã mang lại tốc độ phát triển lớn nhất cho Việt Nam. Theo báo cáo khảo sát 11 thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Công ty GSMA Intelligence, Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất từ năm 2016 đến năm 2019. Việt Nam đạt được kết quả này nhờ bước tiến đáng kể trong “thành tố kết nối” của hệ thống xếp hạng sau khi ra mắt và mở rộng nhanh chóng mạng 4G (bắt đầu triển khai 5G). Ngoài ra, các thành tố khác như “nhận dạng kỹ thuật số, quyền công dân kỹ thuật số và lối sống kỹ thuật số” cũng có sự cải thiện. Trên tổng thể, Việt Nam xếp thứ 8 trong số 11 thị trường được khảo sát. Đứng đầu vẫn là 4 nền kinh tế “tiên tiến”, trong đó Hàn Quốc ở vị trí cao nhất, tiếp theo là Singapore, Úc và Nhật Bản. Theo báo cáo này thì Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Malaysia là các quốc gia “đang chuyển đổi”, còn Pakistan và Bangladesh là “mới nổi”.
Quả thật vào năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức 16%, cao nhất khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỉ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỉ USD năm 2019 và 14 tỉ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025, kinh tế số nước ta bứt phá lên 52 tỉ USD. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số, đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trước đó, Google, Temasek và Bain & Co, cũng đã ước tính đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỉ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỉ USD.
Đến tháng 10-2021, giữa lúc nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, báo Asia Times (Hong Kong) đã có bài viết nhận định Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật số. Bối cảnh dịch COVID-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống nhưng đã tạo ra chất xúc tác cho nền kinh tế số phát triển ở Việt Nam. Tờ báo này cho rằng Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Hiện Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.
Cơ hội giao thương kỹ thuật số
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung nhưng nền kinh tế số vẫn duy trì đà tăng trưởng. Vì thế giữa các nhóm quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những bước đi mới thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và thương mại kỹ thuật số. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 được tổ chức hồi tháng 9-2021 đã cam kết thực hiện một nghiên cứu về hiệp định kinh tế kỹ thuật số toàn khu vực vào năm 2023 và thống nhất bắt đầu đàm phán Hiệp định khung kinh tế số ASEAN vào năm 2025.
Ngày 26-10 vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 đã ra tuyên bố về thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của ASEAN và các Trụ cột Cộng đồng nhằm tiến hành chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng và toàn diện, đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19 và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài trước các thách thức và khủng hoảng trong tương lai.
Trước đó hồi tháng 6, Việt Nam và Singapore đã nhất trí thành lập nhóm công tác kỹ thuật chung về Đối tác kỹ thuật số, xem xét tiềm năng phát triển Hiệp định kinh tế kỹ thuật số song phương. Nếu Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên đàm phán hiệp định thương mại kỹ thuật số thế hệ mới với Singapore, thì nước ta có thể có được lợi thế cạnh tranh so với các đối tác ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan hoặc Philippines trong cuộc đua số hóa. Hiệp định này có thể đóng vai trò như một động lực để cải cách các quy định thương mại ở Việt Nam, nâng cao tiềm năng của đất nước như một trung tâm thương mại kỹ thuật số khu vực và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định này còn có thể giúp tự do hóa hơn nữa môi trường thương mại kỹ thuật số trong ASEAN.
Hơn nữa, các nước ASEAN có thể sử dụng các thỏa thuận thương mại hiện có của khu vực để áp dụng và triển khai thương mại kỹ thuật số. Một trong những thỏa thuận quy mô lớn phải kể đến là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN và các đối tác (trong đó có Trung Quốc) đã ký kết tháng 11-2020. Hàn Quốc cũng đã đề xuất ý tưởng ký kết một hiệp ước mới về thương mại kỹ thuật số với ASEAN nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi, đồng thời củng cố mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó hồi năm ngoái, Singapore cũng đã ký kết với Chile và New Zealand Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA) và Hiệp định Kinh tế kỹ thuật số Singapore - Úc (SADEA). Mặc dù được đặt tên là “Hiệp định Kinh tế kỹ thuật số”, DEPA và SADEA đều hướng tới việc tạo môi trường thương mại kỹ thuật số tự do. Một phần lớn các thỏa thuận này dành cho các vấn đề thông thường của thương mại kỹ thuật số như xác thực kỹ thuật số, lập hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, giao dịch không cần giấy tờ, bảo vệ dữ liệu cá nhân và luồng dữ liệu xuyên biên giới. Ngoài DEPA và SADEA, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác kỹ thuật số với Singapore, lần lượt vào tháng 6-2020 và tháng 6-2021. Các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số do Singapore khởi xướng được coi là mô hình tốt cho sự tham gia của Mỹ vào thương mại kỹ thuật số trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Dù vẫn tích cực trong các cuộc đàm phán về thương mại điện tử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ đến nay mới chỉ ký kết các thỏa thuận thương mại kỹ thuật số toàn diện với Nhật Bản, Mexico và Canada. Là nước không tham gia RCEP cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ảnh hưởng của Mỹ đối với các thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới tại châu Á vẫn còn hạn chế. Trung Quốc hiện đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP và điều này đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược phù hợp nhằm cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong những nước đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên nền tảng số giữa đại dịch COVID-19. Hồi tháng 5 và tháng 6-2021, sự kiện vải thiều của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang được giao dịch trên sàn thương mại điện tử đánh dấu sự thay đổi lớn trong quy trình thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở nước ta. Hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Đắk Lắk, Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Voso.vn… Vì vậy, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số được coi là cơ hội mới quan trọng cho TP Cần Thơ và các tỉnh khác ở ĐBSCL nếu có cơ chế hợp tác nâng cao năng lực kết nối và giao dịch cung ứng. |
PHÚC NGUYÊN