21/02/2019 - 20:44

Kỹ năng cho tương lai 

Không chỉ nỗ lực học tập, nhiều bạn trẻ ngày càng chú trọng hơn việc trau dồi kỹ năng mềm thông qua những hoạt động ngoại khóa. Nổi bật là các hoạt động vì cộng đồng, tình nguyện viên quốc tế hoặc tham gia các lớp tập huấn kỹ năng. Các cấp bộ Đoàn-Hội TP Cần Thơ cũng đã tổ chức nhiều sân chơi văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao… giúp bạn trẻ hoàn thiện kỹ năng mềm.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Môi trường (Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: QUỐC THÁI

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Môi trường (Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: QUỐC THÁI

Tự học để hoàn thiện

Nguyễn Thanh Hữu Duy, sinh viên ngành Dược (Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) chia sẻ, chính những hoạt động ngoại khóa, như: văn hóa - văn nghệ hoặc hoạt động tình nguyện xã hội ngoài giờ học trên lớp là sân chơi bổ ích để sinh viên rèn luyện kỹ năng. Theo Duy, tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên giải tỏa căng thẳng sau những giờ học ở giảng đường, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giúp Duy năng động hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ đó, cải thiện chất lượng học tập cũng như tích cực hơn trong các hoạt động khác. Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa Dược - Xét nghiệm, phụ trách các hoạt động tuyên truyền giúp Duy có nhiều trải nghiệm bổ ích, nhất là kỹ năng nói chuyện trước đám đông, thuyết phục, xử lý tình huống. Duy cũng học được cách lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, hoạt động Đoàn một cách khoa học, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm quản lý và làm việc theo nhóm. “Trước đây, em cũng rụt rè nhưng nhờ tham gia hoạt động Đoàn, bản thân dạn dĩ, tự tin hơn trong giao tiếp. Những kỹ năng này rất hữu ích cho nghề nghiệp tương lai của em”.

Còn với Nguyễn Hữu Nhân, sinh viên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), việc tham gia tích cực vào các hoạt động, phong trào sinh viên không chỉ giúp cậu có nhiều trải nghiệm thực tế, mà còn khám phá những năng khiếu, sở trường của bản thân. Với vai trò Liên Chi hội (LCH) trưởng LCH sinh viên Sóc Trăng, quản lý 10 Chi hội với gần 2.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Hơn 1 năm qua, việc phát động các chương trình, phong trào sinh viên thực sự là thử thách không nhỏ đối với cậu. Nhân kể, người “thủ lĩnh” sinh viên cần có kỹ năng tham mưu, kết nối với lãnh đạo địa phương, mối quan hệ xã hội rộng để huy động các nguồn lực triển khai các phong trào. Chưa kể, bản thân phải giao tiếp khéo léo, có khả năng tập hợp sinh viên tham gia các hoạt động do LCH tổ chức. Mỗi hoạt động được tổ chức thành công, Nhân lại tích lũy cho bản thân một bài học mới giúp cậu hoàn thiện kỹ năng mềm.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Theo anh Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Đô, sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn có được việc làm như ý thì đòi hỏi phải trang bị kỹ năng mềm ngay từ ghế nhà trường. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, sự cạnh tranh, tính sàn lọc trên thị trường lao động ngày càng cao. Để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, sinh viên không chỉ học tốt chuyên ngành, mà còn dành thời gian đầu tư cho kỹ năng mềm. Bản thân từng là cán bộ Đoàn-Hội khi còn là sinh viên, anh Thành cho rằng, các hoạt động, phong trào sinh viên là bài học thực tế sinh động để bạn trẻ trau dồi kỹ năng. Thông qua các hoạt động tập thể, bạn trẻ rèn luyện khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc mới, kỹ năng làm việc nhóm… Đây là những “điểm cộng” trong hồ sơ xin việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhiều bạn trẻ cũng chọn việc làm bán thời gian để rèn kỹ năng cho bản thân. Điển hình như Nguyễn Thanh Sang (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều), tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn nhưng nhờ năng khiếu, kỹ năng giao tiếp, cậu có việc làm ổn định là nhân viên kinh doanh của Samsung. Sang cho biết, thời sinh viên, cậu thường dẫn chương trình, các hoạt động văn hóa-văn nghệ cũng giỏi quản giao, dễ bắt chuyện với mọi người. Nhờ vậy, cậu có lợi thế khi làm nhân viên kinh doanh. Khách hàng khi nói chuyện với cậu đều cảm thấy “ưng bụng” nên cậu đều đạt doanh số được giao. Sang khuyên rằng sinh viên nên tham gia một một câu lạc bộ học thuật hoặc kỹ năng để giúp nhau trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm. Những công việc làm thêm, từ bán hàng, phục vụ nhà hàng hoặc công việc phù hợp với chuyên ngành được học càng tốt. Đó là môi trường làm việc thực tế để bản thân biết còn hạn chế kỹ năng nào, từ đó tự học, tự rèn để hoàn thiện hơn.

Để hỗ trợ sinh viên, thời gian qua, các cấp Hội Sinh viên TP Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Tiêu biểu như chương trình “Tác phong học đường”, lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm trong các lớp tập huấn cán bộ Đoàn-Hội. Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã thành lập 132 câu lạc bộ thể dục thể thao, thu hút trên 12.600 sinh viên tham gia. Đồng thời, tiếp nhận, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện ít nhất 2 Chương trình phát triển kỹ năng trong sinh viên: Phối hợp triển khai Dự án “Giáo dục tài chính cho sinh viên Cần Thơ” do Quỹ Citi tài trợ thông qua tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế cùng nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo kỹ năng, hướng nghiệp cho sinh viên… Bên cạnh sự đồng hành của tổ chức Đoàn-Hội, mỗi bạn trẻ cần ý thức rằng kỹ năng mềm cần quá trình tích lũy, đòi hỏi sinh viên dựa trên những khả năng của bản thân, mục tiêu trong tương lai để xây dựng lộ trình rèn luyện các kỹ năng phù hợp.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
kỹ năng mềm