PGS, TS. NGUYỄN QUỐC SỬU
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ
Ở Việt Nam, quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gần 35 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xác lập và bảo vệ quyền tài sản, trước hết đối với các tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều loại tài sản chưa có quyền tài sản rõ ràng, đặc biệt là đất đai, tài nguyên, các công trình công cộng cũng như tài sản do hệ thống cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khai thác, quản lý, sử dụng. Nếu hệ thống tài sản công này không được quản lý hiệu quả thì không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn là mảnh đất màu mỡ phát sinh “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu”, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, gây méo mó thị trường.
Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính (Trong ảnh: Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 10-5-2017) _Ảnh: TTXVN
Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý, sử dụng, cho thuê, giao dịch, mua bán liên quan đến tài sản công thường nhận được sự quan tâm rất lớn và phản ứng đa chiều của xã hội bởi sự tác động lan tỏa về lợi ích, tính phức tạp, của chúng, điển hình là hoạt động khai thác tài nguyên, hiệu quả đầu tư vốn nhà nước và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DNNN, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Có ý kiến cho rằng, những bất cập nêu trên do hai nhóm nguyên nhân: Một là, chưa rõ trách nhiệm của các chủ thể thực thi quyền tài sản công, gồm người định đoạt tài sản, người chiếm hữu hay quản lý tài sản và người sử dụng tài sản. Hai là, nội dung các quyền tài sản công chưa đầy đủ và thiếu minh định.
Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ năm khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 10) nhận định: “Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”. Nghị quyết 10 cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Thực tế đã có nhiều vụ đại án tham nhũng (thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi) có thể được xếp vào loại “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu”, như vụ Vũ “nhôm” (sai phạm về quản lý đất đai ở thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh) và vụ AVG (sai phạm ở Tổng Công ty Viễn thông Mobifone).
“Nhóm trục lợi” dựa trên quan hệ thân hữu trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần được làm rõ từ nguồn gốc phát sinh đến quá trình phát triển, từ cấu trúc đến các cơ chế vận động trước khi đề ra những giải pháp phòng, chống.
“Nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu” và một số vấn đề ở Việt Nam
Những kinh tế gia theo trường phái ủng hộ thị trường tự do và trường phái ủng hộ kế hoạch hóa nền kinh tế có những quan niệm đối nghịch, chỉ trích lẫn nhau khi luận bàn về nguyên nhân, nguồn gốc của tình trạng nền kinh tế bị chi phối bởi các “nhóm trục lợi”. Trường phái ủng hộ kế hoạch hóa luôn tin rằng, “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu” là hệ quả của chủ nghĩa tư bản thuần túy. Điều này dựa trên quan niệm rằng, những người nắm quyền lực trong tay (bất kể là chính phủ hay doanh nghiệp) đều muốn duy trì quyền lực này và cách duy nhất để bảo đảm duy trì quyền lực là tạo ra những mạng lưới liên kết giữa đại diện cho lợi ích nhóm tài phiệt trong chính phủ và doanh nghiệp thân hữu để hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi đó, trường phái ủng hộ thị trường tự do thì tin rằng, “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu” đã thoát thai từ việc nhà nước kiểm soát tuyệt đối và nắm quyền quản lý đối với các nguồn lực quan trọng của quốc gia. Nhà nước thể hiện quyền kiểm soát và quyền quản lý của mình thông qua chi phối các tập đoàn kinh tế bằng nhiều hình thức ưu đãi, chính sách thuế và trợ giúp khác nhằm đạt được các mục đích của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc nhà nước nắm quá nhiều nguồn lực khiến các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân phải sử dụng các mối quan hệ với nhà nước để khai thác các nguồn lực do nhà nước nắm giữ. Từ đó hình thành “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu” ngăn cản thị trường tự do phát huy tác dụng tích cực của nó.
Hiện nay, dường như đang có một quan niệm phổ biến trong giới doanh nhân Việt Nam rằng, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Các doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết mà còn là một cách “đầu tư” sinh lợi hiệu quả. Dự án “đầu tư” vào các quan chức bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện “chạy” chức, “chạy” quyền. Đây là mối quan hệ hai chiều: Các doanh nghiệp có thể xin phép được tài trợ, mà các quan chức cũng có thể kêu gọi tài trợ. Có nói hay không thì cả hai bên đều hiểu cam kết bất thành văn và dần trở thành quan hệ “xin - cho”. Đây có lẽ đang là cách phổ biến nhất hình thành nên hệ thống các doanh nghiệp “sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”.
Mặt khác, quan hệ thân hữu còn được hình thành theo cách tự nhiên nữa là người nhà của cán bộ có chức, có quyền đứng ra thành lập doanh nghiệp. Các chủ thể kinh doanh nhờ mối “quan hệ thân hữu” mà không cần phải đầu tư sức lực. Những doanh nghiệp này chẳng cần nhiều vốn, chẳng cần nhiều kiến thức, kỹ năng kinh doanh, chỉ cần “đón lõng” và chia phần đối với “công lao” những người giúp mình có được dự án thành công, nhất là các dự án đầu tư công.
Cách kinh doanh dựa vào “quan hệ thân hữu” đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước, đồng thời sẽ còn tiếp tục tạo ra những nguy cơ, những rủi ro chưa thể lường hết. Cụ thể(1):
Trước hết, nó làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng cải cách hành chính sẽ là chưa đủ nếu vẫn bị “quan hệ thân hữu” chi phối. Ở một vài địa phương, việc gia nhập thị trường gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong “nhóm thân hữu” hoặc ở địa phương khác đến. Các doanh nghiệp như vậy sẽ khó có được các hợp đồng, dự án, cho nên, chi phí kinh doanh luôn bị đội lên, không sớm thì muộn cũng sẽ bị phá sản. Trong khi đó, nhóm “doanh nghiệp thân hữu” lại tận dụng được cơ hội nhờ sự ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực bao gồm đất đai, tài nguyên, tiếp cận hợp đồng, thương quyền,... Một số quan chức cũng hưởng lợi nhờ mối quan hệ này. Nạn hối lộ và tham nhũng cũng được sinh ra từ đây.
Thứ hai, cạnh tranh lành mạnh như là một động lực thúc đẩy phát triển hoàn toàn bị triệt tiêu. Đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hay áp dụng các phương thức quản lý tốt nhất để hạ giá thành sản phẩm không quan trọng bằng việc “đầu tư” để có các mối “quan hệ thân hữu” với các cán bộ quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít đầu tư vào khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh dẫn đến hệ quả là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế quốc dân rất thấp.
Thứ ba, bất công và bất bình xã hội tích tụ ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do một nhóm thâu tóm thì sẽ còn lại gì cho những người làm ăn chân chính? Điều này đi ngược với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà Việt Nam đang phấn đấu xây dựng, trong đó có công bằng về phân bổ nguồn lực phát triển. Nó cũng dẫn đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư.
Thứ tư, vì những mục đích của “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu” mà những cán bộ có chức, có quyền có thể quyết định cả những việc đi ngược lại lợi ích quốc gia, trái với đạo đức xã hội, hủy hoại môi trường tự nhiên, xã hội.
Bất cập trong quản lý tài sản công - môi trường cho sự hình thành “nhóm trục lợi” dựa trên “quan hệ thân hữu”
Tài sản công có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia. Do tính chất phức tạp của đối tượng quản lý nên rất khó khăn trong xác lập mô hình quản lý tài sản công và thường không có một mô hình chung cho mọi quốc gia, mọi hoàn cảnh. Kể cả trong một quốc gia cũng có các mô hình khác nhau trong từng thời điểm, từng ngành, lĩnh vực.
Tài sản công có vai trò quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, tài sản thuộc sở hữu công nhưng quyền quản lý thì được giao cho các tổ chức, cá nhân cụ thể (Trong ảnh: Công tác kiểm tra trước khi phát điện tổ máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, hòa vào lưới điện quốc gia góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam tại Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) _Ảnh: TTXVN
Tuy vậy, vẫn có nguyên tắc chung trong quản lý tài sản công. Nguyên tắc này xuất phát từ việc phân quyền tài sản công, theo đó: Tài sản công thuộc sở hữu công (toàn dân, nhà nước), nhưng quyền quản lý thì được giao cho các tổ chức, cá nhân cụ thể.
Trên nguyên tắc này, có ba cách tiếp cận chính đối với việc quản lý tài sản công: 1- Giao chủ thể tư nhân quản lý tài sản công theo nguyên tắc sở hữu tư nhân là chủ yếu; 2- Nhà nước tập trung quản lý tài sản công; 3- Cộng đồng quản lý tài sản công.
Mỗi cách tiếp cận hướng đến một trọng tâm khác nhau. Xu hướng thứ ba có lối tiếp cận theo hướng phi tập trung hóa. Ngày càng có nhiều các học giả cho rằng việc phân quyền quản lý các tài sản chung cho chính những nhóm sử dụng sẽ giảm thiểu được “bi kịch về tài sản công”(2). Với mỗi một cộng đồng thường đã có sẵn những phương pháp và quy trình quản lý đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quy trình và phương pháp đã hình thành từ lâu đời dựa trên kinh nghiệm, kiến thức của chính những người sử dụng tài nguyên. Cách tiếp cận này cho rằng, nên trao quyền và hỗ trợ chính cộng đồng địa phương thực hiện sự quản lý, sở hữu đối với các nguồn tài sản này.
Việc phân quyền quản lý các tài sản công ngày càng phổ biến trên thế giới tuy nhiên cũng không phải là giải pháp hoàn hảo. Sự phân quyền cho các nhóm địa phương sẽ không phải lúc nào cũng dẫn tới việc quản trị tài nguyên thiên nhiên bền vững, đồng thời chưa hẳn mang tới cơ hội phân phối về quyền và lợi ích bình đẳng cho thành viên của nhóm. Các thành viên có quyền lực trong nhóm sẽ chi phối việc quyết định và hưởng lợi từ thiệt thòi của những thành viên khác. Phong tục địa phương ở một vài nơi thậm chí sẽ ngăn cản một số nhóm yếu thế, ví dụ như phụ nữ được hưởng lợi.
Mặc dù các quốc gia luôn có các giải pháp đa dạng trong việc thiết lập cơ chế quản lý tài sản công, nhưng về mặt tổ chức bộ máy, xu thế chung trên toàn thế giới là thành lập các tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp quản lý tài sản công. Phần lớn các tổ chức này thuộc chính quyền trung ương, địa phương và có trách nhiệm giải trình ở mức cao nhất.
Ở nước ta, nhìn lại những vụ tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tại một số DNNN gần đây có thể thấy việc công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Tình trạng bưng bít thông tin vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí có trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu còn cố tình đưa thông tin về giao dịch của doanh nghiệp vào danh mục “Mật” nhằm không phải công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN là một trong những công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này. Việc giám sát tốt hoạt động của DNNN góp phần tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, ngày 18-9-2015, của Chính phủ, về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này (Điều 23).
Trên thực tế, quy định công bố thông tin chưa được các DNNN cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện nghiêm túc. Năm 2016, chỉ có 38,87% số doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin. Đến năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chỉ khoảng 42%(3). Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế tính minh bạch, công khai và việc giám sát của các cấp, các cơ quan, tổ chức đối với DNNN và doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước. Nếu giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ ngăn ngừa các hành vi gian lận, hạn chế tình trạng sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí, tham ô các nguồn lực của Nhà nước.
Cơ chế thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai còn lỏng lẻo. Hiến pháp và Luật Đất đai năm 2013 đều nhất quán khẳng định đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế quyền sở hữu toàn dân về đất đai còn nhiều hạn chế, thiếu nội dung cụ thể. Quy định Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, với tư cách là chủ sở hữu hay đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai chưa rõ ràng; trong khi quyền của người sử dụng đất dường như là quyền của người chủ sở hữu. Quy định người sử dụng đất có nhiều quyền, trong đó có những quyền có tính chất định đoạt như quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp; nhưng chủ sở hữu toàn dân lại không được quy định rõ ràng các quyền này.
Thể chế thực hiện quyền sở hữu về đất đai còn nhiều khoảng trống, nhất là giao đất cho DNNN quản lý, sử dụng. Về nguyên tắc, đất đai giao cho DNNN là tài sản công do Nhà nước đầu tư vào DNNN, phải được vốn hóa, hạch toán chi phí và nằm trong cơ cấu định giá của doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế chưa thực hiện được cơ chế này.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất từ các hộ nông dân sang các nhà đầu tư, kinh doanh được thực hiện theo cơ chế xin - cho thông qua các công cụ quản lý nhà nước; và có thể nói, nguyên tắc và cơ chế thị trường hầu như chưa tham dự vào các giao dịch nói trên. Can thiệp đất đai trong trường hợp này hoàn toàn mang tính hành chính, chủ quan của các cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền. Hệ quả là tạo nên sự thiếu công bằng trong phân bổ nguồn lực đất đai, trong hưởng lợi từ đất đai, làm cho sử dụng đất trở nên lãng phí, kém hiệu quả; gây ra hàng loạt các vấn đề xã hội khác. Trên thực tế, các DNNN, doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có “quan hệ thân hữu” với công chức nhà nước có thẩm quyền thường tiếp cận với “quyền sử dụng đất” dễ dàng hơn nhiều so với những thành phần khác trong xã hội. Nông dân thường là những người chịu thiệt trực tiếp và nhiều nhất, trước hết là họ không được đền bù một cách tương xứng theo nguyên tắc thị trường. Cách làm này còn có một số hạn chế khác:
Một là, do bị hạn chế về phạm vi và thẩm quyền thu hồi đất, nên số diện tích đất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp giao hoặc cho thuê sẽ giảm so với trước; nguồn cung do đó dần trở nên khan hiếm hơn.
Hai là, việc giao đất hay cho thuê đất chủ yếu theo phương thức hành chính xin - cho; không minh bạch; giá thuê hay tiền thuê đất không được xác định theo quan hệ cung - cầu mà theo áp đặt hành chính. Vì vậy, người thực sự có nhu cầu sử dụng đất và có khả năng sử dụng đất với hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất chưa chắc đã được giao đất, thuê đất.
Ba là, có nguy cơ khuyến khích đầu cơ tìm kiếm địa tô hơn là đầu tư để tạo ra năng lực sản xuất mới và giá trị gia tăng mới cho xã hội. Điều này, đến lượt nó, sẽ tiếp tục làm méo mó quan hệ thị trường về quyền sử dụng đất, làm sai lệch quan hệ cung - cầu và giá cả thị trường quyền sử dụng đất; làm mất vai trò của thị trường trong phân bổ đất đai như một nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước về tài sản công (Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An) _Ảnh: monre.gov.vn
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng trên thực tế đã thành “công cụ” chính sách của Nhà nước. Cụ thể là, Nhà nước sử dụng “đất” làm công cụ ưu đãi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài; Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách. Vì vậy, “giá quyền sử dụng đất” có sự phân biệt rất lớn đối với những người sử dụng khác nhau. Giá đất đối với nhà đầu tư nước ngoài, DNNN và các nhà đầu tư thuộc loại ưu tiên của Chính phủ có thể quá thấp (được trợ cấp hay bao cấp lớn, có khi bao cấp toàn phần); còn giá đất cho đa số thành phần khác lại quá cao. Thực tế cho thấy, chi phí sử dụng đất quá cao là một trong những lực trở đối với sự phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Ngược lại, giá đất quá rẻ cho một số đối tượng, nhất là DNNN đang làm cho việc sử dụng đất trở nên lãng phí, thiếu công bằng và kém hiệu quả. Thực tế nói trên cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng và không bình đẳng, làm méo mó các giao dịch trên thị trường.
Tóm lại, can thiệp hành chính của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đang chi phối phân bổ và sử dụng đất đai, khoáng sản và các tài nguyên khác của quốc gia. Các giao dịch “sơ cấp” theo mệnh lệnh và can thiệp hành chính; các giao dịch “thứ cấp” bị giới hạn; các chủ thể liên quan còn bị hạn chế quyền tự do hợp đồng; các nguyên tắc thị trường như cạnh tranh để có được quyền sử dụng đất (và các tài nguyên khác), giá cả xác định theo quan hệ cung - cầu và sự khan hiếm của nguồn lực,... hầu như chưa xuất hiện trong phân bổ đất đai, tài nguyên; quyền sở hữu đất đai trên thực tế chưa rõ ràng và chưa được bảo vệ một cách chắc chắn. Như vậy, thể chế kinh tế thị trường về cơ bản chưa hoàn thiện và chưa phát huy tác dụng trong phân bổ, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác của quốc gia.
(Còn nữa)
------------------------------
(1) Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương, Chống chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản thân hữu - Yêu cầu sống còn, nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-5-chong-chech-huong-sang-chu-nghia-tu-ban-than-huu-yeu-cau-song-con-506612
(2) Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (đồng chủ biên), Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2016, tr. 116, 117
(3) Xem: https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/36027502-cong-cu-huu-hieu-giam-sat-viec-su-dung-nguon-luc-cua-nha-nuoc.html
Theo Tạp chí Cộng sản
https://baocantho.com.vn/ky-2-hoan-thien-che-do-quan-ly-tai-san-cong-giai-phap-dau-tranh-phong-chong-nhom-truc-loi-dua--a124796.html