25/01/2023 - 08:33

Kinh tế tuần hoàn “chìa khóa vàng” phát triển bền vững 

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu thế tất yếu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì nhân loại và Trái đất. Ðiều này đòi hỏi các nước phải tạo ra một nền kinh tế sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên hạn hẹp và hạn chế tối đa mức phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu theo mục tiêu của Liên Hiệp Quốc.

 Thị trường mua bán hàng second-hand góp phần kéo dài vòng đời vật liệu. Ảnh: TimeOut/Mcgillbusinessreview

 

Hàng thập kỷ qua, mô hình sản xuất và tiêu dùng chủ yếu của thế giới là khai thác nguyên liệu thô và chế biến thành sản phẩm, sau khi sử dụng xong thì vứt bỏ. Lo lắng về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, thế giới đang đánh giá lại tính bền vững của mô hình “kinh tế tuyến tính” (Linear Economy) nói trên và thúc đẩy mô hình “kinh tế tuần hoàn” (Circular Economy): khai thác, sản xuất, sử dụng, tái sử dụng và tái sử dụng nhiều lần.

Tính ưu việt của mô hình kinh tế tuần hoàn

Sự bất ổn của mô hình kinh tế tuyến tính (KTTT) nằm ở chỗ nó thường dẫn đến một hệ thống hoạt động kém hiệu quả, tốn kém và làm cạn kiệt tài nguyên Trái đất. Việc khai thác quặng mỏ có thể làm hỏng hệ sinh thái và phá hoại đời sống các cộng đồng, với sản phẩm cuối cùng là rác thải, vừa chiếm không gian vừa sản sinh các chất ô nhiễm, gây mất đa dạng sinh học và đe dọa sức khỏe con người. Bằng chứng là năm qua, các nhà khoa học tìm thấy vi nhựa trong máu người, các nội tạng như phổi, lá lách, thận và cả nhau thai, đồng thời phát hiện rất nhiều tác hại của chúng bao gồm gây độc tế bào, rối loạn trao đổi chất và chức năng miễn dịch, các bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư.

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được đánh giá là bền vững hơn với môi trường và nhân loại, bởi nó không đơn thuần là sự tái chế (vốn làm chất lượng vật liệu giảm dần sau mỗi lần tái chế và cuối cùng vẫn thành rác thải). Thay vào đó, mô hình kinh tế xanh này sẽ loại bỏ chất thải và ô nhiễm bằng việc thiết kế lại và duy trì nguyên vật liệu trong hệ thống thông qua tái chế, sửa chữa và tái sử dụng.

Nhiều quốc gia tiên phong xây dựng mô hình KTTH

Từ Âu sang Á, nhiều quốc gia đã và đang chuyển đổi sang KTTH, với nhiều giải pháp khả thi và phù hợp điều kiện bản xứ, điển hình như:

Thụy Ðiển là quốc gia quản lý và tái chế rác thải hàng đầu thế giới - tái chế 53% rác nhựa, 50% chất thải trong ngành xây dựng và tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Trong 3 thập niên qua, chính phủ nước này đã thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách đánh thuế cao các loại chất thải, nhưng có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại Hà Lan, chính phủ đã triển khai một loạt chương trình và dự án nhằm biến nước này thành “trung tâm tuần hoàn” của châu Âu từ năm 2013, đặc biệt là chương trình “Kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan vào năm 2050” hướng tới mục tiêu tạo ra hơn 50.000 việc làm, giảm 10% chất thải, tiết kiệm 20% nguồn nước, giảm 25% chi phí nhập khẩu nguyên liệu và tạo ra 7 tỉ euro cho nền kinh tế.

Tại châu Á, Singapore là một hình mẫu về thúc đẩy KTTH từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn tài nguyên rất hạn chế, nên từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng giúp xử lý 90% rác thải của cả nước. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo khi biến chúng thành hòn đảo Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

 Mô hình KTTH. Ảnh: AdobeStock

 

 Nhật Bản, chính phủ đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện mang tên Ðạo luật về việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế. Ðạo luật có hiệu lực từ năm 2002 này đưa ra các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản. Nhờ vậy, Nhật Bản có tỷ lệ tái chế đáng kinh ngạc: 98% kim loại và chỉ 5% chất thải phải dùng đến biện pháp chôn lấp.

Những nỗ lực kéo dài vòng đời vật liệu hoặc sản phẩm

Thời trang, nội thất, điện tử và xây dựng là những ngành dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH.

Ngành may mặc đang chứng minh nỗ lực kéo dài vòng đời vật liệu và sản phẩm của họ, với những sáng kiến bảo vệ môi trường độc đáo như thu hồi giày thể thao cũ để tái sản xuất giày mới hoặc làm sân bóng rổ (Nike) hay sản xuất giày từ rác đại dương (Adidas). Theo thống kê từ tạp chí WWD, hiện có hơn 50 công ty thời trang quốc tế - bao gồm các nhà mốt lớn như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Nordstrom, Gucci, GAP và H&M - đang đầu tư vào thị trường hàng may mặc đã qua sử dụng (second-hand), ước tính có thể đạt giá trị 64 tỉ USD trước năm 2025. Thông qua các nền tảng trực tuyến, mọi người có thể thuê hoặc mua sản phẩm thiết kế tồn kho, trao đổi đồ cũ giá trị tương đương hoặc mua bán hàng hóa đã qua sử dụng.

Ngoài sản phẩm thời trang, nhiều người còn mua các mặt hàng đã qua sử dụng khác như đồ điện tử, nội thất, gia dụng và thiết bị thể thao. Theo OfferUp, trong 5 năm tới, thị trường đồ đã qua sử dụng dự kiến tăng trưởng 80%, đạt giá trị tới 289 tỉ USD.

Việt Nam xác định phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QÐ-TTg về phê duyệt Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam… Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.

KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ CON ĐƯỜNG TỐT NHẤT

Thế giới hiện có hơn 8 tỉ người và dự kiến sẽ vượt 9,7 tỉ người vào năm 2050. Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) nhấn mạnh, dân số toàn cầu và kinh tế phát triển khiến nhu cầu về tài nguyên, năng lượng và lương thực gia tăng, dẫn đến sản xuất hàng loạt, thói quen tiêu dùng nhanh và tạo ra một lượng lớn chất thải, làm trầm trọng thêm các thách thức môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm đại dương. Ðó là lý do thế giới cần đẩy mạnh việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế và xã hội bền vững hơn. Theo các nhà khoa học về khí hậu, chuyển sang dùng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp cắt giảm 55% lượng khí nhà kính, trong khi chuyển sang mô hình KTTH loại bỏ 45% lượng khí nhà kính còn lại, qua đó có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của Liên Hiệp Quốc.

 

Chia sẻ bài viết