SONG NGUYÊN
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6-2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố đã đưa ra những dự báo mới nhất cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ vẫn yếu kém và có nguy cơ suy thoái sâu hơn trong năm nay và năm 2024. Kịch bản tăng trưởng WB dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ 3,1% năm 2022 xuống 2,1% năm 2023 và nhích lên 2,4% vào năm 2024. Các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế cần nhanh hơn, linh hoạt hơn để đối phó với những rủi ro đi kèm với việc tăng lãi suất. Bởi lãi suất cao không chỉ kìm hãm tăng trưởng của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển (EMDE), quốc gia có thu nhập thấp, mà còn làm giảm đầu tư và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Theo WB, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể trong quý II năm nay, sự suy yếu này kéo dài sang năm 2024. Áp lực lạm phát vẫn còn và chính sách thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế. Khả năng khủng hoảng ngân hàng lan rộng hơn và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các quốc gia phát triển có thể dẫn đến tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Chi phí đi vay ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến sự xáo trộn tài chính ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Các quốc gia có thu nhập thấp, tình hình tài chính càng bấp bênh hơn. Vì vậy, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, quốc gia có thu nhập thấp cần củng cố tài chính, chi tiêu hiệu quả hơn và cải thiện các hoạt động quản lý nợ công.
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc, nhưng theo WB khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng tốc từ 3,5% năm 2022 lên 5,5% năm 2023. Và Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, với mức tăng 6% trong năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng EMDE gần như hoàn toàn nhờ vào việc mở cửa lại của nền kinh tế Trung Quốc. Tác động của thắt chặt tài chính và lãi suất cao là trở ngại lớn cho tăng trưởng của EDME; đặc biệt là xếp hạng tín dụng đối với EDME cũng yếu hơn. Bên cạnh đó, mức nợ công cao làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ Chính phủ ở các quốc gia đi vay nợ. Các căng thẳng chính trị cũng có thể gây áp lực tăng giá hàng hóa mới và tiếp tục gây ra lạm phát.
Cũng theo báo cáo của WB, nếu loại trừ Trung Quốc và Nga, tăng trưởng ở các nước xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ giảm nhẹ hơn so với các nước nhập khẩu hàng hóa và các quốc gia xuất phát điểm thấp. Tăng trưởng ở các nước nhập khẩu hàng hóa, ngoại trừ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 4,2% năm 2023 (trong khi năm 2022 tăng 5,3%). Ngoài ra, giá năng lượng và lương thực trong nước tiếp tục ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng ở hầu hết các quốc gia; các lỗ hổng kinh tế vĩ mô gia tăng ở một số nền kinh tế nhập khẩu hàng hóa lớn có thể ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh… Vì vậy, các nền kinh tế cần thực hiện các chính sách đáng tin cậy để kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính, cũng như thực hiện các cải cách để tạo nền tảng cho một lộ trình phát triển bền vững, toàn diện.