03/06/2019 - 07:17

Kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống đuối nước 

Công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho cộng đồng luôn là vấn đề được các nước, nhất là các quốc gia có biển hoặc hệ thống sông suối, hồ ao dày đặc, coi trọng.

Trẻ em Đức học bơi từ rất sớm.

► Giải pháp đồng bộ của Malaysia

Về mặt địa hình, Malaysia không có hệ thống sông ngòi chằng chịt như Việt Nam. Tuy nhiên, nước này lại có biển trải dài và bao quanh phần lớn đất nước, do đó người dân tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều có thể dễ dàng tiếp cận và nghỉ ngơi tại các khu vực ven biển. Với điều kiện thời tiết có nắng quanh năm, người dân Malaysia đi biển hằng tuần. Bên cạnh đó, ở các thành phố, các khu chung cư hầu như đều có bể bơi phục vụ nhu cầu của người dân. Do vậy, các hoạt động liên quan đến nước diễn ra thường xuyên và liên tục. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của nạn đuối nước tại Malaysia.

Để đối phó với vấn nạn này, các cơ quan chức năng của Malaysia, nhất là Cục Cứu hỏa và Cứu nạn, đã tích cực vào cuộc. Theo Tổng Giám đốc Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Mohammad Hamdan Wahid, các biện pháp phòng tránh và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là hai nội dung quan trọng nhất. Bên cạnh đó, Cục còn đề xuất luật hóa các hoạt động liên quan đến nước.

Dạy bơi cho học sinh, thanh thiếu niên được Malaysia coi là một trong những biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản. Không chỉ tại các thành phố, ở các vùng nông thôn cũng có khá nhiều cơ sở dạy bơi. Gần đây, Bộ Giáo dục nước này còn đề xuất các khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí… có trang bị bể bơi hỗ trợ công tác dạy bơi cho học sinh.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về vấn đề đuối nước, Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Malaysia thường xuyên tiến hành các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, nhất là vào thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ của học sinh hằng năm. Cục phối hợp với các nhà trường tiến hành phát tài liệu, sách báo… về đuối nước đến tận lớp học và phụ huynh học sinh. Trong giảng dạy, các giáo viên cũng lồng thêm nội dung phòng chống đuối nước để học sinh có ý thức hơn về vấn đề này.

Cục Cứu hỏa và Cứu nạn cũng phối hợp với Bộ Giáo dục biên soạn các tài liệu hướng dẫn cách cứu người bị đuối nước một cách an toàn.

Cơ quan chức năng Malaysia còn có quy định chi tiết về việc sử dụng áo phao, phao bơi.

Cục Cứu hỏa và Cứu nạn liên tục thống kê, cập nhật các địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước, làm cơ sở đưa ra cảnh báo cho người dân.

► Chương trình quốc gia “Thoải mái dưới nước” ở Pháp

Số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước, đặc biệt là những bé dưới 6 tuổi, đang gia tăng một cách đáng lo ngại tại Pháp.

Trước tình trạng trên, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Thể thao Roxana Maracineanu đã thông báo chi tiết chương trình quốc gia mang tên “Thoải mái dưới nước”. Với mục tiêu dạy bơi cho trẻ từ độ tuổi mẫu giáo, chương trình bắt đầu được triển khai thí điểm ở thủ đô Paris.

Theo bà Maracineanu, cũng là một cựu vô địch bơi lội thế giới, trong những chương trình giáo dục cũ, ngoài thời gian di chuyển từ trường đến bể bơi và thời gian thay đồ, học sinh chỉ còn khoảng 20 phút để học bơi. Hơn nữa, các buổi học cũng cách nhau quá xa và học sinh có thể không nhớ được những gì đã được dạy. Và kết quả là một nửa số học sinh lớp 6 không thực sự biết bơi, điều bà Maracineanu gọi là “không thể chấp nhận được”.

Với chương trình mới, học sinh sẽ học bơi liên tục trong suốt một tuần, với 2 tiết mỗi ngày. Mục tiêu là để trẻ nhanh chóng làm quen với môi trường nước từ khi còn nhỏ, nhằm ngăn ngừa tai nạn đuối nước và chứng sợ nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Maracineanu cũng khẳng định vai trò quan trọng của cha mẹ học sinh. Các video hướng dẫn các phương pháp dạy trẻ bơi đã được đưa lên trang mạng của Bộ Thể thao để cha mẹ học sinh tham khảo. Bộ cũng khuyến khích giáo viên các trường mẫu giáo và tiểu học, cũng như nhân viên các trung tâm trông giữ trẻ em ngoài giờ học cùng tham gia vào chương trình quốc gia trên. Đặc biệt, chính phủ đã quyết định dành một khoản ngân sách 15 triệu euro cho việc phát triển hệ thống bể bơi trên toàn quốc, nhất là ở những vùng khó khăn.

►  Từ ý thức bảo vệ bản thân đến quản lý tốt của người Ðức

Là một quốc gia phát triển với nền giáo dục tiên tiến, nước Đức dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, và coi sự phát triển toàn diện là một chuẩn mực. Tại nhiều bang của nước Đức, bơi đã trở thành một môn học bắt buộc ở trường tiểu học, cung cấp cho các học sinh một kỹ năng sinh tồn rất quan trọng.

Mỗi tuần 2 tiết học bơi, học sinh lớp 3 ở thủ đô Berlin đã quen với thời khóa biểu này, dù vào mùa Hè nắng nóng hay mùa Đông băng giá. Qua một năm học, có em biết bơi, có em chưa thuần thục kỹ năng, nhưng nhìn chung, học sinh đã được học những bài học cơ bản về bơi, đi kèm các kiến thức về phòng tránh đuối nước.

Quy định bắt buộc các bể bơi phải dành một khoảng thời gian nhất định trong tuần để các trường học sử dụng vào việc dạy bơi cho học sinh. Trong thời gian này, bể bơi không mở cửa đón khách mà chỉ phục vụ giáo viên hướng dẫn và học sinh học bơi.

Những học sinh đã học hết lớp 3 nhưng chưa biết bơi sẽ có một cơ hội khác để hoàn thành kỹ năng bơi lội, đó là kỳ nghỉ mùa Thu, vào khoảng tháng 10 hằng năm. Trong kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần này, các em học sinh lớp 4 được phép đăng ký học bơi miễn phí tại các bể bơi, nhằm bổ túc những kỹ năng còn thiếu để có thể tự bơi được.

Tại các hồ, hay những khúc sông thường có nhiều người tụ tập trên bờ, trên các cây cầu... ở Đức thường có các phao cứu sinh với dây kéo, để mọi người có thể nhanh chóng và dễ dàng ứng cứu trong trường hợp có người không may bị đuối nước.

Theo TTXVN, tại Đức, công tác cứu hộ đuối nước đặc biệt được chú trọng. Hiệp hội Cứu sinh Đức (DLRG) có tới 1,8 triệu thành viên hoặc tình nguyện viên, là tổ chức cứu hộ nước lớn nhất thế giới. Ra đời từ năm 1913 với sứ mệnh cứu người khỏi đuối nước, DLRG hiện là nơi đào tạo bơi, giáo dục về các mối nguy hiểm liên quan đến nước và cứu hộ bơi lội số một tại Đức. Hoạt động của tổ chức này được chính Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bảo trợ.

Chia sẻ bài viết