Kiến tạo môi trường thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp, thời gian qua, Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào, cuộc thi dự án khởi nghiệp trong sinh viên. Hoạt động này cũng là một trong các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Ban tổ chức Cuộc thi trao giải cao cho các dự án xuất sắc.
Sau vòng chung kết và trao giải Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng” trong HSSV Trường ÐHCT mở rộng năm 2024 (Cuộc thi), Hoàng Tuấn Anh, sinh viên ngành Tự động hóa K48, Trường ÐHCT, cho biết Cuộc thi đã giúp sinh viên nâng cao hiệu quả làm việc nhóm, trải nghiệm kinh doanh, thêm nhiều kiến thức hữu ích trong cuộc sống, hướng đến mục tiêu xa hơn là sân chơi quốc tế. Hoàng Tuấn Anh là 1 trong 5 thành viên của của dự án “Máy pha chế” đoạt giải Nhất Cuộc thi vừa qua. 4 thành viên còn lại đều là từ Trường ÐHCT, gồm: Nguyễn Trí Hoàng, Võ Quốc Huy (đều học ngành Cơ điện tử); Trần Nguyên Hiền, Nguyễn Trần Huy Hoàng (đều học ngành Ðiện tử Viễn thông). Theo nhóm tác giả, ý tưởng dự án xuất phát từ việc các thành viên đã từng bán cà phê, khi khách đến quá đông thì tốc độ làm việc của nhân viên pha cà phê không thể đáp ứng yêu cầu. Ðó là chưa kể làm sao để đồ uống có thể được pha đúng tỷ lệ tiêu chuẩn đưa ra và khách hàng không phải chờ đợi quá lâu, cũng như cách bảo mật công thức… Vì thế, nhóm đã bắt tay thực hiện dự án nghiên cứu từ tháng 12-2023 và hoàn thành tháng 5-2024.
Theo đó, “Máy pha chế” có cấu tạo 3 phần chính: bơm nước, lưu lượng mạch điện và vỏ. Máy tạo ra đồ uống dựa theo công thức của chủ quán được lập trình sẵn, tăng giảm liều lượng theo yêu cầu của khách một cách dễ dàng với tốc độ pha chế chỉ từ 5 đến 10 giây, giúp tiết kiệm thời gian, làm khách hàng hài lòng. Ngoài ra, công thức của quán nước được bảo mật nhưng máy vẫn có thể được bán rộng rãi. Máy pha chế cũng giúp cắt giảm chi phí thuê nhân viên. Sinh viên Võ Quốc Huy thông tin: “Trong máy có tích hợp thêm tính năng điều khiển thông qua app điện thoại. Khi người tiêu dùng tới, chỉ cần quét mã QR thì máy sẽ tích hợp trên hệ thống, nhận được thông tin và tự động pha”. Theo nhóm tác giả, trong quá trình thực hiện dự án, băn khoăn nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh bị trộn lẫn mùi vị khi pha nhiều loại. Nhóm khắc phục bằng cách chia nhiều ống và ống to sẽ có nhiều ống nhỏ.
Bên cạnh dự án “Máy pha chế”, các dự án khác trong Cuộc thi mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, phục vụ thiết thực cho cộng đồng; quan trọng đã đúng chủ đề “Chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững” của Cuộc thi. Chẳng hạn, dự án “Áo giáp hạt giống” đạt giải Nhì; dự án “Thị trường trực tuyến kết nối nhà đầu tư và startup CONNECT” đạt giải Ba. Nhóm tác giả dự án “Thị trường trực tuyến kết nối nhà đầu tư và startup CONNECT” cho biết ý tưởng xuất phát từ việc nhiều SV có ý tưởng hay, độc đáo và đam mê khởi nghiệp, nhưng lo sợ không đủ nguồn vốn, môi trường khởi nghiệp. Vì thế, nhóm muốn tạo môi trường để các bạn HSSV, giới trẻ khởi nghiệp và được hỗ trợ mọi mặt. Với slogan “Trao cơ hội, tạo tương lai”, dự án “Thị trường trực tuyến kết nối nhà đầu tư và startup CONNECT” là một website có những thông tin về các dự án khởi nghiệp (đã được lọc ra) của HSSV; nhóm hướng tới trang web sẽ là cầu nối giữa nhà đầu tư và HSSV.
* * *
Khởi nguồn từ năm 2019 trên cơ sở triển khai Ðề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025, tính đến nay Trường ÐHCT đã duy trì sân chơi này được 6 năm, với sự quan tâm và tham gia ngày càng đông đảo của HSSV. Tháng 2-2024, Cuộc thi được khởi động, với chủ đề “Chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững”, thu hút 35 dự án dự thi trên các lĩnh vực: Công - Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Giáo dục và Ðào tạo, Y tế, Dịch vụ - Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Kinh tế. Ban tổ chức đã chọn 11 dự án xuất sắc tranh tài tại vòng thi chung kết. Ở vòng này, mỗi nhóm trình bày dự án trong 10 phút (gồm 3 phút trình bày ý tưởng/thuyết minh dự án và 7 phút hỏi đáp với ban giám khảo, phản biện từ Hội đồng giám khảo và các chuyên gia).
Theo PGS.TS Trần Cao Ðệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên, Trường ÐHCT, cuộc thi năm nay hướng đến dự án mang tính ứng dụng mới như công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phục vụ sản xuất kinh doanh đáp ứng chuyển đổi xanh. Các dự án lọt vào chung kết có sự đầu tư, ý tưởng rất rõ ràng. Có những dự án hiện thực hóa thực sự hoặc là mang công nghệ, hàm lượng sáng tạo của sinh viên. PGS.TS Trần Cao Ðệ cho biết, trong quá trình dự thi, HSSV được ban tổ chức tập huấn, huấn luyện. Tức là các thầy cô cố vấn những lĩnh vực phù hợp, hỗ trợ HSSV trong suốt quá trình thực hiện dự án. Thậm chí khi đã hoàn thành cuộc thi, HSSV có dự án đạt giải cao, có tiềm năng được kết nối với các nhà đầu tư để tiếp tục hoàn thiện dự án, cũng có thể nhận được kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, trường vẫn tiếp tục ươm tạo cho dự án của HSSV thông qua giải thưởng ươm tạo để HSSV có thể kinh doanh và tiếp tục dự thi quốc tế.
Bên cạnh đầu tư các nguồn lực, Trường ÐHCT còn tổ chức nhiều hoạt động như phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giao lưu kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên để tạo cầu nối việc làm; hay kiến tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV qua Cuộc thi… PGS.TS Trần Cao Ðệ nhấn mạnh: Cuộc thi là sân chơi thường niên do Trường ÐHCT tổ chức nhằm khuyến khích năng lực sáng tạo, tư duy năng động và cảm hứng kinh doanh cho HSSV, từ đó hình thành khả năng tự chủ, tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên; qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
Bài, ảnh: Ngọc Ngân
Chia sẻ bài viết |
- Tăng trải nghiệm, tạo điều kiện để startup tiếp cận vốn
- Cầu nối giúp thanh niên khởi nghiệp
- Khởi nghiệp từ cây tre
- 13 tác giả, nhóm tác giả tranh tài ở vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo CTUT Startup” lần II-2024
- Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
- Triển vọng nuôi hươu sao lấy nhung ở Sóc Trăng