31/05/2024 - 11:21

Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên 

Qua hơn 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh (HS), sinh viên (SV) khởi nghiệp đến năm 2025” ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665), hệ sinh thái khởi nghiệp cho HS, SV đã và đang hoàn thiện. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục (CSGD) đại học đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giảng viên và người học; gần 30% CSGD đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đối với cấp THCS và THPT, hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng giúp thanh niên, HS, SV phát triển và chắp cánh các ý tưởng khởi nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HS, SV, do Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn và UBND TP Cần Thơ tổ chức vào giữa tháng 5-2024.

Phát biểu tại Lễ phát động Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV tại Trường Đại học Cần Thơ vào giữa tháng 5-2024, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nêu kết quả khảo sát vào năm 2023 của Hội SV Việt Nam cho thấy, gần 19% SV trong tổng số 30.000 SV được khảo sát bày tỏ có mong muốn được khởi nghiệp sau khi ra trường; gần 20% SV chọn hình mẫu hướng đến “người khởi nghiệp”, dẫn đầu so với các hình tượng khác. Các số liệu cho thấy khởi nghiệp đang là xu hướng lớn được SV quan tâm. Từ xu hướng đó, Trung ương Đoàn phối đã hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện nhiều hoạt động khởi nghiệp hướng đến thanh niên và HS, SV. Các cấp bộ Đoàn vận động đoàn viên, HS, SV đề xuất ý tưởng, sáng tạo; kết nối, kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc thi, như Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn; Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên; Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp SV; Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” và chương trình “Chắp cánh SV khởi nghiệp.

Tại TP Cần Thơ, các cấp bộ Đoàn - Hội đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ các startup phát triển mô hình, hoàn thiện sản phẩm khởi nghiệp; truyền thông quảng bá sản phẩm khởi nghiệp và hỗ trợ không gian trưng bày sản phẩm, kênh bán hàng trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, chia sẻ: “Khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ dàng, nhất là các bạn trẻ, vì thế cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong giáo dục kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế. Đối với những mô hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ, rủi ro lại càng cao, do đó mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại và tất nhiên phải kiên trì, vượt khó để vượt thử thách, vươn lên”.

Tín hiệu khả quan là nhận thức về giáo dục khởi nghiệp trong trường học ngày càng được chú trọng. Nhiều CSGD đã tổ chức các hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học, nhằm tuyên truyền, phổ biến cho HS, SV các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng và nhiều CSGD đại học đã chủ động, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận phương pháp mới, cách làm hay, học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, bình quân mỗi CSGD đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp, có một số CSGD đại học, trường đại học hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp ở trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.

Ở góc nhìn của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng các kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh, khởi nghiệp đều là những kiến thức, chủ đề quan trọng của GD&ĐT trong thế kỷ 21 trên toàn thế giới. Trong bối cảnh thế giới đang có những sự thay đổi nhanh chóng, sự quan trọng của đổi mới sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp cần phải được đề cao. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành và Trung ương Đoàn tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho HS, SV gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp. Các trường phổ thông cần chủ động cung cấp cho HS kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tăng cường tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HS; tổ chức các chương trình giáo dục gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm từng bước nâng cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp để HS sớm hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Các CSGD đại học khẩn trương xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp điều kiện thực tế để triển khai có hiệu quả các quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn, Quỹ Vifotech triển khai cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS, với khoảng 150 dự án/năm học. Đồng thời, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn, Quỹ Vifotech tổ chức Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho SV trong các CSGD đại học, thu hút hơn 1.500 SV đến từ hơn 110 CSGD đại học tham gia, với khoảng 500 đề tài/năm. Nhiều sân chơi, hội thi về khởi nghiệp, do các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phát động thường xuyên thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết