18/10/2021 - 14:33

Khuyến khích nông dân học nghề 

Dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ðể việc dạy nghề cho nông dân thực sự hiệu quả, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn thành phố luôn quan tâm khảo sát nhu cầu học nghề gắn với hỗ trợ vốn vay, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Sau khi được học lớp nghề, chị Lê Ánh Nguyệt, ngụ xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, nuôi heo đạt hiệu quả hơn.

Nhiều năm qua, chị Lê Ánh Nguyệt, ngụ xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, có thu nhập chính nhờ mô hình trồng rau màu. Ðể cải thiện cuộc sống cho gia đình, mấy năm gần đây, chị bắt đầu chăn nuôi heo sinh sản. Hướng dẫn chúng tôi tham quan mô hình, chị Nguyệt kể: “Trước đây, khi chưa có kiến thức, kỹ năng, tôi nuôi heo hay bị bệnh, chết mà không rõ nguyên nhân. Chính vì thế, khi HND xã mở lớp nghề chăn nuôi vào năm 2019, tôi đăng ký tham gia. Qua lớp học, tôi được trang bị những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, như chọn con giống, thức ăn, quy trình và cách xử lý chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh, các phương pháp phòng, trị bệnh cho heo… Học đến đâu, tôi ghi chép vào sổ tay đến đó”. Qua lớp học, chị Nguyệt đã ứng dụng tốt vào mô hình của gia đình. Hiện nay, chị duy trì nuôi 1 con heo sinh sản, 5-6 con heo thịt. Bán hết đàn này thì chị lại tiếp tục tái đàn khác. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng rau trái quanh nhà và lấy cặn nuôi heo nên chi phí không tốn kém. Mỗi năm, chị bán 2 lứa heo, thu về trên 100 triệu đồng.

Gia đình ông Võ Văn Nghĩa, ngụ xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ, trước đây trên 1ha đất vườn chỉ trồng bưởi da xanh và chủ yếu làm theo kinh nghiệm của bản thân nên việc trồng và chăm sóc cây chưa thật sự hiệu quả. Ông Nghĩa cho biết: “Khi tham gia học lớp nghề trồng cây ăn trái, tôi tích lũy thêm nhiều kỹ thuật hay trong sản xuất, như kỹ thuật tuyển trái, cách phòng trừ sâu bệnh…”. Áp dụng kiến thức đã học, sau lớp nghề, ông Nghĩa mạnh dạn đầu tư trồng thêm hơn 40 gốc sầu riêng Ri6. Hiện nay, vườn sầu riêng và vườn bưởi da xanh của ông đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch HND huyện Cờ Ðỏ, thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn huyện diễn ra khá sôi nổi. Cụ thể, trong năm 2019, HND các xã, thị trấn phối hợp mở 16 lớp nghề ngắn hạn cho 550 hội viên, giới thiệu việc làm cho 190 con em hội viên nông dân, giới thiệu xuất khẩu lao động cho 4 trường hợp, tư vấn học nghề, việc làm cho trên 3.216 lao động nông thôn. Nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, các cấp HND huyện Cờ Ðỏ phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ tổ chức được 2 lớp nghề ngắn hạn cho 50 học viên tham dự; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 545 người. Từ thực tế dịch bệnh gây khó khăn chung, các cấp HND huyện đã nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Hằng năm, HND huyện Cờ Ðỏ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát nhu cầu thực tế để có kế hoạch tổ chức các lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp ngắn hạn phù hợp. Các lớp học được linh hoạt tổ chức trực tiếp tại các mô hình cùng với việc được giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, giúp bà thuận tiện trong quá trình thực hành và tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Qua đó, nhiều hội viên áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập từ chính đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình.

Cùng với HND huyện Cờ Ðỏ, thực hiện sự chỉ đạo của HND thành phố, HND các quận, huyện đã nỗ lực trong thực hiện chương trình dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân. Nửa đầu nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp HND thành phố đã phối hợp tổ chức được 122 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 7.663 con em hội viên nông dân tham gia (5.457 người có việc làm sau đào tạo), tư vấn giới thiệu việc làm cho 19.871 người, giới thiệu cho 58 người đi lao động nước ngoài (số người nhận việc là 25 người và hiện đang làm việc tại Nhật Bản, Ðài Loan và Hàn Quốc).

Có thể nói, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ðiều quan trọng là người nông dân đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tiễn nhờ vào những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp đào tạo nghề. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho nông dân, sau khi đào tạo nghề, nông dân sẽ được các cấp HND vận động tham gia các tổ, hội hợp tác để hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi… Từ đó giúp nông dân chủ động mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Chia sẻ bài viết