06/04/2022 - 09:12

Khuyến cáo nông dân ĐBSCL không chủ quan khi xâm nhập mặn có xu hướng giảm 

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong tháng 4 này mưa sẽ xuất hiện sớm trên toàn vùng ĐBSCL và có lưu lượng tương đối cao. Tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sản xuất nông nghiệp sẽ giảm, tuy nhiên nông dân không nên chủ quan, mất cảnh giác đối với tình trạng nước mặn xâm nhập, gây ảnh hưởng cây trồng, vật nuôi…

Xâm nhập mặn có xu hướng giảm dần

Trạm bơm điện, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) được kiểm tra và hoạt động thường xuyên trong mùa khô hạn 2022.

Trạm bơm điện, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) được kiểm tra và hoạt động thường xuyên trong mùa khô hạn 2022.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2022, mưa xuất hiện nhiều nơi trên vùng ĐBSCL với lưu lượng trung bình khoảng 30-50mm. Một số nơi mưa lớn với lưu lượng trên 70mm ở Kiên Giang, Cà Mau. Dự báo từ nay đến giữa tháng 4-2022, vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lưu lượng khoảng 60-80mm. Hiện tượng ENSO đang ở pha lạnh, dự báo ảnh hưởng La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5 sau nghiêng về trung tính, năm 2022 mưa sẽ xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, dòng chảy bình quân của sông Mekong về ĐBSCL từ tháng 4 sẽ tăng lên, với lưu lượng bình quân ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, do thủy điện Trung Quốc gia tăng xả nước sẽ có tác động tích cực đến hạ lưu sông Mekong, làm giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 (nếu tình trạng vận hành xả nước ở các đập thủy điện không giảm bất thường).

Từ nhận định trên, dự báo xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 4 với ranh mặn 1g/l ở vùng ĐBSCL sẽ giảm xuống, tại cửa sông Tiền mặn xâm nhập từ 40-50km, sông Hàm Luông 50-55km, các cửa sông khác 45-50km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 65-70km. Ven biển Tây, có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, mặn đã được chủ động kiểm soát. Do đó, trong tháng 4 này, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nguồn nước dồi dào, đảm bảo thực hiện các kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Vùng giữa ĐBSCL, trong tháng 4 mặn có thể xâm nhập sâu đến 40-55km (tùy cửa sông) làm ảnh hưởng thời đoạn tại các cửa lấy nước vào những ngày triều cường lên cao, từ ngày 14 đến 17-4-2022. Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) tiếp tục bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn đang giảm dần do tác động của nguồn nước gia tăng từ thượng lưu về ĐBSCL và mưa trái mùa nhưng cần đề phòng rủi ro tại vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Vì vậy, các địa phương vùng ven biển cần tăng cường công tác giám sát mặn và kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ sản xuất.

Tính đến thời điểm hiện tại, với điều kiện nguồn nước tương đối thuận lợi và mưa trái mùa xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng, vụ sản xuất lúa hè thu 2022 tại ĐBSCL sẽ giảm bớt chi phí  sản xuất. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo trong tháng 4 và 5, người dân vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước tại chỗ hợp lý, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông, kênh, rạch nội đồng nhằm tận dụng triệt để nguồn nước mặt trữ vào ao, kênh, rạch phục vụ sản xuất; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng ao, mương chứa nước hộ gia đình, ao trong vườn cây ăn trái và khu vực sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, nhằm đề phòng nắng nóng kéo dài, mưa không xuất hiện...

Bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Để phòng tránh các thiệt hại do mặn gây ra, trong tháng 4 và đầu tháng 5-2022 các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, các vùng cách biển 30-40km nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc mưa diện rộng mới xuống giống vụ lúa hè thu 2022. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành tiêu xổ các cống để thau rửa, cày xới đồng ruộng, chuẩn bị mùa vụ tiếp theo. Tại vùng trồng cây ăn trái, rau màu hoặc cây trồng có độ mặn thấp cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, ĐBSCL có diện tích chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước trên nền đất lúa là 20.427ha. Trong đó chuyển đổi cây hằng năm là 15.496ha;  cây ăn trái là 3.927ha. Cây trồng sử dụng ít nước được chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như bắp, đậu phọng, khoai, rau đậu các loại; cây ăn quả gồm cam, bưởi, xoài, thanh long, mít… Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.

Tại TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng thích ứng khô hạn, sử dụng ít nước. Từ đầu năm đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống lúa hè thu được 38.072ha, đạt 53% kế hoạch; tổng diện tích cây ăn trái đến thời điểm này là 23.416ha, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; cây hằng năm khác đã gieo trồng 6.236ha, gồm: bắp, đậu các loại, rau màu… Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để ứng phó khô hạn, đơn vị đã triển khai nhanh các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức trong cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, về hạn, xâm nhập mặn và việc phòng, chống hạn, thiếu nước sản xuất; hỗ trợ cán bộ chuyên môn cấp cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến của khô hạn, nguồn nước trên các sông, rạch để điều tiết hợp lý các hệ thống công trình cũng như thông báo thời gian vận hành hệ thống cống, trạm bơm nước để người dân chủ động lấy và trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, đối với trồng trọt, khuyến cáo người dân xuống giống theo lịch thời vụ và sử dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu trong điều kiện khô hạn, đặc biệt kiên quyết không để người dân sản xuất lúa hè thu ở những khu vực không phù hợp và không đủ nước cho sản xuất...

Cục Trồng trọt khuyến cáo: Hiện nay mưa trái mùa xuất hiện, nhưng nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn không có mưa, do đó từ nay đến tháng 5 (khi mùa mưa xuất hiện) trên cây ăn trái cần kiểm tra củng cố hệ thống đê, bờ bao, cống bọng của mỗi vườn cho chắc chắn, tránh nước mặn xâm nhập vào vườn, dự trữ nước ngọt trong mương, để tưới cho cây ăn trái khi khô hạn kéo dài. Nông dân cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lá khô, cỏ khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho cây, cắt tỉa cành, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, tuyệt đối không tưới nước có độ mặn trên 10/00 cho cây ăn trái. Riêng đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn trên 0,20/00. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt. Khi đã bị nhiễm mặn, bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột liều lượng 500-1.000 kg/ha. Nếu hạn mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3 (10g/1 lít nước), Brassinosteroid (Comcat 150 WP, Nyro 0,01 N), Super Humic, phân vi lượng chứa canxi, Magie, Silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian khô hạn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo, cung cấp đầy đủ cho cây…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết