31/08/2022 - 08:32

Khủng hoảng chính trị ở Iraq 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Nhiều tên lửa đã được bắn vào Vùng Xanh của thủ đô Baghdad trong ngày 30-8 khi các cuộc xung đột giữa những nhóm Hồi giáo dòng Shitte đối nghịch bước sang ngày thứ hai.

Các thành viên Lữ đoàn Hòa bình của giáo sĩ al-Sadr tại thủ đô Baghdad ngày 30-8. Ảnh: Reuters

Đường phố gần như vắng bóng dân thường khi các tay súng xuất hiện trên những chiếc xe bán tải chở súng máy và súng phóng lựu. Trong đêm 29-8, tiếng súng và tên lửa đã nổ vang trên khắp Baghdad.

Thủ đô của Iraq rơi vào hỗn loạn tồi tệ nhất trong nhiều năm sau khi giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực ở nước này, ông Moqtada al-Sadr tuyên bố sẽ rời chính trường và đóng cửa các cơ sở của mình để phản ứng với tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết hiện nay. Những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr đã tiến hành biểu tình, xông vào một tòa nhà chính phủ ở Vùng Xanh, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và cơ quan ngoại giao.

Ðụng độ đã xảy ra giữa Saraya al-Salam (Lữ đoàn Hòa bình) thân cận với giáo sĩ al-Sadr và lực lượng Hashd al-Shaabi tập hợp tất cả các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq. Các bên sử dụng súng cối và súng máy hạng nặng. Các đơn vị của quân đội Iraq đã được điều đến Baghdad để tăng cường an ninh. Sau khi ban bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô, chiều 29-8, quân đội Iraq đã mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi quyết định ngừng phiên họp nội các đến khi có thông báo tiếp theo.

Theo Kênh Al Jazeera, gần 20 người đã thiệt mạng và 350 người bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực ở Vùng Xanh vào ngày 29-8. Giáo sĩ Sadr đã quyết định tuyệt thực cho đến khi lực lượng an ninh ngừng sử dụng vũ lực đối với những người ủng hộ ông.

Từ cuối tháng 7, những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr đã biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội để phản đối việc chính trị gia Mohammed Shia’ al-Sudani được đề cử làm thủ tướng Iraq. Ông al-Sadr còn kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử sớm được đáp ứng.

Nhân vật đầy quyền lực

Giáo sĩ al-Sadr không được biết đến bên ngoài Iraq trước khi Mỹ đưa quân can thiệp nước này năm 2003. Tuy nhiên, ông đã sớm trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hưởng được phần lớn quyền lực từ gia đình. Cha ông là lãnh tụ Mohammed Sadeq al-Sadr, người bị ám sát hồi thời Saddam Hussein cầm quyền.

Từ việc lãnh đạo các phong trào dân quân chống Mỹ, giáo sĩ al-Sadr đã trở thành “nhà tạo vua” chính trị và là nhân vật quyền lực nhất tại Iraq, với hàng triệu tín đồ trung thành. Ông thu hút sự ủng hộ rộng rãi với quan điểm phản đối ảnh hưởng của cả Mỹ và Iran đối với chính trị Iraq. Quyết định từ bỏ chính trường của ông al-Sadr được cho là để đáp lại sự thất bại của các nhà lãnh đạo và đảng phái Hồi giáo Shiite khác trong việc cải tổ hệ thống quản lý yếu kém ở nước này.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10-2021, đảng của ông al-Sadr giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, chính khách 48 tuổi đã rút tất cả các nghị sĩ của mình khỏi Quốc hội hồi tháng 6, sau khi thất bại trong việc thành lập một chính phủ không có đối thủ của mình, chủ yếu là các đảng dòng Shiite mà Tehran hậu thuẫn.

Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để bầu tổng thống mới theo quy định trong Hiến pháp. Nếu được bầu, tổng thống mới sẽ chỉ định thủ tướng do liên minh lớn nhất trong quốc hội đề cử đứng ra thành lập một chính phủ với nhiệm kỳ 4 năm. Bế tắc chính trị trên đã đẩy Iraq vào vòng xoáy bạo lực mới khi nước này đang chật vật tái thiết sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, các lệnh trừng phạt, xung đột dân sự và nạn tham nhũng.

Chia sẻ bài viết