13/05/2019 - 06:00

Khúc ca Trường Sơn 

Những ngày này, Đội tuyên truyền lưu động TP Cần Thơ đang cất cao lời ca tiếng hát trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong Liên hoan Tuyên truyền lưu động chủ đề “Trường Sơn - Con đường huyền thoại”. Liên hoan do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2019).

Tiết mục “Trở lại Trường Sơn” mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tiết mục “Trở lại Trường Sơn” mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chương trình liên hoan được chia làm 2 tuyến. Ở tuyến 1, các đội tuyên truyền lưu động biểu diễn tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tuyến 2, các đội tuyên truyền lưu động biểu diễn tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum và Thừa Thiên Huế. Gộp lại 2 tuyến, từ điểm đầu Nghệ An đến điểm cuối Bình Phước, hình ảnh một tuyến đường huyền thoại, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc được phác họa đậm nét.

Đội tuyên truyền lưu động TP Cần Thơ tham gia tuyến 2, với chương trình nghệ thuật “Máu và hoa - tạo dựng sơn hà”. Tối 10-5, đội diễn khai mạc tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; đêm sau diễn phục vụ bà con huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Đêm 12-5, đoàn đến huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum để phục vụ đồng bào nơi đây. Tại TP Huế đêm 13-5, Đội tuyên truyền lưu động TP Cần Thơ sẽ cùng các đơn vị bạn diễn phục vụ. Đêm 14 và 15-5, tất cả 33 đoàn tham gia Liên hoan sẽ diễn phục vụ tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và kết thúc liên hoan. Chương trình biểu diễn dày đặc, lại phải di chuyển liên tục như thế nhưng các nghệ sĩ, diễn viên của mảnh đất Tây Đô rất xông xáo và vui vẻ vì được cất cao khúc ca về Trường Sơn huyền thoại.

Do mỗi chương trình biểu diễn, đoàn Cần Thơ sẽ phối hợp với các đoàn khác để thực hiện nên việc chọn lọc những tiết mục “tinh hoa” được các thành viên đoàn quan tâm. Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: 3 tiết mục được dàn dựng rất công phu, mới mẻ, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nên hứa hẹn cuốn hút người xem.

Ấn tượng nhất phải kể đến là ca cảnh “Trở lại Trường Sơn” do tác giả Hoài Minh viết kịch bản. “Chúng tôi là người dân Cần Thơ miền Tây nước trong gạo trắng. Hôm nay có dịp về nguồn để thăm con đường Trường Sơn lịch sử”, thể điệu Duyên kỳ ngộ vui tươi, réo rắt là lời chào dễ thương của Đội tuyên truyền lưu động TP Cần Thơ. Phía sau, hình ảnh chàng trai cô gái trong trang phục Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, công nhân, trí thức… tạo hình chỉn chu, bắt mắt. Để từ đó, cảm xúc và tình cảm thiêng liêng của những người con Tây Đô với Bác Hồ, với con đường mang tên Bác được gửi gắm trọn vẹn qua điệu Chiêu Quân, Lý Con Sáo, mấy câu vọng cổ mượt mà sông nước đồng bằng. Lời ca thật lay động lòng người: “Gấm vóc sơn hà được tạo nên bằng máu. Tô thắm màu cờ và nở thành hoa. Hoa trên đường Hồ Chí Minh rực rỡ. Nhắc nhở cháu con nhớ truyền thống liệt oanh”.

Những tiết mục ca múa như “Trường Sơn - Đường tôi đi dài theo đất nước”, “Những người con sông Hậu tiếp bước cha anh”… được dàn dựng công phu không kém. Do là những nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm tại các hội thi, hội diễn nên chương trình của đoàn Cần Thơ đạt chất lượng tốt. Đảm nhiệm màn ca cảnh, nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng, cho biết: “Khoác lên người bộ đồ lính, rồi mang dép râu và ca về Trường Sơn khiến tôi xúc động. Tôi cố gắng diễn hết sức để phục vụ bà con”. Còn với nghệ sẽ trẻ Ngọc Vẹn, dù biết chặng đường tham gia liên hoan sẽ vất vả nhưng cô vui vẻ tham gia và dốc lòng hoàn thành. Lại nghĩ, cực khổ ấy có thấm thía gì với những người lính Trường Sơn thuở trước.

Theo Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hoan năm nay tập trung vào các nội dung: Khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào dân tộc; Ca ngợi truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn thử thách của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn… Việc chọn biểu diễn tại nhiều điểm trên đường Hồ Chí Minh còn là lời tri ân của thế hệ hôm nay với đồng bào đã che chở, làm hậu phương vững chắc cho những người lính Trường Sơn thời chiến tranh khói lửa.

Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở con đường chiến lược - đường Trường Sơn. Từ đó, ngày này được chọn là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một hệ thống giao thông, liên lạc, đường ống xăng dầu trải hàng nghìn kilomet, từ Nghệ An đến Bình Phước.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh bao gồm 37 điểm tiêu biểu nằm trên địa bàn 11 tỉnh, từ Nghệ An đến Bình Phước. Theo Hồ sơ xếp hạng, Di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử tiêu biểu và quan trọng. Suốt 16 năm (1959-1974), Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng, quân đội, nhân dân giao phó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết