17/12/2011 - 08:54

Không nền kinh tế nào miễn nhiễm với khủng hoảng

Đó là cảnh báo của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (ảnh). Theo bà, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc Đại suy thoái như hồi thập niên 1930, trừ phi các nước dẹp bỏ những bất đồng và cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại châu Âu.

 

Phát biểu tại một hội nghị ở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-12, bà Lagarde nói rằng triển vọng kinh tế thế giới hiện nay “khá ảm đạm” với nguy cơ suy thoái đang ngày một tăng, tăng trưởng chậm hơn dự kiến, thâm hụt ngân sách cao hơn trong khi tình hình tài chính công cũng không mấy lạc quan. Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của bà Lagarde đối với “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ khi đến Washington tiếp quản IMF mùa hè năm nay, bà Lagarde buộc phải hạ mức dự báo của tổ chức này về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm tới và đang gia tăng áp lực lên các nước ngoài Khu vực đồng euro (Eurozone), yêu cầu họ chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu. Bà cảnh báo: “Không có nền kinh tế nào trên thế giới, kể cả những nước thu nhập thấp, trung bình, các thị trường mới nổi hay nước giàu, sẽ “miễn nhiễm” với cuộc khủng hoảng mà chúng tôi thấy là có chiều hướng đang lan rộng”. Lãnh đạo IMF còn nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này sẽ không được giải quyết bởi nỗ lực của một nhóm nước mà phải cần đến sức mạnh của mọi quốc gia, mọi khu vực. Bà Lagarde lưu ý cuộc khủng hoảng nợ cần được xử lý dứt khoát cùng với sự hợp tác toàn cầu để tránh tình trạng suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự cô lập đã từng xảy ra trong cuộc Đại suy thoái hồi những năm 30 của thế kỷ trước.

Trong khi bà Lagarde kêu gọi sự đoàn kết giữa các nước nhằm kiềm chế khủng hoảng, cuộc khẩu chiến giữa Anh và Pháp cũng như tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

6 ngân hàng hàng đầu thế giới bị tụt hạng

Hãng định mức tín nhiệm Fitch hôm 15-12 đã hạ xếp hạng tín dụng của 6 ngân hàng toàn cầu. Các ngân hàng này gồm Bank of America và Goldman Sachs (Mỹ), Barclays (Anh), BNP Paribas (Pháp), Deutsche Bank (Đức) và Credit Suisse (Thụy Sĩ). Cụ thể, Fitch hạ “xếp hạng khả năng trả nợ vốn vay” của các nhà băng này. Đây là chỉ số phản ảnh khả năng thực hiện các cam kết tài chính đúng hạn. Các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu của khu vực sử dụng đồng euro đang phải chịu những tổn thất lớn và người ta lo ngại các ngân hàng vay tiền lẫn nhau.

Tuần trước, hãng Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm 3 ngân hàng lớn của Pháp gặp khó khăn trong việc vay mượn.

THUẬN HẢI (Theo BBC)

Sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích Thủ tướng Anh David Cameron cư xử như “một đứa trẻ ngang bướng” tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Francois Baroin và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer tiếp tục công kích Luân Đôn vì đã ngoảnh mặt trước nỗ lực kiềm chế khủng hoảng tại lục địa già. Trong bối cảnh thị trường tài chính râm ran thông tin cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s chuẩn bị hạ mức tín nhiệm AAA của Pháp, cả hai ông Baroin và Noyer đều cho rằng xứ sương mù phải bị hạ bậc trước, vì “Anh hiện thâm hụt ngân sách lớn hơn, nợ công nhiều, lạm phát cao, tăng trưởng yếu...”. Về điều này, Nhà 10 phố Downing phản ứng thận trọng hơn. “Chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch đáng tin để giải quyết thâm hụt của mình và độ tin cậy của nó có thể thấy được qua những gì đang xảy ra đối với lãi suất trái phiếu”, người phát ngôn của Thủ tướng Cameron phân trần.

Còn tại Mỹ, Bộ trưởng Thương mại John Bryson tuyên bố Washington sẽ trả đũa quyết định của Bắc Kinh về việc đánh thuế mặt hàng xe hơi cao cấp của Mỹ nhập vào Trung Quốc. “Mỹ không thể âm thầm chịu đựng việc Trung Quốc phớt lờ nhiều qui tắc thương mại. Trung Quốc cơ bản vẫn trợ giá cho các công ty nội địa, phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài và thực thi kém việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, ông Bryson nói một cách thẳng thừng.

THANH TRÚC (Theo Guardian, Xinhua, BBC)

Chia sẻ bài viết