21/06/2019 - 10:02

Khơi thông nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp 

Công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố dần được định hình rõ nét, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thành phố cũng quyết liệt thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển…

Dây chuyền gia công sản xuất giấy của Công ty TNHH Cali, quận Bình Thủy.

► Mở lối đầu tư

Hiện nay, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã linh động trong việc chọn lựa công nghệ sản xuất phù hợp với năng lực hiện có gắn với khai thác hiệu quả thị trường ĐBSCL. Ông Phạm Ngọc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Cali (quận Bình Thủy) chia sẻ: Công ty chuyên gia công sản xuất các loại giấy ăn, giấy rút, giấy vệ sinh với thương hiệu Giấy Tây Đô và tập trung phân phối tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL. Với quy mô hoạt động nhỏ nên công ty tập trung phân phối sản phẩm vào kênh chợ truyền thống là chính và chọn hướng tiếp cận khách hàng bằng mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên về lâu dài, công ty định hướng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tự động hóa, phát triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Trung bình mỗi năm, thành phố phát triển mới từ 1.300-1.400 doanh nghiệp các loại hình. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã cấp mới chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 585 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 5.665,2 tỉ đồng, đạt 34,41% kế hoạch năm về số doanh nghiệp thành lập mới và đạt gần 81% về số vốn đăng ký. Nhìn chung, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập thị trường, phát triển sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, chia sẻ: Đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, Chi cục Thuế sẵn sàng hỗ trợ giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế khi doanh nghiệp có yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp chỉ tập trung vào các trường hợp có dấu hiệu gian lận khi kê khai, quyết toán thuế nhằm chống thất thu cho ngân sách; thực hiện kiểm tra theo kế hoạch, khi hết năm tài chính để nhằm giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.

Song song với việc phát triển doanh nghiệp, thành phố còn quan tâm khai thác các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tính từ thời điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Cần Thơ vào tháng 8-2018 đến nay, đã có 30/47 dự án mời gọi đầu tư trực tiếp tại hội nghị có nhà đầu tư đăng ký. Trong đó, 15 dự án đã xét chủ trương đầu tư với tổng vốn 37.784,1 tỉ đồng; 1 dự án đang lập phương án đấu giá, 1 dự án thông báo đấu thầu rộng rãi; 3 dự án thông báo Bộ tiêu chí để đấu giá, đấu thầu rộng rãi; 10 dự án đã có nhà đầu tư đang nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất theo quy định của Luật Đầu tư.

► Cởi nút thắt cho doanh nghiệp

Nhìn chung, các Sở, ban ngành, UBND quận, huyện thực hiện xây dựng Kế hoạch, Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, có gắn trách nhiệm người đứng đầu và có báo cáo tình hình triển khai thực hiện theo quy định. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính; chất lượng việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được nâng cao. Theo ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, chia sẻ: Thành phố đang đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến pháp lý, cơ chế chính sách... Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư gắn với ngành, lĩnh vực, quản lý do đơn vị quản lý. Cụ thể là có các giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp.

Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình sức khỏe doanh nghiệp đòi hỏi các sở ngành và địa phương phải thay đổi cách tiếp cận doanh nghiệp theo hướng gần gũi và sâu sát hơn. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, chia sẻ: Năm 2018, quận Bình Thủy tổ chức Đối thoại với doanh nghiệp tại Chi cục Thuế quận với các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính thuế là chủ yếu. Sang năm 2019, quận đã chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp đến tận các phường trên địa bàn thông qua việc tổ chức Diễn đàn "Đồng hành với doanh nghiệp năm 2019" được tổ chức thành 3 cụm trong tháng 6. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Nội dung trao đổi tại diễn đàn tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thủ tục về tiếp cận đất đai, cải cách hành chính thuế, tiếp cận vốn và các chương trình đổi mới công nghệ. Qua đó, quận vừa giải quyết các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp để đưa ra các chương trình hành động phù hợp hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Cần Thơ năm 2018, thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực nhưng đối với một số dự án quy mô lớn vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai của một số dự án còn chậm do ảnh hưởng ở khâu rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lập phương án đấu giá, lựa chọn nhà thầu,... Vì thế, các sở ngành thành phố cần tập trung hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục liên quan để triển khai nhanh dự án, nhằm góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Khi có những dự án mới đi vào triển khai và hoàn thành sẽ tạo nên động lực để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, các tập đoàn lớn vào đầu tư tại thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết