21/04/2021 - 09:09

Khơi thông động lực tăng trưởng cho công nghiệp Cần Thơ
Bài cuối: Tái cơ cấu mạnh mẽ để đón thời cơ mới 

Giữ vững lợi thế, phát huy nội lực, làm thế nào để ngành Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại là bài toán đầy trăn trở với Cần Thơ sau hơn 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và trong thập kỷ mới, công nghiệp của thành phố đứng trước yêu cầu phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, phát triển chuyên sâu hơn…

Nâng tầm nguồn nhân lực

Sinh viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, thực hành tại một phòng thí nghiệm dùng chung về tự động hóa. Ảnh: M.H

Một yêu cầu quan trọng của việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp. Bởi nếu nhân lực trong nhóm ngành này vừa thiếu, vừa yếu sẽ làm trì trệ bộ máy hoạt động, làm tụt hậu so với yêu cầu phải bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nguồn nhân lực cũng là một trong những yếu tố các nhà đầu tư quan tâm khi đến Cần Thơ. Nhận diện thách thức này, thành phố cùng các doanh nghiệp đang có những nỗ lực không ngừng trong việc chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sau 3 năm đi vào hoạt động tại Cần Thơ, Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ đã thu hút trên 8.000 lao động. Song để đáp ứng yêu cầu mở rộng nhà máy, chuyển từ sản xuất giày bán thành phẩm sang thành phẩm trong vòng 2 năm tới, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm từ 5.000-10.000 lao động. Theo ông Lee Hyung Jin, Phó Tổng giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, Công ty đang triển khai giai đoạn 2 của nhà máy liền kề với nhà máy hiện hữu tại khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 2B. Công ty cũng đang xem xét đề nghị của thành phố về việc đầu tư thêm nhà máy ở một trong các KCN còn lại của TP Cần Thơ. Và định hướng đầu tư trước tiên là vị trí của nhà máy mới và nhà máy hiện hữu phải cách nhau ít nhất 1 giờ di chuyển để không cạnh tranh với nhau trong việc tuyển dụng lao động.

Việc sắp xếp hợp lý lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp gắn liền với quá trình cải tiến sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc Điều hành Công ty CP May Tây Đô, chia sẻ: Trong các năm gần đây, công ty đầu tư thêm chuyền treo Hanger và các máy móc, thiết bị công nghệ tự động có thể thay con người ở nhiều công đoạn. Đồng thời, sắp xếp các chuyền may nhỏ thành chuyền lớn, tinh gọn bộ máy quản lý mà vẫn đảm bảo không giảm một lao động nào. Tuy nhiên, thiếu lao động vẫn là nỗi lo thường trực khi số công nhân tuyển dụng vào chỉ đủ bù đắp cho số nghỉ việc, nhảy việc. Do đó, Công ty rất cần thành phố hỗ trợ khảo sát, thống kê số lao động chưa có việc làm tại địa phương, nhu cầu công việc trong ngành công nghiệp hay dịch vụ… Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp có thể cập nhật và tuyển dụng được lực lượng lao động phù hợp.

Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp không thể tách rời việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp, hình thành tác phong lao động công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ có 9 bộ môn, với 14 ngành, trong đó có 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Các ngành học của trường đều được cập nhật, cải tiến nội dung giảng dạy để phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, tại Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ đã tiếp nhận tài trợ từ doanh nghiệp khoảng 3 triệu USD (tương đương gần 70 tỉ đồng) cộng với nguồn kinh phí đối ứng của trường để đầu tư cho 20 phòng thí nghiệm dùng chung với trang thiết bị rất hiện đại. Trong đó, có thể kể đến Rollwell Automation là một hãng về tự động hóa của Mỹ, Mitsubishi Electric của Nhật Bản, Siemens, SMC (một công ty nhiệt điện khí nén) của Hàn Quốc… Nhìn chung, các ngành đào tạo mũi nhọn phục vụ cho mảng công nghiệp, tự động hóa của ĐBSCL được doanh nghiệp quan tâm tài trợ các phòng thí nghiệm dùng chung và phát huy hiệu quả rất tốt.

Ảnh: M.H

Tái cơ cấu toàn diện

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu tỷ trọng ngành Công nghiệp và xây dựng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, có xu hướng tăng nhẹ và chiếm khoảng 33,7-34% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tính riêng ngành Công nghiệp chiếm khoảng 28-29%. Tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp và xây dựng giai đoạn này tăng bình quân từ 9-9,5%/năm. Giai đoạn 2026-2030, ngành Công nghiệp và xây dựng của thành phố dự kiến đạt mức tăng trưởng 7,5-8%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng của ngành Công nghiệp và xây dựng dự kiến đạt khoảng 34,02-34,28% trong cơ cấu kinh tế TP Cần Thơ. Thành phố xác định chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ hợp lý các nguồn lực theo thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Từ khi trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, giá đất tại TP Cần Thơ tăng dần, kéo theo chi phí đầu tư hạ tầng KCN, giá thuê đất trong các KCN tăng theo. Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: Ban đang tham mưu cho UBND thành phố xây dựng và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng “theo Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (ngày 22-5-2018) của Chính phủ. Việc ổn định lâu dài giá thuê đất thô cho các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, đồng thời tăng tỷ lệ diện tích đất xây dựng công nghiệp lên mức tối đa từ 70-75% theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam (thay vì trung bình 65% như hiện nay) cũng được Ban tính toán nhằm giảm chi phí đầu tư để tạo ra một mét vuông đất sạch (đất đã có hạ tầng) tiến tới kéo giảm giá cho thuê lại đất của các đơn vị kinh doanh hạ tầng.

Toàn cảnh Cảng Cái Cui của Công ty CP Cảng Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Trước đó, UBND thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN TP Cần Thơ, theo hướng, điều chỉnh giảm diện tích KCN Thốt Nốt, từ 600ha xuống 200ha, đưa KCN Ô Môn (600ha) và KCN Bắc Ô Môn (400ha) ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Đồng thời, bổ sung quy hoạch KCN Ô Môn - Cần Thơ (500ha) và KCN Vĩnh Thạnh (900ha) vào Quy hoạch phát triển các KCN. Đề nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Sau 5 năm hoạt động, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã nỗ lực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn thành phố ươm tạo sản phẩm công nghệ trên 3 lĩnh vực: chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, chia sẻ: Vườn ươm đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các viện, trường để nghiên cứu và phát triển khoa học liên quan đến lĩnh vực ươm tạo chủ lực; mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng vào tham gia ươm tạo công nghệ. Doanh nghiệp ươm tạo được Vườn ươm hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, đội ngũ chuyên gia tư vấn trong quá trình nghiên cứu sản phẩm, công nghệ. Vườn ươm cũng định hướng mở rộng lĩnh vực hỗ trợ ươm tạo; tập trung vào các ngành ứng dụng công nghệ thông tin, các ngành sử dụng nhiều chất xám, tiếp sức khởi nghiệp. Từ đó, góp phần đưa TP Cần Thơ thành trung tâm hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, về ươm tạo khoa học công nghệ của vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Thành phố đang tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trong quá trình phát triển hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung ương và các địa phương bên ngoài để xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hướng doanh nghiệp sản xuất và đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Thành phố nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới phải theo phương châm nội lực là nhân tố quyết định. Mục tiêu tái cơ cấu sản xuất công nghiệp phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế của thành phố, phù hợp với quá trình tái cơ cấu công nghiệp chung của cả nước và vùng ĐBSCL nhằm đưa công nghiệp TP Cần Thơ phát triển tương xứng với vai trò đầu tàu của vùng ĐBSCL.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết