Gần 5 năm qua (2018-2023), phong trào sinh viên (SV) tình nguyện được các cấp Hội Sinh viên (HSV) TP Cần Thơ triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Các hoạt động tình nguyện gắn với nhu cầu thực tiễn và thế mạnh chuyên môn của bạn trẻ, góp phần tạo giá trị bền vững cho mỗi công trình, phần việc. Qua các hoạt động, SV được trải nghiệm, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, góp phần xây dựng một cộng đồng tình nguyện, xã hội tình nguyện.

Sinh viên Trường Đại học Tây Đô tình nguyện xây dựng đường giao thông ở xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre trong dịp hè năm 2023. Ảnh: CTV
Theo Ban Thư ký HSV TP Cần Thơ, nhiệm kỳ 2018-2023, hoạt động tình nguyện được mở rộng thêm về hình thức, quy mô và nội dung, được triển khai xuyên suốt năm học như các chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Cần Thơ xanh” cùng 2 chương trình “Tiếp sức mùa thi”, “Vì trường đẹp cho em”. Trong đó, Chiến dịch “Mùa hè xanh” đã thu hút hơn 6.500 lượt SV tình nguyện tại 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL. Các hoạt động tập trung triển khai như xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và các hoạt động an sinh xã hội. Cách thức tổ chức chiến dịch có nhiều sáng tạo, thiết thực, địa bàn hoạt động được mở rộng đến các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tăng cường phát huy các đội hình tình nguyện gắn với chuyên môn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho nhân dân.
Tiêu biểu như thông qua Chiến dịch “Mùa hè xanh”, từ năm 2020 đến nay, HSV Trường Ðại học Tây Ðô đã thực hiện 78 công trình thanh niên, làm lợi cho cộng đồng hơn 5 tỉ đồng. Nguyễn Khánh Duy, SV ngành Ðiện tử, Liên Chi hội (LCH) trưởng LCH SV Ðồng Tháp, cho biết: “Giai đoạn 2020-2023, LCH đã hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp xây dựng 2 cầu bê tông, 7 “Tuyến đường nông thôn an toàn”, sửa chữa và xây dựng 18km đường giao thông, với tổng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng”. Khánh Duy chia sẻ: “LCH lựa chọn những công trình, phần việc phù hợp nhu cầu của nhân dân, từ đó triển khai đội hình tình nguyện gồm những SV có kiến thức chuyên môn phù hợp để thực hiện. Các đội hình bao gồm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tập huấn chuyển giao KHKT; tập huấn kỹ năng mềm, dạy bơi cho học sinh; phổ cập tin học.
Tại Trường Ðại học Nam Cần Thơ, mỗi năm học, tổ chức Ðoàn - HSV trường triển khai các hoạt động tình nguyện tại chỗ và Chiến dịch “Mùa hè xanh”, làm lợi cho cộng đồng bình quân 100 triệu đồng. Dịp hè năm học 2022-2023, hơn 400 SV trường đăng ký tham gia Chiến dịch “Mùa hè xanh” tại tại 6 tỉnh, thành khu vực ÐBCSL. Các hoạt động tình nguyện tại chỗ cũng được các cấp HSV trường quan tâm thực hiện bằng những phần việc cụ thể, gắn với điều kiện học tập, rèn luyện của SV. Các hoạt động bảo vệ và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp được thường xuyên tổ chức, trong đó chú trọng các hoạt động giữ gìn cảnh quan môi trường giảng đường, ký túc xá, địa bàn đặt trụ sở của trường thông qua các “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”.
Theo ông Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HSV TP Cần Thơ, thực hiện định hướng của Trung ương Ðoàn về thực hiện chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng) trong hoạt động tình nguyện, các cấp HSV trên địa bàn thành phố tăng cường các hoạt động kết nối, tạo tính bền vững cho các công trình, phần việc vì cộng đồng. Ðiểm nhấn phong trào tình nguyện trong nhiệm kỳ 2018-2023 là sự chuyển hướng trong các hoạt động, phong trào thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Các cấp HSV thành phố đã thành lập 120 đội hình, thu hút hơn 3.000 lượt SV, tình nguyện hỗ trợ truy vết và xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng; tham gia các đợt hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh, thành phía Nam.
Tuy nhiên, kết quả của việc thực hiện phong trào tình nguyện của những năm qua cho thấy một số hoạt động tình nguyện còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững. Các đội hình tình nguyện tham gia nhiều hoạt động xung kích tại các địa phương nhưng lại “bỏ quên” những công việc ngay tại chỗ (nơi các bạn sống và học tập hằng ngày, nơi trường đại học của các bạn “đóng quân”). Từ thực trạng đó, thời gian tới, HSV thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án tình nguyện theo hướng dài hạn, bền vững; tăng cường phối hợp, kết nối và huy động nguồn lực triển khai các hoạt động tình nguyện. Các công trình, phần việc gắn với nhu cầu thực tế, giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương, đơn vị, các địa bàn khó khăn, biên giới hải đảo; đồng thời, chú trọng thành lập các đội hình chuyên môn của SV tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với việc tôn vinh, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trong phong trào tình nguyện.
QUỐC THÁI