19/12/2023 - 11:03

Khởi nghiệp với đất sạch 

Tận dụng những thứ tưởng chừng bỏ đi như rơm mục, lục bình, tro trấu, túi phôi nấm sau thu hoạch, một nhóm sinh viên của Trường Cao đẳng Kiên Giang xử lý tạo thành đất sạch phục vụ nghề trồng rau sạch, hoa kiểng.

Phôi nấm qua sử dụng là nguyên liệu để Nguyễn Vũ Bảo Trân và các bạn sản xuất đất sạch.

Đó là dự án “Đất từ nấm” của nhóm sinh viên năm thứ ba chuyên ngành bảo vệ thực vật Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang gồm Nguyễn Vũ Bảo Trân, Nguyễn Thành Đạt, Danh Thị Bích Ngọc. Dự án vừa giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Là trưởng nhóm xây dựng dự án, bạn Nguyễn Vũ Bảo Trân cho biết, qua tìm hiểu, nhóm được biết hầu như mỗi huyện đều có trại nấm bào ngư, sau mỗi đợt thu hoạch nguồn phôi nấm phế phẩm rất lớn. Ngoài ra, với hơn 700.000ha canh tác lúa của tỉnh, có khoảng 4 triệu tấn rơm/năm được thải ra môi trường, chỉ một phần nhỏ được thu gom chất nấm, bán rơm cuộn, còn lại đốt bỏ. Tình trạng này dẫn đến ô nhiễm không khí ở nơi sinh sống và các khu vực lân cận, gây ngộ độc đất cho vụ sau.

“Quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dẫn đến nhu cầu cần đất sạch phục vụ trồng rau màu ở các khu đô thị tăng cao… Từ thực trạng trên, nhóm chúng em suy nghĩ sao mình không tận dụng những thứ bỏ đi đó kết hợp với nhau để sản xuất đất sạch, nâng cao giá trị phế phẩm nông nghiệp và tạo thu nhập”, Bảo Trân tâm sự. Và dự án “Đất từ nấm” ra đời với sản phẩm chính là đất sạch ĐN3, sản phẩm phụ là phân trùn quế, trùn quế sinh khối, rơm mục đã xử lý, than hoạt tính bằng phôi nấm bào ngư.

Có được thành công như hiện nay, khó khăn mà Bảo Trân và 3 người bạn vượt qua không phải ít. Bảo Trân cho biết, chính sự ủng hộ từ ba mẹ, thầy cô là động lực vượt khó. Sau hơn 1 năm mày mò nghiên cứu với hàng chục quy trình tạo ra đất sạch khác nhau kết hợp thăm dò ý kiến khách hàng, Bảo Trân và các bạn của mình dần đúc rút được công thức hoàn chỉnh. Đất sạch NĐ3 khắc phục các nhược điểm như khả năng giữ nước kém, hàm lượng dinh dưỡng trong đất không đủ cung cấp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, thậm chí chai cứng sau thời gian dài sử dụng.

Hiện sản phẩm đất sạch do Bảo Trân và các bạn sản xuất được đóng túi tiện dụng theo dung tích 5dm3, 20dm3, 50dm3 và bán thử nghiệm qua kênh Facebook, zalo “vườn kiểng”, kênh tiktok “hoakiengthientran” và bán trực tiếp tại cửa hàng tại cơ sở hoa kiểng Thiện Trân, quốc lộ 63, khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành).

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Ban giám khảo hội thi đánh giá cao dự án “Đất từ nấm” của các sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang bởi các giá trị mà dự án mang lại. Ngoài tạo thu nhập cho thành viên trong nhóm, dự án còn đáp ứng nhu cầu sử dụng đất sạch của người đô thị. Về giá trị môi trường, dự án tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để tạo ra một sản phẩm có giá trị, tạo một vòng tròn khép kín trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng rác thải nông nghiệp và ô nhiễm môi trường”.

Nói về những định hướng tới của dự án “Đất từ nấm”, Bảo Trân nói: “Nhóm sẽ nâng quy mô sản xuất từ 60m2 lên 300m2, vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Do đều là sinh viên nên nhóm đang kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Với dây chuyền sản xuất sau khi được nâng cấp, dự kiến mỗi tháng sản xuất khoảng 22 tấn đất sạch, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm”.

Bài, ảnh: AN LÂM

Chia sẻ bài viết