06/08/2024 - 09:37

Khởi nghiệp từ mô hình trồng Sapoche hữu cơ 

Năm 2019, anh Tô Trung Ðoàn đã mạnh dạn đưa giống cây Sapoche (sapo) của Mexico về trồng ở vùng đất cồn Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) và đã gặt hái thành công.

Anh Đoàn còn chiết nhánh bán cây giống cho nhà vườn trong và ngoài địa phương.

Khoảng 5 năm trước, tình cờ đọc được cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS Ðỗ Tất Lợi, anh Ðoàn biết được trái cây Việt Nam không những ngon, giàu dinh dưỡng mà còn là những vị thuốc từ thiên nhiên ban tặng nên anh quyết định khởi nghiệp với cây Sapoche. "Tôi ấn tượng nhất là cây Sapoche cho trái ăn rất thơm ngon, có nhiều dược tính rất tốt cho sức khỏe. Ở nước ngoài, người ta khai thác chất nhựa từ cây này để làm kẹo bạc hà làm thuốc chữa ho; vỏ thân thì được dùng chữa tiêu chảy. Ðây là loại cây trồng tiềm năng nên tôi quyết định đem về vùng đất cồn để trồng", anh Ðoàn cho biết.

Ðể chuẩn bị khởi nghiệp với cây Sapoche anh Ðoàn đã cất công tìm hiểu kỹ thuật trồng từ nhiều nhà vườn ở miền Tây. Sau thời gian học hỏi và tìm hiểu thêm qua sách, báo, anh nắm rõ cách trồng, chăm sóc sao cho đúng cách để cây đạt năng suất cao và mạnh dạn mua gần 100 cây giống Sapoche của Mexico về trồng thử nghiệm trên đất vườn nhà. Ðến khi cây trồng được 2 năm bắt đầu cho thu hoạch, bán được giá cao, nên anh Ðoàn càng có niềm tin làm giàu từ loại cây này và tiếp tục nhân giống trồng phủ khắp diện tích vườn nhà với số lượng lên đến vài trăm cây.

Theo anh Ðoàn, để cây Sapoche sinh trưởng và phát triển tốt cần cải tạo, phơi đất 3-6 tháng trước khi trồng để đất thoáng khí. Trong quá trình trồng, cần thường xuyên bón phân hữu cơ để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ðến khi cây được 2 năm tuổi, tiến hành tạo tán, tỉa cành cho cây thoáng và phát triển tốt. Cây khi đạt 5 năm tuổi, sản lượng trái mỗi năm đạt khoảng 300kg. Vì trồng theo hướng hữu cơ nên anh Ðoàn sử dụng các loại rau, củ, quả, phế phẩm nông nghiệp đem ủ để làm phân. Song song đó, anh còn kết hợp sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học hiện có trên thị trường để bón cho cây. Nhờ cách làm này giúp tạo một lớp đất tơi xốp, bộ rễ của cây dễ phát triển mạnh, không sợ đất bạc màu do sử dụng phân bón vô cơ. "Từ lúc nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp tôi cũng lựa chọn trồng theo hướng hữu cơ để mang đến những sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong khi đó bản thân cũng được hưởng lợi vì năng suất trái cao, đảm bảo chất lượng, hương vị trái… được khách hàng đánh giá cao nên bán được giá tốt. Ðặc biệt, thời gian bảo quản trái Sapoche từ cây trồng hữu cơ lâu hơn so với trái từ cây trồng theo phương pháp thông thường", anh Ðoàn nói.

Cây Sapoche Mexico có sức chống chịu hạn và mặn khá tốt, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng cũng dễ bị các loại côn trùng tấn công, như rệp sáp trên trái non và ruồi vàng, sâu đục thân… Ðể tránh ảnh hưởng năng suất, phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện các loại sâu hại gây bệnh và ngăn chặn kịp thời. Theo anh Ðoàn, giống Sapoche Mexico có ưu điểm là trái to, nặng từ 300-450 gram/trái, vị ngọt, thơm lâu, mềm và bán giá cao hơn các loại Sapoche thông thường. Hiện anh Ðoàn thu hoạch trái và đem giao cho các sạp ở thị xã Tân Châu với giá 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán cây giống với giá 70.000 đồng/cây, cung cấp khắp các tỉnh miền Tây, miền Ðông.

Sắp tới, anh Ðoàn dự định phát triển mô hình theo hướng liên kết với bà con nông dân để mở rộng diện tích. Qua đó, hướng đến việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, cấp mã số vùng trồng… vừa tiêu thụ ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu loại nông sản này.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết