19/05/2013 - 19:48

Khởi động chương trình giảm giá kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

 Du khách nước ngoài đến ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là nơi có nhiều tiềm năng thế mạnh về du lịch nhưng đến nay mỗi năm chỉ đón gần 19,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chỉ hơn 1,6 triệu lượt, so với nhiều miền trong nước, du lịch ĐBSCL vẫn còn khiêm tốn. Làm thế nào để du lịch hấp dẫn hơn và du khách đến ĐBSCL ngày càng nhiều hơn? Đó là vấn đề được quan tâm bàn đến trong buổi Tọa đàm "Tìm giải pháp kích cầu du lịch ĐBSCL" vừa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ và tổ chức quảng bá với các công ty lữ hành tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5-2013.

Chưa tương xứng tiềm năng…

ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng sông nước miệt vườn, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, bốn mùa trái cây trĩu quả, rừng núi, đồng bằng, biển đảo đều có… là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái. ĐBSCL là nơi cộng đồng 4 dân tộc Kinh-Hoa-Khmer-Chăm sinh sống, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo, với các lễ hội, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị.

Mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch như vậy nhưng hiện nay du lịch ĐBSCL vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách, đầu tư du lịch còn bỏ ngỏ. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL tại Tiền Giang, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: "Thế mạnh về nông nghiệp lúa nước, trái cây và thủy sản có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng ĐBSCL, trở thành thương hiệu nhưng hiện nay những sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp ĐBSCL vẫn là hoạt động rời rạc, đơn lẻ và thiếu vắng dịch vụ, thiếu ý tưởng đáp ứng đúng nhu cầu, sở thích của du khách. Với đặc trưng sông nước Cửu Long mà đến nay du lịch đường sông, du thuyền trên sông chưa hình thành sản phẩm rõ nét, chưa có hệ thống cầu cảng, bến đậu, hệ thống phương tiện và dịch vụ đi kèm để trở thành loại hình du lịch riêng của vùng. Đờn ca tài tử là di sản phi vật thể nổi bật của ĐBSCL nhưng hệ thống nhà hát và dịch vụ đi kèm để tổ chức cho du khách thưởng thức thực sự chưa có đẳng cấp, do vậy, chưa làm tăng giá trị cho sản phẩm du lịch chung…Du lịch ĐBSCL so với mặt bằng chung của cả nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ về các chỉ tiêu khách, chỉ tiêu bình quân, độ dài lưu trú bình quân và tổng thu từ khách du lịch".

Theo báo cáo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA), năm 2012, du lịch ĐBSCL đón 19.409.811 lượt khách tham quan và lưu trú, tăng 11,3% so với năm trước, trong đó, khách quốc tế 1.605.742 lượt, tăng 11,5% và tổng doanh thu du lịch đạt 4.344 tỉ đồng, tăng 23,2% so với năm 2011. Ông Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực MDTA, cho rằng: "Những kết quả còn khiêm tốn so với cả nước, so với mong muốn, so với tiềm năng…"

Tìm giải pháp kích cầu du lịch ĐBSCL

Các tỉnh, thành ĐBSCL thấy lợi thế và tiềm năng cũng như yếu thế của du lịch ĐBSCL là sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, chưa đặc sắc để hấp dẫn du khách, chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng đặc sắc, độc đáo để du khách tham quan và lưu giữ được du khách ngày dài hơn. Vì vậy, năm 2012, các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm Vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) cùng Bạc Liêu liên kết hợp tác đã xây dựng cho ra đời sản phẩm mới "ĐBSCL-Một điểm đến 4 địa phương +". Đây là tour mở đầu cho việc liên kết, hợp tác các tỉnh, thành ĐBSCL, để quảng bá, mời gọi du khách đến với ĐBSCL.

Mới đây, MDTA cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Tọa đàm "Tìm giải pháp kích cầu du lịch ĐBSCL". Hơn 100 doanh nghiệp là khách sạn, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, vận chuyển… của các tỉnh, thành ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh tham dự. Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cho rằng giảm giá kích cầu du lịch ĐBSCL rất cần thiết, bởi hiện nay, kinh tế suy giảm, chi tiêu cho du lịch tiết kiệm. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng giảm giá chứ không giảm chất lượng, đó mới là chương trình giảm giá kích cầu thực sự, để thu hút du khách đến ĐBSCL. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, nhận định: "Theo tôi, hiện nay kinh doanh du lịch đang rất khó khăn do kinh tế giảm sút, người dân tiết kiệm chi tiêu. Khách vẫn dành tiền để đi du lịch nhưng họ chọn các tour gần, tour giá rẻ, tour khuyến mãi, thậm chí tour có chất lượng thấp hơn trước đây. Do khách ít nên công suất hoạt động của các hãng vận chuyển, hãng lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan đều giảm. Nếu vẫn tiếp tục để giá cao thì khả năng thu hút khách rất thấp, dẫn đến người bán tồn loại sản phẩm không lưu kho được (như phòng ngủ, vé máy bay), còn khách thì không có cơ hội thưởng thức du lịch. ĐBSCL hiện nay cũng nằm chung hoàn cảnh khó khăn như các vùng miền khác, vì vậy, việc kích cầu, giảm giá dịch vụ là việc cần làm ngay trong năm 2013".

Tại buổi tọa đàm, gần 50 đơn vị là các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển đã ký cam kết giảm giá cho du khách đến ĐBSCL từ nay đến hết năm 2013. Theo đó, khối nhà hàng giảm giá 5-10%, khách sạn giảm giá 10-50%, công ty du lịch giảm giá 5-30%, vận chuyển giảm giá giảm 5-58%, trong đó, Việt Nam Airlines giảm giá 38-58% cho du khách đến ĐBSCL.

Ông Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực MDTA, cho rằng: " Việc tổ chức tọa đàm "Tìm giải pháp kích cầu du lịch ĐBSCL" và ký cam kết giảm giá các dịch vụ du lịch trong mùa thấp điểm, có ý nghĩa thiết thực và to lớn cho phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới, chúng tôi tin chắc rằng số lượng du khách đến ĐBSCL trong tương lai sẽ không ngừng tăng lên…".

Để chương trình giảm giá kích cầu du lịch ĐBSCL đến với du khách và đạt hiệu quả, MDTA cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL, thực hiện Chương trình quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội, với chủ đề " Giới thiệu sản phẩm mới và chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL năm 2013". Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ, kỳ vọng: "Hưởng ứng Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020 và Chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ năm 2013, nhằm đẩy mạnh quảng bá cho Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 của các tỉnh thành ĐBSCL, đồng thời thu hút khách từ thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến ĐBSCL, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc khai thác, phát triển tour, tuyến và tăng cường hợp tác kinh doanh trao đổi hai chiều, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tổ chức chương trình quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-5-2013. Kỳ vọng của Ban tổ chức là giới thiệu những dịch vụ du lịch mới của các tỉnh ĐBSCL như ăn-nghỉ-giải trí… để các công ty lữ hành ở Hà Nội cập nhật. Giới thiệu các tour kích cầu du lịch ĐBSCL đến các công ty lữ hành ở Hà Nội cũng như đề nghị với Việt Nam Airlines đưa tuyến bay Cần Thơ - Hà Nội - Cần Thơ vào tuyến bay giảm giá; mong muốn Việt Nam Airlines xúc tiến mở đường bay Cần Thơ-Đã Nẵng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho du khách để kích cầu du lịch ĐBSCL...".

Như vậy, chương trình giảm giá kích cầu du lịch ĐBSCL đã khởi động. Hy vọng, chương trình này sẽ hấp dẫn du khách, năm 2013, ĐBSCL sẽ đón du khách nhiều hơn.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết