17/04/2021 - 07:12

Khoảng 1% số người đã tiêm chủng tại Mỹ vẫn dương tính với SARS-CoV-2 

* Pfizer đề cập khả năng cần tiêm nhắc lại hằng năm

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 15-4 thông báo có khoảng 5.800 người vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 dù đã tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19. Con số này chiếm chưa đầy 1% tổng số 77 triệu người tại Mỹ đã được tiêm đủ liều vaccine.

Theo CDC, tình trạng này có thể là do cơ thể người được tiêm chưa tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Trong số những người nói trên, có 74 người đã tử vong, một số có bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng, trong khi 396 người phải nhập viện điều trị. CDC khẳng định trường hợp này đã được dự đoán trước vì vaccine không ngăn ngừa được 100% lây nhiễm và khi số người được tiêm tăng lên hàng chục triệu, sẽ có thêm các ca dương tính sau khi tiêm. Tuy nhiên, con số này sẽ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số người đã được tiêm phòng.

CDC khuyến cáo những cá nhân đã tiêm đủ liều vaccine cần theo dõi tình trạng cơ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

* Trong diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ, ông Albert Bourla (ảnh) cho rằng người tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng từ 6 đến 12 tháng và sau đó là tiêm nhắc lại hằng năm để đảm bảo tối ưu hiệu quả của vaccine. Ông Bourla cho biết Pfizer đang nghiên cứu tần suất tiêm chủng vaccine phù hợp, trong đó phụ thuộc nhiều vào các biến thể của SARS-CoV-2.

Tháng trước, Pfizer cho biết vaccine ngừa COVID-19 của hãng đạt hiệu quả tới hơn 91% trong việc phòng ngừa COVID-19 và hơn 95% trong việc ngăn ngừa các diễn biến bệnh trầm trọng trong vòng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Đây là kết quả thu được từ các cuộc thử nghiệm vaccine với sự tham gia của hơn 12.000 người.

Hiện các nhà nghiên cứu của Pfizer đang tìm hiểu vaccine này có khả năng phòng ngừa SARS-CoV-2 trong bao lâu với những người từng được tiêm chủng đầy đủ các mũi.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn, ông Bourla đã lên tiếng bảo vệ giá vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, vốn được cho là một trong những loại vaccine đắt nhất trên thị trường hiện nay.

Ông Bourla lập luận rằng giá vaccine của hãng không đắt hơn so với giá một bữa ăn nếu so với hiệu quả cứu người và cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại. Ông khẳng định Pfizer không kiếm lời từ việc bán vaccine cho các nước nghèo.

Theo số liệu do một thành viên Chính phủ Bỉ công bố vài tháng trước, vaccine của Pfizer/BioNTec - sản phẩm hợp tác giữa công ty dược phẩm của Mỹ và Đức, chiếm phần lớn ngân sách mua vaccine của Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cảnh báo hồi đầu tuần, EU đang đối mặt với chi phí vaccine cao khi đàm phán mua gần 2 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 cho những năm tới. Ông cho biết vaccine của Pfizer/BioNTec từng có mức giá 12 euro (14 USD), sau đó tăng lên 15 euro và 19,5 euro theo đơn giá trong các hợp đồng ở thời điểm hiện tại.

Ông Bourla không xác nhận về giá vaccine của hãng, song thừa nhận vaccine của Pfizer có mức giá bán ra cao hơn tại các nước phát triển, cụ thể là các nước châu Âu và Mỹ. Ở các nước có thu nhập trung bình, vaccine của Pfizer được bán một nửa giá, trong khi ở những nước nghèo, bao gồm các nước châu Phi, vaccine của Pfizer được bán bất kể giá nào.

LAN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết