07/05/2010 - 21:45

Khoản cách lớn về tỷ lệ tử vong trên toàn cầu

 Tăng cường kiểm soát thuốc lá và hạn chế tai nạn giao thông có thể giúp các nước kéo giảm tỷ lệ tử vong. Ảnh: Goodshot/Thinkstock

Viện Đánh giá và Đo lường Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) đã nhận định như vậy trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh khi công bố bản đánh giá tỷ lệ tử vong ở người lớn trên toàn cầu được xem là toàn diện nhất từ trước đến nay. Cụ thể, hiện nay nam giới trưởng thành ở Swaziland (miền Nam châu Phi), nước có tỷ lệ tử vong cao nhất, có nguy cơ chết trẻ cao gấp 9 lần tỷ lệ tử vong ở Síp, quốc gia có tỷ lệ thấp nhất. Tỷ lệ tử vong ở miền Nam châu Phi hiện cao hơn cả tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển hồi năm 1751.

Sử dụng dữ liệu từ sổ hộ khẩu, các cuộc điều tra dân số, khảo sát về tỷ lệ tử vong ở từng hộ gia đình, các nhà nghiên cứu đã đưa ra đánh giá đối với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng những người bước qua tuổi 15 có thể chết trước 60 tuổi. Kết quả: phụ nữ nhìn chung cải thiện sức khỏe tốt hơn nam giới. Trong vòng 40 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong ở người lớn trên toàn cầu giảm 34% đối với nữ và 19% đối với nam. Khoảng cách giữa tỷ lệ chết ở nam và nữ đã tăng thêm 27% trong những năm 1970-2010.

Nguy cơ tử vong thấp nhất ở người lớn được ghi nhận ở Iceland (nam) và Síp (nữ). Đối với tỷ lệ tử vong ở nữ giới, Nga từ vị trí 43 năm 1970 đã rớt xuống hạng 121 năm 2010. Trong khi đó, Mỹ thua kém nhiều nước trong nỗ lực kéo giảm số người chết. Năm 1990, Mỹ xếp thứ 34 trên thế giới về tỷ lệ tử vong ở nữ và 41 về tỷ lệ tử vong ở nam, nhưng đến năm 2010, Mỹ đã tụt xuống hạng 49 đối với nữ và 45 đối với nam. Với thứ hạng trên, Mỹ xếp sau các nước Tây Âu và những nước có thu nhập thấp như Chile, Tunisie và Albanie. Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng nằm trong nhóm nước có tỷ lệ chết ở nữ giới cao nhất năm 1970, nhưng đến năm 2010, khu vực này đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở phụ nữ. Trong danh sách các nước có tỷ lệ tử vong ở người lớn thấp nhất, chỉ còn 3 nước Thụy Điển, Hà Lan và Na Uy nằm trong tốp 10 nước có tỷ lệ chết thấp nhất ở nam giới giai đoạn 1970-2010.

IHME chỉ ra nhiều yếu tố làm gia tăng cách biệt về tỷ lệ tử vong giữa các nước. Bệnh AIDS là tác nhân chính làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong ở châu Phi trong thập niên 1990. Thu nhập tăng lên ở một số nước góp phần làm tăng sự phổ biến của các yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh như cao huyết áp và béo phì. Hút thuốc lá tiếp tục là “thủ phạm” hàng đầu gây tử vong ở người lớn trên toàn cầu.

HỒNG ĐĂNG (Theo Science Daily)

Chia sẻ bài viết