Theo kế hoạch, đến năm 2015, TP Cần Thơ cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước hoàn thành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (PCGDMNT5T), gọi tắt là Đề án. Từ khi "xắn tay" thực hiện Đề án, Cần Thơ đã thu được kết quả khả quan đáng khích lệ. Bên cạnh đó, thành phố còn đối mặt với những khó khăn, cần sự chung tay nỗ lực của ngành chức năng là các cấp chính quyền địa phương để hoàn thành đề án.
Ghi nhận nỗ lực
Nhiều năm qua, ngành giáo dục có nhiều cố gắng xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn và vùng phụ cận. Qua đó, quy mô trường lớp ở giáo dục mầm non phát triển khá mạnh. Hiện thành phố có 151 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 539/605 phòng học theo hướng kiên cố, bán kiên cố đạt chuẩn theo quy định. Phòng học dành cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi là 606 phòng; trong đó 214 phòng học kiên cố, tỷ lệ 35,31%; 325 phòng học bán kiên cố, tỷ lệ 53,63%. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được các địa phương quan tâm chú trọng, qua đó, số lượng trường đạt chuẩn tăng hàng năm, đạt tỷ lệ 23,17%.
Giờ học của các bé Trường Mẫu giáo thị trấn Thạnh An 2.
Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục và sự "tiếp sức" của ngành chức năng, đến nay, toàn thành phố có 99,60% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp; trẻ mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 96,68%... Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện có 48/85 đơn vị xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất; 76/85 đơn vị xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên; 85/85 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp; 76/85 xã, phường đạt tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày.
Trẻ được tiếp cận với nền giáo dục sớm sẽ thúc đẩy quá trình phát triển về thể chất, trí tuệ, nhất là trẻ 5 tuổi - thời kỳ quyết định tạo tiền đề. Để góp phần cho công tác giáo dục và chăm sóc cho những "mầm xanh", rường cột nước nhà, nhiều địa phương có cách làm hay, góp phần nâng cao hiệu quả của Đề án. Trong đó, huyện Cờ Đỏ là địa bàn vùng ven, cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn, những năm qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu với các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng phòng học, phòng chức năng, khu vệ sinh, trang bị đồ dùng, đồ chơi cho các lớp. Bên cạnh đó còn ưu tiên dành quỹ đất và kinh phí xây dựng phòng học và mua sắm trang thiết bị dành cho các lớp 5 tuổi. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện triển khai 29 dự án xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ khác
không những thế huyện còn mở rộng thêm đất cho trường học. Những năm qua, mô hình các trường ở huyện Phong Điền nhận đỡ đầu cho trẻ hộ nghèo, khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ đến lớp, cũng đã góp phần đáng kể cho công tác PCGDMNT5T. Để tạo điều kiện thuận lợi huy động trẻ đến trường, huyện Vĩnh Thạnh bố trí trường học ở nơi đông dân cư. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm để đáp ứng nhu cầu giáo dục trên địa bàn huyện
Còn nhiều khó khăn
Những năm qua, thành phố tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục. Nhờ đó, hệ thống trường lớp ngày càng mở rộng, tuy nhiên, để đề án nhanh "cán đích", Cần Thơ cần kịp thời gỡ khó những vướng mắc, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, hiện thành phố có 6/9 quận, huyện đạt các tiêu chuẩn theo quy định, còn 3 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh có kế hoạch nâng cấp và sửa chữa các phòng học dành cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi tại các điểm lẻ. Qua thống kê, còn thiếu 69 phòng học dành cho trẻ 5 tuổi (trong đó, huyện Vĩnh Thạnh: 52 phòng; huyện Phong Điền: 13 phòng và huyện Cờ Đỏ: 4 phòng). Ngoài ra, còn 5 trường mầm non chưa có cơ sở vật chất, đang học nhờ trường tiểu học hoặc nhà dân. Đơn cử như, Trường Mẫu giáo Giai Xuân (huyện Phong Điền), trẻ học nhờ những điểm lẻ; Trường Mẫu giáo Thạnh An 3 (huyện Vĩnh Thạnh), trong tình trạng thiếu phòng học, chưa đảm bảo an toàn để cô và trẻ hoạt động; nhiều điểm lẻ (6 điểm/7 lớp). Thiếu phòng học cho trẻ 5 tuổi nên việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày gặp khó khăn. Hiện có 2 điểm học nhờ Trường Tiểu học Thạnh An 2, ảnh hưởng việc huy động trẻ ra lớp. Cô Đỗ Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh An 3, cho biết: "Để đảm bảo lộ trình hoàn thành PCGDMNT5T, cần giải quyết tình trạng thiếu phòng học, học nhờ, học tạm
Bên cạnh đó, cần tăng biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu PCGDMNT5T; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng".
Đề án PCGDMNT5T được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2-2010, hiện đang vào giai đoạn triển khai nước rút. Theo đó, các trường học phải đảm bảo tiêu chí: phòng học kiên cố, 2 giáo viên/lớp, tỷ lệ trẻ huy động 100%; học sinh học 2 buổi/ngày
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện đề án, dù đạt một số thành công bước đầu, song còn một số khó khăn vướng mắc cần giải quyết trong quá trình về đích. Ngoài việc khó khăn về cơ sở vật chất, một số địa phương còn thiếu giáo viên. Chẳng hạn, huyện Vĩnh Thạnh còn thiếu 60 giáo viên. Bậc học mầm non là mắc xích đầu tiên của hệ thống giáo dục nhưng nhiều năm qua, bậc học này chưa thật sự được quan tâm. Một số điểm trường xuống cấp ảnh hưởng đến công tác PCGDMNT5T. Xác định cơ sở vật chất là nhu cầu cần thiết trong chăm sóc giáo dục trẻ, Trường Mẫu giáo thị trấn Thạnh An 2 luôn nỗ lực tìm nhiều biện pháp cải tạo cơ sở vật chất, để trẻ có môi trường học tập tốt. Tuy nhiên, do trường xây dựng đã lâu nay bị xuống cấp, khuôn viên nhà trường bị che khuất bởi các doanh nghiệp cao tầng, không thông thoáng do thiếu ánh sáng tự nhiên. Mùa mưa sân trường luôn ẩm thấp, gặp những trận mưa lớn kéo dài, giáo viên vừa phải di chuyển đồ dùng dạy học, vừa tát nước... ảnh hưởng trực tiếp chất lượng dạy và học. Ông Trần Văn Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, nói: Cũng như nhiều địa phương khác, chúng tôi mong thành phố tăng cường kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi cũng như thực hiện đúng kế hoạch Đề án PCGDMNT5T
Bài, ảnh: Minh Hoàng